Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Quảng Nam thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và đền ơn đáp nghĩa

Ngày đăng: 15:13 | 13/07/2017 Lượt xem: 266

Chẳng có tượng đồng, bia đá nào có thể khắc ghi hết công ơn của những người mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh. Bởi vì, sự cống hiến, hy sinh của các mẹ, các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thật là to lớn, xứng đáng được lưu danh trang sử vàng của dân tộc…

       Ngày 14/12/2006, Ban Bí thư (khóa X) ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", nhận thức được vai trò, tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của Chỉ thị số 07, ngày 02/3/2007, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban Thông tri số 03-TT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, để thể chế hóa Thông tri số 03, Chỉ thị số 07 UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác thương binh liệt sỹ, người có công trên địa bàn tỉnh, như: Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 10-01-2007, Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 15-02-2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đẩy mạnh thực hiện công tác thương binh, liệt sỹ, người có công; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 13-3-2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tập trung chỉ đạo giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng; Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 07-6-2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng...
       Nhận thức được công tác xác nhận người có công với cách mạng được xác định là nhiệm vụ quan trọng, là cơ sở để thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã xác nhận 551 liệt sỹ; 602 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 2.216 bệnh binh; 787 người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; 112 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 11.702 người có công giúp đỡ cách mạng; 3.416 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 6.283 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 1.311 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; tính đến tháng 4/2017 toàn tỉnh có 14.689 mẹ VNAH, trong đó có 911 Mẹ còn sống và đang được hưởng trợ cấp hằng tháng... Nhìn chung, công tác xác nhận đảm bảo theo đúng quy định tại từng thời điểm ban hành văn bản, đúng đối tượng, tỷ lệ sai sót được hạn chế đến mức thấp nhất.
       Thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công
       Cùng với công tác xác nhận, việc giải quyết các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân được thực hiện kịp thời, nhất là các chính sách mới được ban hành. Trong 10 năm qua đã thực hiện chế độ chính sách cho 929 thân nhân liệt sỹ; 776 thương binh; 2.216 bệnh binh; 787 người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19-8-1945; 112 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 1.311 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; 6.724 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 11.702 người có công giúp đỡ cách mạng; 3.416 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học... Thực hiện chế độ điều dưỡng thường xuyên luân phiên cho 24.787 lượt; thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo cho con người có công 71.713 lượt... Hiện nay, toàn tỉnh có gần 60.000 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng; hàng chục ngàn người hưởng trợ cấp một lần. Kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi người có công khoảng 1.300 tỷ đồng/năm.
       Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, việc thực hiện các chương trình chăm sóc thân nhân gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công trên địa bàn tỉnh cũng đạt nhiều kết quả. Công tác chăm sóc người có công gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã từng bước được xã hội hóa với nhiều phong trào sâu rộng có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân đối với các Anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công cách mạng. Đến nay, có 97,28% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện.
       Phong trào vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và công tác điều dưỡng đối với người có công và thân nhân
       Trong 10 năm (2007-2016), toàn tỉnh đã vận động thu "Quỹ Đền ơn đáp nghĩa" đạt trên 70 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách; hỗ trợ thân nhân chủ yếu của liệt sỹ đi thăm viếng mộ liệt sỹ; thăm hỏi khi ốm đau, hỗ trợ khám chữa bệnh… Ngoài Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, cuộc vận động tặng Sổ tiết kiệm tình nghĩa cũng được các ngành, địa phương, đơn vị hưởng ứng tích cực. 10 năm qua, toàn tỉnh đã vận động 13.414 sổ tiết kiệm tình nghĩa, với tổng trị giá trên 6,6 tỷ đồng tặng cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
