.png)
Quang cảnh Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lần thứ XV (ảnh tư liệu)
|
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lần thứ XV (vòng 1): Từ ngày 18 – 21/4/1991, tại hội trường Công an tỉnh, đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (vòng I) được tiến hành. Tham dự Đại hội có 353 đại biểu chính thức của 26 đảng bộ huyện, thị, thành phố và đảng bộ trực thuộc. Đồng chí Võ Chí Công, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, được Ban Bí thư Trung ương Đảng giới thiệu về ứng cử làm đại biểu của tỉnh đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng.
Đại hội có nhiệm vụ thông qua bản tổng hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong tỉnh tham gia góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội VII của Đảng. Đại hội được nghe Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành, hướng dẫn Đại hội thảo luận và nêu lên 15 vấn đề quan trọng còn nhiều ý kiến khác nhau để Đại hội thảo luận như: Về đường lối chung của cách mạng Việt Nam, về an ninh quốc phòng, về vấn đề có bao cấp giáo dục và y tế, về đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, về bản chất giai cấp của Đảng, về đảng viên có được làm kinh tế tư nhân; về nguyên tắc “tập trung dân chủ” hay đảo lại là “dân chủ tập trung”.
Phát biểu với Đại hội, đồng chí Võ Chí Công phân tích cụ thể tính chất phức tạp của tình hình quốc tế hiện nay; nhắc nhở Đảng bộ tỉnh nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi thủ đoạn thâm độc và xảo quyệt của đế quốc và các thế lực phản động. Đồng chí cũng góp nhiều ý kiến quan trọng về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhắc nhở Đảng bộ cần giữ vững truyền thống đoàn kết nhất trí, lãnh đạo nhân dân xây dựng Quảng Nam - Đà Nẵng thành một tỉnh giàu mạnh.
Đại hội bầu đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội VII của Đảng gồm 22 đại biểu chính thức và 01 đại biểu Dự khuyết.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lần thứ XV vòng 2: Thực hiện Thông tri 01-TTr/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) “về mở Đại hội Đảng bộ các cấp vòng II”, từ ngày 16 đến 19/10/1991, Đảng bộ tỉnh tổ chức đại hội đại biểu lần thứ XV (vòng 2).
Tham dự Đại hội có 353 đại biểu thay mặt cho 45.000 đảng viên ở tất cả các lĩnh vực hoạt động, thuộc 16 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố và 10 đảng bộ trực thuộc. Dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Đại tướng Đoàn Khuê, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ XIV, Báo cáo Chính trị trình địa hội XV nhấn mạnh: “Trong nhiệm kỳ qua, tình hình có nhiều diễn biến phức tạp, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo đưa Nghị quyết Đại hội VI của Đảng vào thực tiễn của địa phương, nêu cao ý chí tự lực tự cường vượt qua nhiều khó khăn, giành được một số kết quả bước đầu quan trọng về đổi mới kinh tế- xã hội, đời sống nhân dân ổn định, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội về cơ bản được giữ vững, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể được chú trọng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, đầu tư lớn nhưng hiệu quả chưa nhiều, việc quản lý đất đai chưa chặt chẽ, tỷ lệ tăng dân số còn cao. Việc quản lý Nhà nước theo pháp luật còn nhiều sơ hở, công tác xây dựng Đảng chưa theo kịp đổi mới”.
Đại hội đã xác định mục tiêu tổng quát trong 5 năm (1991-1995), đó là: “Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, vượt qua khó khăn thử thách, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường ổn định chính trị, từng bước cải thiện đời sống Nhân dân, trước hết là nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, chữa bệnh và học hành. Ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, nhất là tệ tham nhũng, từng bước khắc phục bất công xã hội. Phấn đấu cùng cả nước đến năm 1995 căn bản thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội”.
Đại hội thống nhất các mục tiêu cơ bản: “Đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình kinh tế, đầu tư cả chiều rộng và chiều sâu để tăng năng suất lao động, tạo nên khối lượng sản phẩm lớn ở các hướng chiến lược chủ yếu bằng con đường sản xuất hàng hóa, giải quyết cơ bản vấn đề lương thực. Đến năm 1995, phấn đấu đạt tổng sản lượng lương thực 50 vạn tấn; giá trị tổng sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 385 tỷ (giá cố định năm 1989) tăng bình quân hàng năm 7%; kim ngạch xuất khẩu đạt 50 triệu USD; tập trung đầu tư cho một số ngành và sản phẩm chủ yếu nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo tích lũy từ nội bộ nền kinh tế của tỉnh đạt 20%-22% thu nhập quốc dân; phấn đấu hạ tỷ lệ tăng dân số từ 2,03% xuống 1,7%; có biện pháp tích cực đồng bộ nhằm thu hẹp dần và tiến tới từng bước xóa bỏ những vùng thiếu đói triền miên; tạo sự chuyển biến đáng kể đối với đô thị, trung du và miền núi”.
Đại hội đề ra phương châm chỉ đạo đối với toàn Đảng bộ là: “Giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, tăng cường hơn nữa khối đoàn kết toàn dân, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân. Kết hợp động lực kinh tế với động lực tinh thần, thực hiện hài hòa các lợi ích, phát huy lòng yêu nước và tự hào dân tộc, truyền thống trung dũng kiên cường vào công cuộc lao động sáng tạo, xây dựng quê hương giàu mạnh. Đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và có nguyên tắc, đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu với bước đi vững chắc, lấy đổi mới kinh tế là trung tâm, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực khác. Phát huy tinh thần tự lực tự cường, trên cơ sở tiềm năng của tỉnh, có chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, sử dụng triệt để vai trò động lực của khoa học và công nghệ, đồng thời mở rộng liên doanh, liên kết để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội”.
Đại hội đã kiến nghị lên Trung ương những vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực an ninh - chính trị, kinh tế - xã hội, nhất là: “Đề nghị Trung ương cho tách Đà Nẵng thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nếu chưa tách thì cho một qui chế riêng để xây dựng Đà Nẵng thành một “Đặc khu kinh tế của duyên hải miền Trung” hoặc “Khu kinh tế mở”…”.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Đoàn Khuê biểu dương những thành tựu đạt được của Đảng bộ nhiệm kỳ qua đồng thời chỉ ra những tồn tại hạn chế mà Đảng bộ cần khắc phục trong thời gian đến, trong đó nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng hàng đầu là làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng các Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng, nhận rõ những khó khăn, thuận lợi của đất nước, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của địa phương mình. Cần phân tích đúng đắn khoa học tình hình hiện nay, đánh giá đúng thực trạng, mặt mạnh, mặt yếu của tỉnh nhà để xác định đúng phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu 5 năm (1991-1995), định ra bước đi vài năm đầu của kế hoạch 5 năm, từ đó đề ra Chương trình hành động thích hợp tạo được phong trào cách mạng quần chúng, làm chuyển biến mạnh nền kinh tế - xã hội sang sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 49 đồng chí. Tại Hội nghị lần thứ nhất, ngày 20/10/1991, Ban Chấp hành Đảng bộ đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy 10 đồng chí, gồm: Nguyễn Văn Chi, Trần Đình Đạm, Hồ Văn Điều, Nguyễn Đức Hạt, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Minh Hùng, Phạm Phát, Nguyễn Rã, Võ Xuân Sanh, Nguyễn Văn Trí. Đồng chí Nguyễn Văn Chi được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Lê Quốc Khánh và Trần Đình Đạm được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy.