Trong thời gian qua, VKSND tỉnh đã bám sát Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định của ngành, kịp thời kiện toàn, sắp xếp, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ đối với các phòng nghiệp vụ VKSND cấp tỉnh (hiện nay VKSND tỉnh có 12 phòng nghiệp vụ) và cơ cấu lại tổ chức bộ máy làm việc của VKSND cấp huyện (gồm 03 bộ phận công tác) theo quy định, nhằm đáp ứng quy định mới về tăng thẩm quyền và yêu cầu nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới. Tăng cường củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, các chức danh tư pháp toàn ngành Kiểm sát; thực hiện tốt việc điều chuyển, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, bảo đảm đủ chức vụ quản lý và kiểm sát viên tại VKSND cấp huyện và VKSND tỉnh (VKSND huyện có ít nhất 03 kiểm sát viên sơ cấp, phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh có ít nhất 02 kiểm sát viên trung cấp). Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, quy hoạch các chức danh lãnh đạo, chức danh pháp lý của ngành. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, các chức danh tư pháp của ngành được nâng lên (đến nay 19 người có trình độ thạc sỹ luật và tiếp tục cử 12 người theo học cao học, 203 người có trình độ đại học luật, 52 người có trình độ cao cấp lý luận chính trị). Thực hiện tốt việc chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Kiểm sát theo quy định (53 trường hợp).
Cùng với việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát tỉnh đã chú trọng thực hiện có hiệu quả kế hoạch về đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, mua sắm, trang bị các phương tiện làm việc phục vụ yêu cầu nhiệm vụ công tác ngày càng tốt hơn, chủ yếu từ nguồn kinh phí của ngành. Đến nay, trụ sở làm việc của VKSND 02 cấp đã được đầu tư xây dựng cơ bản. Bước đầu, cấp được 8 xe ôtô cho VKSND cấp huyện phục vụ công tác. Một số trang thiết bị chuyên dụng (máy ảnh, máy ghi âm, máy quay phim, máy chiếu, máy photo đa năng...) tiếp tục được trang bị, góp phần nâng cao hiệu quả công tác và thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Về cơ bản, các chế độ chính sách, thu nhập đối với cán bộ, công chức và các chức danh tư pháp của ngành Kiểm sát ngày càng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng đầy đủ hơn, nâng cao hơn nhằm cải thiện thu nhập để đội ngũ cán bộ của ngành ổn định cuộc sống, yên tâm công tác lâu dài, đồng thời từng bước thu hút nguồn nhân lực có chất lượng vào làm việc trong ngành (theo quy định hiện hành, ngành Kiểm sát có nhiều chế độ chính sách như: phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp công vụ và một số chế độ nghiệp vụ khác như chế độ trực nghiệp vụ, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi...).
- Tuy nhiên, đội ngũ kiểm sát viên còn thiếu về số lượng, không đồng đều về chất lượng, phần lớn mới được bổ nhiệm nên còn thiếu kinh nghiệm, chất lượng, hiệu quả công tác chưa cao, trong khi yêu cầu nhiệm vụ công tác của ngành ngày càng cao hơn. Điều kiện về cơ sở vật chất chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; trụ sở làm việc VKSND một số huyện xuống cấp; trang thiết bị phục vụ hoạt động của ngành còn thiếu nhiều; 10 đơn vị VKSND cấp huyện chưa được cấp xe ôtô, trong khi nhu cầu rất cấp thiết, nhằm phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra, xác minh vụ án…
Với những kết quả tích cực đã đạt được và những mặt tồn tại, khó khăn nêu trên; để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong thời gian tới; đòi hỏi toàn ngành Kiểm sát tỉnh Quảng Nam cố gắng nỗ lực hơn nữa, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế và có giải pháp toàn diện, hiệu quả nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất nhiệm vụ của ngành đã đề ra.