Với phương châm “Đổi mới, thực chất và hiệu quả” , từ năm 2016, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát huy tốt vai trò của mình trong việc chủ trì, hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên để thực hiện 05 nội dung của Cuộc vận động. Từ nội dung đoàn kết thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái; tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp và đảm bảo an toàn thực phẩm; chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đến nội dung phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội được Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì triển khai thực hiện đã và đang trở thành một trong những phong trào có sức lan tỏa ở địa bàn dân cư, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Trên cơ sở 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia thực hiện những phần việc cụ thể ngay từ khâu quy hoạch, góp công, góp của để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới; thực hiện các mô hình xây dựng cảnh quan môi trường; vận động chấp hành pháp luật và bảo đảm trật tự an toàn xã hội... Năm 2018, tổng kinh phí thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới là 446,994 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 40,969 tỷ đồng.
Việc lấy ý kiến đánh giá về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới cũng được Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì; phối hợp thống nhất với các tổ chức chính trị xã hội triển khai có hiệu quả. Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện quy định này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thành lập Tổ khảo sát trực tiếp đến làm việc với một số xã, thôn và hộ gia đình đã tham gia trả lời phiếu lấy ý kiến các huyện: Núi Thành, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình và thành phố Tam Kỳ đã phối hợp tiến hành lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân ở 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới với kết quả hài lòng của người dân trên 90%.
Theo thống kê, năm 2018, Quảng Nam phấn đấu có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến cuối năm là 86 xã, chiếm tỷ lệ 42,16%; MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đang chuẩn bị các nội dung và quy trình phối hợp lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của thành phố Tam Kỳ.
Bên cạnh việc vận động Nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”; “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 20/34 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, tỷ lệ 58.8%.
Trên cơ sở Chương trình, Quy chế phối hợp với UBND cùng cấp, hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã tổ chức giám sát việc thực hiện quy trình điều tra, khảo sát hộ nghèo, cận nghèo hằng năm; giám sát công tác an toàn thực hiện; giám sát nguồn lực, việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT… Qua giám sát đã có văn bản kiến nghị UBND cùng cấp.
Ở các địa phương, việc chủ động xây dựng chương trình giám sát của Ban thanh tra nhân dân (TTND) và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) được thực hiện khá hiệu quả. Năm 2018, các Ban GSĐTCCĐ tổ chức giám sát 949 công trình, dự án triển khai trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Qua giám sát có 178 công trình, dự án phát hiện có vi phạm và đã gửi 140 kiến nghị đến các chủ đầu tư, nhà thầu, Ban Quản lý các dự án yêu cầu tháo dỡ, thay đổi hoặc kiểm tra, xử lý, khắc phục những sai phạm, thiếu sót góp phần nâng cao chất lượng các công trình, dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn.
Để tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cần tập trung một số nội dung sau:
1. Đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền về Cuộc vận động. Trong công tác tuyên truyền phải xác định nội dung phù hợp; trong tham gia xây dựng nông thôn mới phải có kế hoạch và việc làm cụ thể, đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận tránh chồng chéo, hình thức, không hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin của các tổ chức thành viên.
2. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 20/1/2017 của Tỉnh ủy Quảng Nam và Chương trình phối hợp số 08 CTrPH/UBND-UBMTTQVN ngày 27/7/2017 giữa UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; hàng năm hiệp thương phối hợp với các tổ chức thành viên về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động “Quỹ vì người nghèo”; phối hợp thực hiện phong trào “Quảng Nam chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”đảm bảo đúng chủ trương và phù hợp tình hình thực tế ở từng địa phương, đơn vị.
3. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp cần thực hiện tốt việc nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; tập hợp, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị phản ánh kịp thời đến cấp ủy, chính quyền cùng cấp; tăng cường thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội để góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
4. Việc phối hợp triển khai thực hiện lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp xã, cấp huyện phải đúng quy trình, đảm bảo tính khách quan theo Hướng dẫn số 41/HD-MTTQ-BTT ngày 17/7/2017 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam; thực sự là một kênh thực hiện độc lập của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc chung sức xây dựng nông thôn mới./.