Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (2008 - 2017)

Ngày đăng: 8:45 | 18/07/2018 Lượt xem: 510

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, với những thách thức của xu hướng hội nhập và cạnh tranh phát triển ngày càng trở nên gay gắt, tại Hội nghị lần thứ 7 Khóa X, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra quyết sách ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông). Mục tiêu của Nghị quyết tam nông là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ sản xuất và làm chủ nông thôn mới (NTM) của nông dân. Đồng thời, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, có năng suất và khả năng cạnh tranh cao; xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, dân trí được nâng cao... tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Qua 10 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết nêu trên và Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 20/11/2008 của Tỉnh ủy, Quảng Nam đã đạt được những kết quả đáng trân trọng, đó là: nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn có chuyển biến tích cực. Kinh tế nông nghiệp liên tục phát triển khá, tốc độ tăng trưởng khu vực nông-lâm-thủy sản bình quân giai đoạn 2009-2018 đạt 4,5%/năm; cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bước đầu đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng. Các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao được chú trọng, nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá cho nhân dân. 
Nông nghiệp: Chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng vốn có của tỉnh
Kết quả thực hiện qua các năm cho thấy, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiêp liên tục tăng khá, giá trị các tiểu ngành đã chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực. Giảm tương đối tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp, thủy sản. Năm 2008 tỷ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản lần lượt là 68,74:5,62:25,64%; năm 2017 là 62,9:8,3:28,82%. Sản lượng cây lương thực có hạt đạt và giữ ổn định ở mức cao (500.000 tấn/năm), nâng cao giá trị, hiệu quả trên đơn vị diện tích, trong khi diện tích không tăng. Tỷ trọng sản xuất chăn nuôi quy mô trang trại và công nghiệp tăng; người chăn nuôi đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật làm tăng hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường. Đội tàu khai thác hải sản phát triển mạnh cả về số lượng lẫn công suất, sản lượng và giá trị khai thác hải sản tăng qua các năm. Cơ cấu nghề khai thác hải sản chuyển dịch theo hướng đa nghề, sản xuất quanh năm và vươn khơi khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế, phục vụ xuất khẩu.
Sản xuất lâm nghiệp và dược liệu đã có bước chuyển mạnh mẽ theo hướng giá trị và bền vững. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 2.348,93 diện tích rừng được cấp FSC; diện tích cây dược liệu (Sâm Ngọc Linh, Ba kích, Đảng sâm, Sa nhân và Đinh lăng...) tăng khá trong 2 năm trở lại đây (trên 185 ha/688 ha), chủ yếu tại các huyện miền núi. Hình thức liên kết trong sản xuất phát triển và mang lại hiệu quả. Thực hiện liên kết sản xuất với hơn 46 doanh nghiệp, trên 5.200 ha sản xuất các loại cây trồng (lúa giống, ngô, đậu xanh, lạc, ớt, dưa hấu...,) và có trên 60 cơ sở liên kết, liên doanh trong lĩnh vực chăn nuôi. Hiện nay, có 39 doanh nghiệp đã và đang nghiên cứu, xúc tiến đầu tư chăn nuôi thông qua các dự án đầu tư, chủ yếu chăn nuôi heo và bò. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực vệ sinh ATTP được chú trọng đã góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, hàng kém chất lượng. Các chuỗi sản phẩm an toàn được hình thành, góp phần cung cấp sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và vệ sinh môi trường sinh thái. Hoạt động KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua việc sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến…, đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, đề tài, dự án, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng vào thực tế sản xuất, tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đổi mới cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn. 

