Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Bác Hồ với những mốc son lịch sử cách mạng Việt Nam - Kỳ cuối: Đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược

Ngày đăng: 17:41 | 16/05/2020 Lượt xem: 4510

Cách Mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đứng lên quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm để bảo vệ thành quả cách mạng.



 

Bộ Chính trị họp, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. 
Ảnh sưu tầm.

Pháp dâng Đông Dương cho Nhật; Nhật thua, Pháp theo gót chân Anh trở lại Sài Gòn, thì một lần nữa, Pháp định lấy Nam Kỳ để chiếm cả nước như thế kỷ XIX. Cho nên Pháp gây hấn ở Sài Gòn ngày 23/9/1945 và ở Hà Nội ngày 19/12/1946. Hiệp định sơ bộ tháng 3, tạm ước tháng 9, mọi cố gắng thương lượng hòa bình của Hồ Chí Minh thực dân Pháp đều không để ý đến vì “chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”, quyết chinh phục lại bằng vũ lực, muốn giữ nguyên đế quốc thuộc địa mênh mông của nó. Lúc bấy giờ, Pháp khôi phục lực lượng ở châu Âu và được Anh ủng hộ hết mình trong vấn đề Đông Dương và thuộc địa; quyết tâm của hai đế quốc này là phải dập tắc ngọn lửa Việt Nam cách mạng mới khỏi mất thuộc địa khác. Còn tình thế ở Việt Nam không thuận lợi về mặt quốc tế: phe xã hội chủ nghĩa ở xa. Trung Quốc còn bị Quốc dân đảng thống trị phần lớn nhất, ở các thuộc địa Pháp chưa có phong trào khởi nghĩa, xung quanh Việt Nam toàn thấy kẻ thù, Việt Nam như hòn đảo bốn bề bị bão táp. Vậy thì trước sự tiến công của quân Pháp, ta phải làm sao? đánh hay không? đánh có thể thắng không? Hồ Chí Minh quyết định đánh và tính toán đánh thì nhất định sẽ thắng. Sẽ thắng vì bên trong ta càng đánh càng mạnh, ta có sức đánh lâu dài cho đến lúc quân thù kiệt quệ, các dân thuộc địa của Pháp sẽ nổi lên nếu Việt Nam giành nhiều thắng lợi, cách mạng Trung Quốc phát triển gắn liền biên giới với ta, giúp đỡ được Việt Nam cả về vật chất lẫn chính trị, thế cô lập của Việt Nam sẽ chấm dứt. Ngày 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc thuộc thị xã Hà Đông (Hà Tây), Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp: Trong lời kêu gọi có đoạn: "Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, Thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!..." . 
Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Bác Hồ, toàn dân ta bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm. Quân dân ta liên tiếp mở các chiến dịch, lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch của kẻ thù, như Chiến dịch Biên Giới năm 1950, Trần Hưng Đạo năm 1951, Quang Trung năm 1951, Lý Thường Kiệt năm 1951, Hòa Bình năm 1952, Thượng Lào 1953... Đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7.5.1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20.7.1954, chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Nam đưa đến sự giải tán một đế quốc thuộc địa lớn, không chỉ của Pháp mà thôi; từ sau cuộc sụp đổ của đế quốc La Mã hồi đầu công nguyên, chưa hề có một sự sụp đổ đế quốc thuộc địa thảm hại to lớn như vậy.
 

Lễ mừng đất nước thống nhất, Sài Gòn 15.5.1975. Ảnh sưu tầm.


Pháp bại, Mỹ nhảy vào, nhân dân miền Nam lại đứng lên chống đế quốc xâm lược. Đảng, Bác Hồ quyết định kêu gọi toàn dân ủng hộ miền Nam đánh Mỹ. Khi đó, toàn thế giới tuy cảm tình với Việt Nam không thiếu nhưng hiếm nước nào, kể cả nước xã hội chủ nghĩa, tin rằng Việt Nam sẽ thắng. Ai cũng rõ nước Mỹ rất lớn, giàu nhất, mạnh nhất, có kỹ thuật chiến tranh hiện đại nhất; ai cũng nghĩ rằng Việt Nam sẽ thua, dù là thua một cách anh hùng. Song, với tầm nhìn xa trông rộng, với những phân tích rất khoa học tình hình thế giới, trong nước và cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta, Bác Hồ khẳng định chúng ta sẽ đánh thắng Mỹ; trong Di chúc của mình, Bác viết: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa nhưng nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định sẽ cút khỏi nước Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà, đó là một điều chắc chắn. 
Và, sau 21 năm kháng chiến, với tinh thần “thần tốc, táo bạo, quyết thắng” cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; chấm dứt ách thống trị tàn bạo hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước; bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta, mở ra thời kỳ mới - thời kỳ độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội trên cả nước. 
Từ mùa Xuân năm 1975 đến nay, thực hiện Di chúc của Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn, làm nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao, thế và lực của đất nước ta ngày càng lớn mạnh, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ,, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

-----------
Tài liệu tham khảo: “Việt Nam 50 năm trong thế giới ngày nay”, NXB Hà Nội, 1995; "Đầu nguồn"- NXB Văn học, Hà Nội 1975; “Danh nhân Hồ Chí Minh”, tập 2, NXB Lao động - Hà Nội 2000; "Đồng chí Hồ Chí Minh" E.Cô- bê- lép, NXB Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1985; "Hồ Chí Minh, tuyển tập", Nhà xuất bản Sự Thật- Hà Nội, 1960; "Hồ Chí Minh, tuyển tập" NXB Sự thật- Hà Nội, 1980; Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 2, 1930-1945. Nxb Chính trị Quốc gia; Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử - NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994; "Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam", NXB Văn hóa, 1997; "Danh nhân Hồ Chí Minh", Tập 1,2,3, NXB Lao Động- Hà Nội, 2000; "Hồ Chí Minh, toàn tập"; website http://www.dangcongsan.vn; Diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Đề cương tuyên truyền 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh-Ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều tư liệu khác.

Tác giả: Phan Thanh Hậu sưu tầm, biên soạn

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?