       Việc chăm sóc sức khoẻ đối với người có công và thân nhân được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong những năm gần đây, mỗi năm tổ chức điều dưỡng cho trên 20.000 lượt người có công, trong đó điều dưỡng tập trung trên 3.000 lượt, năm 2016 là 4.000 lượt, góp phần chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống tinh thần cho người có công. Ngoài ngân sách của Nhà nước chi cho công tác điều dưỡng, nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức thăm khám sức khoẻ, cấp thuốc điều trị chữa bệnh cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh... Trong những năm qua, đã tổ chức nhiều Đoàn người có công ra thăm thủ đô Hà Nội, viếng lăng Bác Hồ, thăm lại chiến trường xưa, thăm nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, thăm các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử của đất nước.
       Chương trình hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở
       Từ năm 1997 đến năm 2012, toàn tỉnh đã vận động gần 412 tỷ đồng để xây tặng nhà tình nghĩa và hỗ trợ 35.960 trường hợp khó khăn đặc biệt về nhà ở; trong đó, đã hỗ trợ xây mới trên 23.100 ngôi nhà với tổng kinh phí là 391,78 tỷ đồng. Ngoài ra, đã hỗ trợ trên 8,575 tỷ đồng cho 343 trường hợp là cán bộ lão thành cách mạng theo Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg và hàng ngàn trường hợp được hỗ trợ miễn giảm tiền sử dụng đất khi mua nhà ở, đất ở theo Quyết định số 1150/QĐ-UB ngày 03-7-1998 của UBND tỉnh. Trong 05 năm thực hiện Quyết định số 2444/QĐ-UBND, ngày 02-8-2012 của UBND tỉnh về ban hành phê duyệt Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công với cách mạng có khó khăn đặc biệt về nhà ở giai đoạn 2011-2015, đã huy động trên 203 tỷ đồng để thực hiện cải thiện nhà ở cho người có công với 9.541 nhà (trong đó, xây mới 2.932 nhà và sửa chữa 6.609 nhà), thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, ngày 05-9-2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 2740/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 30-10-2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3363/QĐ-UBND điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định số 2740/QĐ-UBND. Theo đó, tổng số nhà hỗ trợ trong hai năm 2013 và 2014 là 22.633 nhà (xây mới: 7.164 nhà, sửa chữa: 15.469 nhà); trong đó, năm 2013 toàn tỉnh hỗ trợ thực hiện 7.107 nhà (xây mới 2.683 nhà; sửa chữa: 4.424 nhà) với tổng kinh phí 204,834 tỷ đồng. Năm 2014, đã triển khai xây mới và sửa chữa 3.063 nhà (trong đó, xây mới: 1.185 nhà; sửa chữa: 1.878 nhà). Số nhà còn lại hiện nay là 10.079 nhà (2.276 nhà xây mới và 7.803 nhà sửa chữa) các địa phương đang triển khai xây dựng và sửa chữa, phấn đấu hoàn thành toàn bộ số nhà xây mới, sửa chữa vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017).
       Công tác mộ - nghĩa trang liệt sỹ
       Công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ được xác định là nhiệm vụ chính trị đặc biệt trong công tác thương binh liệt sỹ. Sau 10 năm xây dựng và tôn tạo, các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh cơ bản có đầy đủ các hạng mục, như: Tượng đài, tường rào, cổng ngõ; các địa phương không có nghĩa trang liệt sỹ thì từng bước được đầu tư xây dựng nhà bia ghi tên liệt sỹ. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 131 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có 01 nghĩa trang liệt sỹ cấp tỉnh, 13 nghĩa trang liệt sỹ cấp huyện và 117 nghĩa trang liệt sỹ cấp xã; đã quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ gần 60.000 mộ liệt sỹ, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sỹ là con em của hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước đã công tác, chiến đấu và hy sinh tại chiến trường Quảng Nam và trên 22.000 mộ liệt sỹ được an táng tại nghĩa trang gia tộc. Trong những năm qua, ngoài kinh phí hỗ trợ của Trung ương, đã huy động trên 205 tỷ đồng nâng cấp hoàn chỉnh gần 65 nghĩa trang liệt sỹ, xây 48 đài tưởng niệm ở nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ và nhiều công trình ghi công liệt sỹ khác; sửa chữa, tôn tạo được 69.801 lượt mộ liệt sỹ (trong đó: 52.207 mộ trong nghĩa trang liệt sỹ). Tổ chức tìm kiếm quy tập hơn 700 hài cốt liệt sỹ vào nghĩa trang liệt sỹ huyện, thị xã, thành phố, hơn 100 hài cốt liệt sỹ được đưa vào nghĩa trang gia tộc; di chuyển 598 hài cốt liệt sỹ trên địa bàn tỉnh về nguyên quán của liệt sỹ.
 
