Trên địa bàn Hiệp Đức, những năm trước đây, tổ chức và hoạt động của thôn, khối phố về cơ bản đã làm tốt chức năng là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để tổ chức, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. Tuy nhiên, giữa các thôn, khối phố không có sự đồng đều về quy mô, dù lớn hay nhỏ đều phải bố trí số người hoạt động không chuyên trách và số người giữ các chức danh khác ở thôn, khối phố như nhau. Điều này không chỉ là bất cập trong quản lý tổ chức và hoạt động mà còn dẫn đến gánh nặng ngân sách khi phải chi trả phụ cấp và ngân sách khoán quỹ phụ cấp kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, khối phố. Những thôn, khối phố quy mô nhỏ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao mà việc huy động nguồn lực của cộng đồng dân cư để đầu tư cơ sở vật chất xây dựng nông thôn mới cũng gặp nhiều khó khăn so với những thôn, khối phố có quy mô dân số lớn. Thực trạng trên đặt ra vấn đề sắp xếp, tổ chức lại thôn, khối phố trên địa bàn huyện là hết sức cần thiết.
Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, góp phần kiện toàn, củng cố các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, khối phố mạnh về số lượng, chất lượng, có nhiều thuận lợi trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương. Bên cạnh đó, góp phần thu gọn đầu mối, tinh giản số lượng người hoạt động không chuyên trách, giúp giảm chi ngân sách Nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư cho thôn, khối phố, từng bước nâng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách.
Trong quá trình tiến hành các hoạt động sáp nhập thôn, khối phố trên địa bàn huyện Hiệp Đức đã và đang cũng gặp những trở ngại nhất định song nhờ sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, thống nhất từ trên xuống dưới của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự đồng thuận lớn từ nhân dân việc triển khai thực hiện đề án sáp nhập thôn, khối phố trên địa bàn huyện đến nay đã cơ bản hoàn thành, tạo ra hiệu ứng, sức lan tỏa tích cực trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân huyện nhà.
Trên cơ sở Kế hoạch số 54-KH/HU ngày 17/5/2018 của Huyện ủy Hiệp Đức về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đồng thời qua rà soát, ngày 24/8/2018, UBND huyện đã ban hành đề án số 82/ĐA-UBND “về sắp xếp, tổ chức lại thôn, khối phố trên địa bàn huyện Hiệp Đức”. Tại thời điểm lập đề án, Hiệp Đức có 11 xã và 01 thị trấn với với 71 thôn, khối phố (66 thôn, 05 khối phố). Trong đó 25 thôn đạt tiêu chuẩn quy mô số hộ gia đình, 46 thôn, khối phố chưa đạt quy mô số hộ gia đình. Tính đến cuối năm 2017, các thôn, khối phố cơ bản đã bố trí đầy đủ các chức danh người hoạt động không chuyên trách theo quy định là 305 người. Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2018-2019, sẽ tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các thôn, khối phố có quy mô số hộ gia đình không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Về lâu dài, tiếp tục tổ chức, sắp xếp để đến năm 2021 có 100% số thôn, khối phố đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Nguyên tắc đặt ra phải chọn cách sắp xếp phù hợp nhất. Thôn, khối phố hợp nhất phải liền kề trong cùng một đơn vị hành chính cấp xã, địa hình không chia cắt phức tạp, không làm thay đổi địa giới hành chính cấp xã, thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân và có cùng nguồn gốc lịch sử.
