Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Hội nghị Tỉnh ủy tại làng Paghì

Ngày đăng: 8:22 | 10/04/2019 Lượt xem: 1249

Cuối năm 1956, sau khi phát hiện cơ quan Tỉnh ủy ở vùng núi huyện Đại Lộc, địch thường xuyên tung bọn thám báo, tề điệp lên dò la, tiến hành các đợt càn quét để triệt phá cơ quan của ta. Trước tình hình đó, đầu năm 1957, cơ quan Tỉnh ủy phải chuyển lên đứng chân tại chiến khu Trung Mang (Hòa Vang). Đến đầu năm 1958, cơ quan Tỉnh ủy chuyển lên đứng chân tại thôn Paghì, xã Tà Pơơ - huyện Giằng (nay thuộc thôn Hai, xã Tà-pơơ, huyện Nam Giang). Đây là địa bàn trung tâm để thuận lợi cho việc lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là các huyện cánh Nam.

Tại đây, đầu năm 1958, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị mở rộng với sự tham dự của các đại biểu của các huyện. Hội nghị kiểm điểm công tác lãnh đạo từ sau khi địch tăng cường các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” trong năm 1956, đề ra các chủ trương đẩy mạnh phong trào cách mạng ở đồng bằng, tăng cường xây dựng các huyện miền núi thành chỗ dựa cho cả tỉnh, giữa đồng bằng và miền núi có sự hỗ trợ trực tiếp lẫn nhau để tạo thế phát triển phong trào.
Tiếp đó, cuối năm 1958, trong khi chờ chủ trương mới của Đảng, Liên khu uỷ V truyền đạt những nội dung cơ bản của bản Dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn và gợi ý cho Tỉnh uỷ tiến hành một số công tác nhằm chuẩn bị xây dựng căn cứ miền núi, xây dựng lực lượng vũ trang để hoạt động. Trên tinh thần bản Dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn, Tỉnh ủy xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phải giữ vững miền núi, xây dựng miền núi thành căn cứ địa cách mạng vững chắc, phải tổ chức lực lượng tự vệ để bảo vệ căn cứ, đi đôi với việc xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng kinh tế. 
Trước tình hình yêu cầu của cách mạng miền Nam, từ ngày 12 đến ngày 22-01-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại thủ đô Hà Nội ra Nghị quyết 15. Nghị quyết xác định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng, thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân...”. Cuối tháng 5-1959, văn bản Nghị quyết đã về đến Liên khu 5 và được phổ biến đến các tỉnh. 

 

Đầu tháng 6-1959, tại Paghì, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng để học tập Nghị quyết Trung ương 15. Tham dự hội nghị có trên 30 đảng viên, một số can bộ ở đồng bằng không triệu tập kịp, sau được phổ biến lại. Sau khi đánh giá tình hình phong trào cách mạng trong tỉnh, Hội nghị đề ra nhiệm vụ: đẩy mạnh công tác xây dựng miền núi thành căn cứ địa cách mạng, tuyên truyền đường lối của Đảng đến cán bộ, nhân dân, móc nối xây dựng lại cơ sở ở đồng bằng, rút thanh niên lên căn cứ xây dựng lực lượng vũ trang, tiến hành diệt ác, phá kìm, khôi phục phong trào đấu tranh của nhân dân; phát động thi đua sản xuất.
Khoảng tháng 4-5 năm 1959, Tỉnh ủy đứng chân ở làng Bà Tý. Tại đây, Tỉnh ủy tiếp nhận đoàn cán bộ chi viện đầu tiên từ miền Bắc về. Đoàn cán bộ chính trị gồm 36 đồng chí, do đồng chí Hồ Nghinh làm Trưởng đoàn; đoàn cán bộ quân sự gồm 34 đồng chí do đồng chí Trần Khanh (Tốc) làm Trưởng đoàn, cùng với các đồng chí Đinh Châu, Trần Kim Anh, Trần Đình Hiếu... Cuối năm 1959, cơ quan Tỉnh ủy chuyển xuống đứng chân ở vùng Bô-lô-sơn, Bô-lô-hiên (huyện Bến Hiên, nay thuộc huyện Đông Giang) để tập trung chỉ đạo phong trào đồng bằng được thuận lợi và trực tiếp, chuyển giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ miền núi lại cho Ban Cán sự miền Tây. 
Sau Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại thôn Bà Ghi (Bến Gằng), tháng 8-1959 các đoàn cán bộ bao gồm cả quân sự, dân - chính - Đảng từ miền Bắc được tăng cường cho Tỉnh ủy đã đến cơ quan Tỉnh ủy. Đây là nguồn cán bộ quan trọng nhằm bổ sung cho các huyện và xây dựng một số ngành của tỉnh. 
Sau hội nghị Tỉnh ủy tại Paghì, nhằm đưa cuộc kháng chiến phát triển lên một bước theo tinh thần Nghị quyết 15, Tỉnh ủy quyết định chuyển cơ quan từ Bến Hiên lên xây dựng cơ sở đứng chân tại bờ sông A Vương, thôn Adhur, xã Arooi, huyện Đông Giang và chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV.
Hội Tỉnh ủy tại Paghì là sự kiện lịch sử hết sức quan trọng, các chủ trương của Hội nghị đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách đang đặt ra của phong trào cách mạng. Cán bộ, nhân dân phấn khởi tin tưởng vào đường lối Nghị quyết 15 của Đảng. Và chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn, phong trào cách mạng trong tỉnh có bước chuyển biến quan trọng: từ thế bị động đối phó, chuyển sang thế tiến công địch.
Hiện nay địa điểm tổ chức hội nghị nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Sông Bung 4, chưa được công nhận Di tích lịch sử. Với vai trò, ý nghĩa đó, hy vọng trong thời gian tới các cấp có thẩm quyền sẽ tiến hành khảo sát đề nghị công nhận địa điểm tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy tại làng Paghì là Di tích lịch sử cách mạng để qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà.

Tác giả: Lê Năng Đông

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?