Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025
|
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Bh’riu Liếc – UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh: Trong 5 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà đã đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ và của Đảng bộ huyện, tạo ra những chuyển biến bước đầu rất quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhờ vậy, kinh tế tăng trưởng khá, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Đại hội XVI đề ra; văn hoá xã hội có bước phát triển đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện trên nhiều mặt; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam biểu dương những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tây Giang đạt được trong nhiệm kỳ qua; đồng thời, nhấn mạnh Tây Giang là điểm sáng nổi bật của tỉnh và cả nước trong công tác sắp xếp dân cư miền núi với 115 điểm, giúp hình thành nhiều khu dân cư kiểu mẫu, thay đổi tập quán lạc hậu, tạo phương thức sản xuất mới phù hợp với đặc tính của đồng bào dân tộc thiểu số Cơtu. Đây cũng là huyện miền núi cao đầu tiên của tỉnh có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; hình thành nhiều sản phẩm OCOP chất lượng và khá độc đáo, được Trung ương đánh giá cao và lấy đó làm cơ sở để nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi cho cả nước. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, hoạt động thương mại - dịch vụ còn mang tính nhỏ lẻ, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm nghiệp còn hạn chế...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, Tây Giang cần nắm bắt và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tranh thủ những cơ chế, chính sách đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội, Nghị quyết 12 của Chính phủ và Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy để tạo ra thế và lực trong phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung phát triển mạnh kinh tế rừng, trồng rừng gỗ lớn và các loại cây dược liệu, cây đặc sản quý dưới tán rừng; gắn bảo vệ rừng, nhất là rừng gỗ quý pơmu, lim, đỗ quyên… kết hợp các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm, khám phá rừng Tây Giang. Đồng thời cần tranh thủ mọi nguồn lực, liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh để hình thành các tour du lịch hấp dẫn, riêng có của Tây Giang. Ngoài ra, Tây Giang cần tiếp tục thực hiện tốt phương châm “lấy văn hóa để phát triển”, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, mang đậm bản sắc của địa phương...
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tây Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 41 đồng chí. Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới đã bầu Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí (khuyết 2 đồng chí); bầu Ủy ban kiểm tra Huyện ủy gồm 5 đồng chí (khuyết 1 đồng chí). Đồng chí Bhling Mia đắc cử chức danh Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Văn Lượm tái cử chức danh Phó Bí thư Huyện ủy. Đại hội cũng bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 9 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết.
Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tây Giang lần thứ XVII. Theo đó, 5 năm tới, sẽ chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt về phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, hình thành vùng sản xuất, chăn nuôi; tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững và Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030; tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, phấn đấu 100% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia.
Về chỉ tiêu cụ thể, trong 5 năm đến, Tây Giang phấn đấu hoàn thành 02 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (Bhalêê, Dang); giải quyết việc làm qua đào tạo cho 1.200 người, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4-5%/ năm.