Trong quá trình thực hiện Đề án, huyện phải đối diện với không ít khó khăn bởi việc tổ chức, sắp xếp lại thôn, khối phố là vấn đề phức tạp, liên quan đến tất cả các mặt của đời sống xã hội ở địa phương, liên quan đến quá trình lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán,… nhất là một số thôn mặc dù có quy mô nhỏ nhưng đó là một làng đã có từ lâu đời, nay phải sáp nhập thì sẽ ảnh hưởng đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ và nhân dân. Hơn nữa, khi quy mô dân số và diện tích của thôn tăng lên sẽ khó khăn hơn trong tổ chức và tham gia sinh hoạt, hội họp cộng đồng, trong khi đó, nhiều cơ sở vật chất của các thôn đã được xây dựng sau khi sáp nhập sẽ không còn phù hợp sẽ gây lãng phí kinh phí đầu tư xây dựng của Nhà nước và nhân dân. Một vấn đề lớn đặt ra yêu cầu phải giải quyết ổn thỏa là sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách phù hợp cho những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khối phố và cán bộ dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập. Không ít người dân ngại thay đổi và cũng có một cán bộ, đảng viên cảm thấy hoang mang vì không biết sau sáp nhập thì có còn được tiếp tục với công việc hay không nên có tư tưởng dao động, lơi là nhiệm vụ, thậm chí phản đối chủ trương của Đảng. Ngoài ra, một số thôn đang trong quá trình hoàn thiện để đề nghị công nhận Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng khi sáp nhập quy mô sẽ tăng lên nên rất khó đạt các tiêu chí, vì vậy, sẽ rất khó khăn cho một số xã nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Để giải quyết khó khăn đặt ra, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong toàn huyện đã nỗ lực, từng bước tháo gỡ từng vấn đề. Trong đó, Đảng bộ luôn xác định rõ, sự thống nhất, đồng thuận của cán bộ, nhân dân là yếu tố cần thiết và mang tính cốt lõi để thực hiện thành công đề án, chính vì vậy, trong suốt quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập, từ khi ban hành đề án đến lúc hoàn thành, công tác quán triệt, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn được chú trọng, đẩy mạnh thường xuyên, liên tục để mọi người dân hiểu rõ được tính đúng đắn, cấp thiết của vấn đề và cùng với toàn Đảng bộ chung tay thực hiện tốt Đề án đã xây dựng. Ngày 29/8/2018, Ủy ban nhân dân huyện ban hành công văn số 318/UBND, tiếp đó, ngày 26/9/2018 Huyện ủy Hiệp Đức cũng đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/HU cùng về nội dung tập trung chỉ đạo, triển khai việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, khối phố trên địa bàn huyện. Trong đó, yêu cầu các xã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trong nhân dân, đồng thời khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện rà soát đánh giá các điều kiện, tiêu chí, những thuận lợi, khó khăn khi sáp nhập đối với các thôn, khối phố không đảm bảo tiêu chuẩn quy mô về số hộ gia đình theo quy định để đưa ra lộ trình sáp nhập phù hợp, đảm bảo tiến độ thời gian và trình tự thực hiện. Theo sự chỉ đạo của huyện, Đảng ủy các xã, thị trấn đã tiến hành xây dựng đề án sáp nhập thôn trên địa bàn và tổ chức lấy ý kiến cử tri về tính phù hợp của dự thảo đề án, tên gọi của thôn, khối phố mới sau sáp nhập…Những ý kiến của nhân dân đều được cơ quan chức năng lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc và phản hồi, giải thích thấu tình đạt lý, kết quả là cả 12/12 đề án đều đạt tỷ lệ số cử tri nhất trí là trên 68%.
Sau quá trình nỗ lực thực hiện đạt kết quả và hoàn chỉnh hồ sơ gửi về tỉnh, ngày 18/01/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ra Quyết định số 179/QĐ-UBND về việc “thành lập, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Theo đó, tại Hiệp Đức, 50/71 thôn, khối phố được sắp xếp tổ chức lại để thành lập 25 thôn, khối phố và đổi tên 06 thôn, khối phố. Cụ thể Thị trấn Tân An có 05 khối phố, sau khi sáp nhập thành 03 khối phố là An Đông, An Tây và An Nam; Xã Bình Lâm có 10 thôn, sau khi sáp nhập còn lại 07 thôn gồm: An Phố, Ngọc Chánh, Việt An, Hội Tường, Nhứt Tây, Nhứt Đông và Nhì Tây; Xã Quế Thọ có 10 thôn, sau sáp nhập còn 09 thôn gồm: An Cường, Phú Cốc Đông, Phú Cốc Tây, Phú Bình, Bắc An Sơn, Nam An Sơn, Cẩm Tú, Hóa Trung và Mỹ Thạnh; Xã Quế Bình có 04 thôn, sau khi sáp nhập còn lại 03 thôn, gồm: Bình Hòa, Phước Sơn và Bình An; Xã Quế Lưu có 05 thôn, sau khi sáp nhập còn lại 04 thôn, gồm: Tam Tú, Nhất Mỹ, Nhì Lưu và Phú Nhơn; Xã Hiệp Thuận có 04 thôn, sau khi sáp nhập còn lại là 02 thôn, gồm: Tân Thuận và Thuận An; Xã Hiệp Hòa có 06 thôn, sau khi sáp nhập còn lại 03 thôn, gồm: Trà Linh Tây, Trà Linh Đông và Bình Kiều; Xã Bình Sơn có 05 thôn, sau khi sáp nhập còn lại 03 thôn, gồm: An Tráng, An Phú và Tuy Hòa; Xã Thăng Phước có 05 thôn, sau khi sáp nhập còn lại 04 thôn, gồm: An Phú, An Lâm, Phú Toản và Nhị Phú; Xã Sông Trà có 06 thôn, sau khi sáp nhập còn lại 03 thôn, gồm: Trà Huỳnh, Trà Va và Trà Sơn; Xã Phước Trà có 06 thôn, sau khi sáp nhập còn lại 03 thôn, gồm: Trà Hân, Trà Nô và Trà Nhang; Xã Phước Gia có 05 thôn, sau khi sáp nhập còn lại 02 thôn, gồm: Gia Cao và Hạ Sơn. Như vậy, sau sáp nhập, huyện Hiệp Đức còn 46 thôn, khối phố.