 
Rau sạch Hưng Mỹ - Bình Triều

Nông dân: Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ sản xuất và làm chủ NTM
Đời sống nông dân đã được nâng lên rõ rệt kể cả về vật chất và đời sống văn hóa, tinh thần. Bình quân thu nhập người dân nông thôn năm 2008 và 2017 lần lượt là 7,7 và 27,6 triệu đồng/người/năm; bình quân tăng gần 3,6 lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm nhanh. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm 11,03% (từ 23,24% giảm còn 12,21%); theo chuẩn nghèo 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm 14,15%, bình quân 2,83%/năm (từ 24,18% giảm còn 10,03% ); theo chuẩn nghèo 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,62%, bình quân 1,81%/năm (từ 12,09% giảm còn 9,28%, tương ứng 38.112 hộ); vượt mục tiêu của Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ (Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn). Cơ cấu nguồn thu nhập của hộ nông thôn có sự thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ NLTS và tăng tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ phi NLTS. Theo kết quả tổng điều tra năm 2016, tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập từ NLTS chiếm 48%, CNXD chiếm 20,8%, thương nghiệp, vận tải, dịch vụ chiếm 20,3%, nguồn khác chiếm 10,8%. So với kỳ tổng điều tra năm 2006, NLTS giảm 20%, CNXD tăng 10% và dịch vụ tăng 6%, nguồn khác tăng 3,6% . Như vậy, sau 10 năm nguồn thu nhập lớn nhất của hộ nông thôn chủ yếu dịch chuyển từ hoạt động NLTS sang hoạt động CNXD, còn dịch chuyển sang các hoạt động khác chiếm tỷ lệ không đáng kể. Lao động NLTS có xu hướng giảm, lao động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp (từ 64,68% năm 2008, giảm còn 42,21% năm 2017), trong khi đó tỷ lệ này còn khá cao ở khu vực miền núi (trên 72%); trung bình mỗi năm tỷ lệ lao động NLTS giảm khoảng 1,8%. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn được chú trọng, ngoài việc đã tập trung triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nhiều ngành nghề đa dạng gắn với các chương trình của Trung ương và địa phương, tỉnh cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao về công tác trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong giai đoạn 2008 – 2017, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm tăng thêm cho 341.500 lao động/847.372 lao động có việc làm (trong đó khu vực nông thôn chiếm 78,02% lao động); có 3.621 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật được cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% vào năm 2017, tăng 25,5 % so với năm 2008. 
Nông thôn: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội 
Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở nông thôn phát triển khá nhanh, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống. Hệ thống điện, đường, trường, trạm… được nâng cấp và xây dựng mới. Hệ thống chính trị ở nông thôn hoạt động ngày càng hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững. Trong đó, đã tập trung thực hiện tốt công tác rà soát quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư miền núi gắn với xây dựng nông thôn mới (Nghị quyết số 05-NQ/TU) hình thành nhiều khu dân cư khu vực núi cao đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, sản xuất kinh doanh ổn định cho đồng bào dân tộc miền núi cho 3068 hộ gia đình (Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND đã di dời sắp xếp cho 949 hộ). 
Tỷ lệ xã có điện đã đạt 100%, chất lượng điện nông thôn cũng được nâng cao thể hiện qua tỷ lệ xã đạt tiêu chí điện trong XDNTM là 89,71% số xã (tăng 125 xã so với năm 2010). Hệ thống giao thông khu vực nông thôn không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng, hiện 99% tổng số xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Tỷ lệ số km đạt chuẩn NTM của đường trục xã, trục thôn, ngõ, xóm lần lượt là: 62%, 45%, 42%. Hệ thống trường học ở khu vực nông thôn khá đầy đủ, hệ thống trường tiểu học đã cơ bản phủ khắp các xã, có 97,6% số xã đã có trường tiểu học và 58% số xã có điểm trường tiểu học góp phần đẩy nhanh phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ; tỷ lệ xã có trường mẫu giáo/mầm non đạt 94%, số thôn có lớp mẫu giáo chiếm 51%; có 110 xã (chiếm tỷ lệ 53,92%) đạt tiêu chí Trường học (tăng 92 xã so với năm 2010); 171 xã (tỷ lệ 83,82%) đạt tiêu chí Giáo dục và Đào tạo (tăng 138 xã so với năm 2010). Hệ thống y tế khu vực nông thôn được tăng cường cả về lượng và chất, đến nay đã có 158 xã (tỷ lệ 77,45%) đạt tiêu chí Y tế (tăng 120 xã so với năm 2010). Hệ thống chợ khu vực nông thôn ngày càng được mở rộng tạo điều kiện để trao đổi hàng hoá và giao lưu văn hoá, kích thích sản xuất kinh doanh, trao đổi hàng hoá giữa các vùng và trong nội bộ. Bên cạnh đó mạng lưới cửa hàng cung cấp giống, nguyên liệu, vật tư và thu mua sản phẩm NLTS cho người dân phát triển nhanh và tăng đều ở tất cả các vùng trên cả tỉnh thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở khu vực nông thôn. Nhiều làng nghề được khôi phục và phát triển đã thu hút được nhiều nguồn vốn trong dân cư, tạo được việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Hệ thống thiết chế văn hóa, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin, thể dục, thể thao được mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của nhân dân, nâng cao dân trí, tạo điều kiện rèn luyện thể lực, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, mở ra môi trường sinh hoạt văn hóa, giải trí phong phú cho người nông dân. Đến 2017, có 141 xã (chiếm tỷ lệ 69,12%) đạt tiêu chí văn hóa (tăng 124 xã so với năm 2010). Nhà ở của cư dân nông thôn đã được cải thiện, xây mới đáng kể, có 68,33% nhà đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đến nay đã có 145 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư nông thôn (năm 2010 có 16 xã đạt tiêu chí nhà ở). Hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất NLTS trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được đầu tư khá; kể từ năm 2008 đến nay, đã đầu tư xây dựng mới 337 công trình, sửa chữa nhiều công trình thủy lợi, đặc biệt, nâng cấp đảm bảo an toàn nhiều công trình hồ chứa. Đến nay, hệ thống kênh mương đã được kiên cố hóa đạt 55,55%, tăng hơn 2 lần (năm 2008 chỉ đạt gần 25%). Nhờ đó, diện tích được tưới bằng các biện pháp (kể cả bơm, tát các nguồn nước tận dụng) đạt 75.000 ha đất nông nghiệp (đạt gần 90% diện tích gieo trồng lúa/năm) và 13.700 ha đất màu, diện tích tưới tăng thêm gần 8.000 ha. Về nước sinh hoạt: Từ năm 2010 đến nay, đã đầu tư xây dựng 545 công trình trình cấp nước sạch tập trung ở vùng nông thôn (gồm 464 công trình nước tự chảy, 81 công trình nước động lực). Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 93,25% vào năm 2016, trong đó tỷ lệ sử dụng nước đạt quy chuẩn QCVN 02/2009 là 45,08%. Hệ thống xử lý nước thải, vệ sinh môi trường nông thôn luôn là một trong những vấn đề trọng tâm, được chính quyền các địa phương chú trọng đầu tư. Đến năm 2016, cả tỉnh có 134 xã có tổ chức thu gom rác thải, chiếm tỷ lệ 65% (năm 2006: 26%) và 64% số thôn có tổ chức thu gom rác thải tăng gấp 2,5 lần so với năm 2011. Riêng với rác thải có tính độc hại cao như: chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật… được phân loại và thu gom tại 120 xã chiếm 58% tổng số xã. 

Tác giả: Lương Thị Thủy - Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?