Ở Việt Nam, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Ma túy từ nước ngoài đưa vào Việt Nam với số lượng lớn, số người nghiện ma túy gia tăng, địa bàn xã, phường có người nghiện ma túy lan rộng.
Đối với Quảng Nam, là địa phương có đường biên giới với tỉnh Sê Kông (Lào), gần khu vực tiếp giáp giữa 03 nước Việt Nam - Lào - Campuchia; có cửa khẩu, cảng biển, sân bay, là cửa ngõ vào miền Trung - Tây Nguyên; là trung điểm trên tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh; nằm trong vùng phát triển kinh tế năng động, trọng điểm của khu vực và cả nước; 02 Di sản văn hóa thế giới cùng với truyền thống lịch sử, văn hóa đa dạng đã thu hút khá đông du khách trong, ngoài nước đến tham quan, du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về tội phạm nói chung và tội phạm, tệ nạn ma túy nói riêng.
Trong những năm qua, công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy được các cấp, các ngành triển khai thực hiện theo Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 12/11/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kết luận số 49-KL/TU, ngày 24/11/2016 của Tỉnh ủy và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ngày càng diễn biến phức tạp; địa bàn hoạt động của loại tội phạm ma túy trong những năm gần đây tập trung ở khu vực thành thị, các đối tượng lợi dụng quán bar, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ… để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Nhiều loại ma túy mới xuất hiện; việc sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp gia tăng trong thanh, thiếu niên. Công tác cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao. Tội phạm và tệ nạn ma túy đang là nguy cơ hiểm họa, tác động xấu đến nhiều mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Trước thực trạng đó, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 19 đã bàn chuyên đề và thống nhất ban hành Nghị quyết tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.
Nghị quyết xác định rõ quan điểm: Đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của chính quyền, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, lực lượng Công an là nòng cốt. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đỏi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm cao; kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Đồng thời, xác định mục tiêu cụ thể và đề ra 06 nhóm giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2025 theo tinh thần Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị.
Thứ nhất, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy; nghiêm túc xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu nếu để tội phạm và tệ nạn ma túy gia tăng phức tạp, nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống ma túy và trách nhiệm tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và Nhân dân nơi cư trú thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác lập hồ sơ, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung…
Thứ ba, tích cực đấu tranh, phòng ngừa, xử lý tội phạm và tệ nạn ma túy. Phát huy trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư về ý thức tự quản, tự giáo dục, tự phòng tránh ma túy; vai trò của Nhân dân trong giám sát xã hội, tích cực tham gia tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy. Nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng chuyên trách, vai trò nòng cốt của lực lượng công an trong phòng, chống và kiểm soát ma túy. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy. Thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng; đổi mới và thực hiện đồng bộ các biện pháp chuyển hóa địa bàn; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trên các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm và tệ nạn ma túy. Tập trung đấu tranh bóc gỡ, triệt xóa đường dây, điểm, tụ điểm ma túy; không để phát sinh thêm người nghiện mới, không gia tăng số xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy, không để Nhân dân trồng cây có chứa chất ma túy.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện; quản lý, giáo dục người nghiện và sau cai nghiện.
Điều chỉnh công tác cai nghiện ma túy; mở rộng chương trình điều trị nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadol. Nghiên cứu, ứng dụng quy trình, phương pháp điều trị, phục hồi chức năng cho người nghiện đối với từng loại ma túy, nhất là đối với loại ma túy tổng hợp. Quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy, không để phát sinh tội phạm do người nghiện gây ra. Chú trọng xã hội hóa công tác cai nghiện; nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế, chính sách vay vốn, hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện.
Thứ năm, đầu tư nguồn lực phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động và chủ trương xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy; động viên, hỗ trợ người làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm ma túy. Nâng cấp, mở rộng và đảm bảo cơ sở vật chất tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh nhằm tăng cường khả năng tiếp nhận, quản lý, cai nghiện.
Thứ sáu, thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, nhất là hợp tác với tỉnh Sê Kông (Lào). Đẩy mạnh công tác phối hợp trong tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự, kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra tội phạm và tệ nạn ma túy trên tuyến biên giới. Chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng các nước trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động thẩm lậu, trung chuyển ma túy qua các cửa khẩu hàng không, biên giới biển, đất liền của tỉnh.