Theo thống kê, tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1.475,304 tỷ đồng; trong đó, bên cạnh nguồn từ vốn lồng ghép và vốn ngân sách huyện từ các chương trình, đề án thì nguồn vốn đầu tư đầu tư trực tiếp xây dựng cơ bản là 327,287 tỷ đồng và nguồn do nhân dân đóng góp là 28,53 tỷ đồng. Đến nay, huyện có 13/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã đăng ký lộ trình về đích nông thôn mới vào cuối năm 2020; số tiêu chí nông thôn mới đạt được đến cuối năm 2020 ước tính đạt 17,5/19 tiêu chí; hiện nay, hầu hết các xã đạt chuẩn nông thôn mới đều đang triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; huyện cũng đã chọn xã Bình Phú để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Nông dân Bình Triều với mô hình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP
|
Những năm qua, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã nâng cao về chất lượng các tiêu chí, đưa chương trình đi vào thực chất. Đồng thời hạn chế tư tưởng chạy theo thành tích, phát huy được tính tích cực, chủ động của cơ sở và vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Từ nhu cầu và điều kiện thực tiễn, UBND huyện đã ban hành một số đề án, kế hoạch để khuyến khích người dân tham gia góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững như Đề án Phát triển kinh tế vùng Tây, Đề án phát triển kinh tế thủy sản huyện Thăng Bình giai đoạn 2014 - 2020, Đề án Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả huyện Thăng Bình giai đoạn 2012-2015 và đến năm 2020, Đề án phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện Thăng Bình giai đoạn 2013 - 2015 và đến năm 2020, Đề án đầu tư, phát triển và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2013-2015 và đến năm 2020, Đề án tiếp tục củng cố, phát triển mới các loại hình kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn huyện Thăng Binh từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020… Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, chung sức phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thông qua các phong trào, cuộc vận động đã làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là người nông dân nhận thức được vai trò chủ thể trong công tác xây dựng nông thôn mới, là người được thụ hưởng những thành quả mà chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại để tự giác và tích cực tham gia. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh nông thôn được bảo đảm, bộ mặt làng quê có nhiều khởi sắc. Nhận thức trong đội ngũ cán bộ công chức các cấp và nhân dân về xây dựng nông thôn mới đã có sự thay đổi rõ rệt; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn đã từng bước được xác định rõ ràng. Qua đó đã khuyến khích, động viên người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đây là kết quả quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu các năm tiếp theo, tạo tiền đề vững chắc để huyện Thăng Bình đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2023.