Sau khi có quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về thành lập thôn mới, huyện đã từng bước tiến hành kiện toàn bộ máy ở các thôn, chỉ đạo các địa phương tiến hành bầu cử thôn trưởng. Ngày 18/8/2019, tất cả 46/46 thôn tiến hành bầu cử thôn trưởng, tổ trưởng khối phố nhiệm kỳ 2019 – 2022. Việc bầu cử dân chủ, khách quan, cán bộ ứng cử được sự tín nhiệm của đông đảo nhân dân. Kết quả 100% thôn, khối phố đã thực hiện thành công, trong đó 38/46 thôn trưởng, tổ trưởng khối phố là đảng viên. Mặc dù, thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, nhưng tùy vào điều kiện tình hình thực tế đã có những địa phương chưa làm được. Hiện nay, trong toàn huyện có 24/46 trưởng thôn, tổ trưởng khối phố kiêm bí thư chi bộ (đạt 52,17%).
Bầu cử trưởng thôn, khối phố
Thực hiện Nghị quyết số 44/2018/NQ-HĐND, ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về “bãi bỏ tiết 3, điểm 2 khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 30/2011/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh và quy định mức hỗ trợ một lần đối với những người hoạt động không chuyên trách khác ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, những cán bộ thôi nhiệm vụ sau bầu cử, huyện đã có chính sách hỗ trợ một lần với tổng số tiền hơn 01 tỷ đồng. Đối với bí thư chi bộ, trưởng thôn đương nhiệm mức phụ cấp cũng được tăng thêm so với trước đây do thành lập tổ chức bộ máy mới, số hộ tăng, công việc cũng tăng nhiều hơn. Mặc dầu, cán bộ nhận nhiệm vụ do Đảng và nhân dân giao phó là tận tụy, trách nhiệm, tuy nhiên thực tế cho thấy, mức phụ cấp hiện nay là chưa tương xứng bởi trách nhiệm và phần việc mà các trưởng thôn, bí thư chi bộ đang đảm trách là rất lớn, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước nhằm động viên, khích lệ cán bộ yên tâm công tác và thu hút được nhiều người trẻ tuổi tham gia hoạt động ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.
Sau khi cải tổ lại tổ chức thôn, khối phố thì những thiết chế văn hóa cũ đa phần không còn phù hợp về quy mô cũng như khoảng cách địa lý. Nhiều nơi tồn tại tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” do sinh hoạt cộng đồng vẫn phải tập trung tại một điểm, trong khi đó, do dân số tăng nên diện tích nhà văn hóa cũ không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trước thực trạng đó, huyện chỉ đạo các địa phương tạm thời linh hoạt sử dụng các thiết chế cũ, ví dụ như tháng này sử dụng địa điểm này sinh hoạt, tháng sau thì sẽ là địa điểm khác, còn với những nơi thiết chế phù hợp sẽ được tiếp tục sử dụng như cũ. Qua việc tuyên truyền, phân tích, giải thích đại bộ phận nhân dân các thôn đều thống nhất và vui vẻ tham gia vào các hoạt động cộng đồng do địa phương tổ chức. Những ngày đầu tháng 11 năm nay là năm đầu tiên các thôn mới tổ chức hoạt động ngày đại đoàn kết dân tộc, tuy quy mô các khác mọi năm nhưng không kém phần sôi nổi, rộn ràng, góp phần quan trọng trong gìn giữ, phát huy thần đoàn kết và xây dựng đời sống tinh thần ngày càng phong phú trong cộng đồng các khu dân cư.
Từ những hoạt động trong thời gian vừa qua và kết quả đạt được có thể khẳng định chủ trương sáp nhập thôn, khối phố là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và Hiệp Đức đã làm tốt điều này. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đề xuất những biện pháp giải quyết hiệu quả, triệt để các vấn đề về thủ tục hành chính, xử lý cơ sở vật chất, sắp xếp, đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở những nơi còn vướng mắc…góp phần phát huy hiệu quả trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở, từng bước ổn định, bảo đảm và nâng cao đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, tinh thần của nhân dân. Việc sát nhập thôn, khối phố thành công cũng là cơ sở quan trọng và kinh nghiệm cần thiết để sắp đến, việc sắp xếp, sát nhập xã, thị trấn trên địa bàn Hiệp Đức được tiến hành thuận lợi, đạt kết quả.