Tuổi trẻ Quảng Nam thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ

       Công tác phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ, đỡ đầu con liệt sỹ, con thương binh, bệnh binh
       Tính đến tháng 4/2017, toàn tỉnh có 14.689 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 2.576 Mẹ được phong tặng; 911 Mẹ còn sống, 100% Mẹ đã được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, mức phụng dưỡng bình quân 800.000 đồng/Mẹ/tháng. Không chỉ phụng dưỡng hàng tháng, nhiều cơ quan, đơn vị ở xa nhưng thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi khi Mẹ ốm đau hoặc phối hợp với địa phương lo việc tang lễ chu đáo khi Mẹ qua đời; nhiều đơn vị, ngoài việc phụng dưỡng tiền trợ cấp hàng tháng, còn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, mua sắm đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình, tổ chức cho Mẹ đi tham quan, du lịch…
       Cùng với phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, công tác chăm sóc bố, mẹ liệt sỹ, nhận đỡ đầu con liệt sỹ, thương binh, bệnh binh… được các địa phương, các ngành, đoàn thể quan tâm; nhiều Hội viên Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn viên Thanh niên nhận làm người dâu hiền - rể thảo, thường xuyên chăm sóc bố mẹ liệt sỹ; nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhận đỡ đầu, cấp học bổng cho con liệt sỹ, thương binh, bệnh binh theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề.
       Để đạt được những thành quả trên, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam luôn xác định công tác thương binh, liệt sỹ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công. Đã triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định các chính sách, chế độ đối với người có công và thân nhân; đặc biệt là các chế độ, chính sách mới ban hành; các hoạt động thăm hỏi, tặng quà đối với người có công cách mạng nhân dịp lễ, tết, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, công tác chăm sóc người có công tiếp tục được duy trì và thực hiện đạt kết quả, góp phần ổn định đời sống đối với người có công và phát triển kinh tế - xã hội nói chung trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng và quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đời sống của gia đình liệt sỹ, thương binh và người có công đã không ngừng được cải thiện, nhiều gia đình có mức sống khá, đời sống ổn định. Công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng được xã hội hóa sâu rộng, phát huy hiệu quả từ các nguồn lực trong nhân dân.
       Trong thời gian đến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, qua đó thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp:
       Một là, Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, tiếp tục khẳng định công tác “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn là nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội nhằm thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách ưu đãi để người có công, nhân dân biết, tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện.
       Hai là, Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục “Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân tham gia công tác Đền ơn đáp nghĩa” nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người có công. Xây nhà tình nghĩa; chăm sóc giúp đỡ thương bệnh binh nặng, bố, mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng và phụng dưỡng bố, mẹ liệt sỹ neo đơn; ưu tiên đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm đối với con thương binh, con liệt sỹ và người có công. Khuyến khích tạo điều kiện để thương bệnh binh tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh nâng cao thu nhập đời sống cho gia đình, thu hút giải quyết việc làm cho lao động xã hội. Phấn đấu để không còn hộ thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công có mức sống và nhà ở dưới mức trung bình của nhân dân trên cùng địa bàn cư trú và có 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ.
       Ba là, Triển khai đồng bộ kịp thời hệ thống văn bản pháp luật chính sách ưu đãi đối với người có công tới tận cơ sở. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nếu phát hiện sai phạm. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách có đầy đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn, đủ khả năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người có công. Tập trung rà soát, xác lập hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn sót theo quy định; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công, nhất là các chế độ chính sách mới được ban hành.
       Bốn là, Tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác vận động, triển khai thực hiện hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công và Đề án đầu tư cải tạo, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020.
       Năm là, Đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ, kết hợp lồng ghép phong trào này với phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở các khu dân cư, ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
       Sáu là, Thực hiện sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình làm tốt công tác người có công; tăng cường công tác quản lý của các cấp, các ngành, chế độ trách nhiệm của cơ quan làm công tác chính sách, trách nhiệm của cán bộ chuyên môn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xem xét xử lý những sai phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu trong việc tổ chức thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi người có công, đảm bảo viêc thực hiện các chủ trương chính sách, chế độ ưu đãi ngày càng tốt hơn. Tạo điều kiện thuận lợi, cùng với các chính sách hỗ trợ để các đối tượng người có công có thể vươn lên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng và cống hiến, làm giàu cho gia đình và xã hội.



Tác giả: Nguyễn Phi Anh - Phòng Thông tin, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?