Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Tháo “điểm nghẽn” để đưa nghị quyết vào cuộc sống

Ngày đăng: 18:19 | 04/01/2021 Lượt xem: 1075

Thực hiện cải cách hành chính (CCHC), trong đó cải cách thủ tục hành chính (TTHC) giữ vai trò hết sức quan trọng. Nói một cách khác, cải cách TTHC phải luôn là khâu đột phá của “cuộc đua” nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chúng ta cùng nhìn nhận, phân tích để tìm lời giải cho câu chuyện thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Quảng Nam trong những năm đến để góp phần đưa nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đi vào cuộc sống, phấn đấu tốt nhất để Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển của cả nước.


 Đâu là điểm nghẽn

Điểm nghẽn đầu tiên là vẫn còn đó những quy định hành chính bất cập, chồng chéo gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Một số nơi cơ quan, đơn vị còn yêu cầu người dân phải cung cấp những hồ sơ ngoài thủ tục quy định. Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” thiếu sự đồng bộ, thủ tục giải quyết một số loại hồ sơ chưa tạo được quy trình thống nhất, thông suốt giữa các sở, ngành với UBND huyện, thị xã, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn nên dẫn đến chậm giải quyết hồ sơ TTHC, đặc biệt trên lĩnh vực đất đai, lao động, thương binh và xã hội.

Tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Quảng Nam (Khóa IX),Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Đặng Thị Minh Nguyệt đã đưa ra nhận định: “Hạ tầng viễn thông của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số. Công tác phối hợp thực hiện cải cách thủ tục hành chính giữa các cơ quan có lúc thiếu thường xuyên, kịp thời; một vài lĩnh vực người dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa hài lòng”. Theo dõi diễn biến thảo luận tại kỳ họp này, chúng tôi cũng ghi nhận các đại biểu HĐND tỉnh đều phản ánh rằng, công tác cải cách hành chính còn nhiều bất cập, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính, vẫn còn một số người dân, doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng với chất lượng dịch vụ hành chính công tại các cơ quan, đơn vị. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Liên quan vấn đề này, tại hội nghị tìm kiếm các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do UBND tỉnh vừa tổ chức, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Tấn Văn nhấn mạnh, những phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về các thủ tục “hậu đăng ký kinh doanh” để doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại (nhiều doanh nghiệp vẫn còn phải chờ đợi hơn 01 tháng để hoàn thành tất cả thủ tục trước khi chính thức đi vào hoạt động). Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân chưa nhịp nhàng; vẫn còn một số cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa tiếp xúc và làm việc trực tiếp với doanh nghiệp thiếu sự nhiệt tình và thân thiện; có hiện tượng quan liêu, gây phiền hà, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh chưa đồng bộ, việc ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý công việc và triển khai ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế…

Chia sẻ những thông tin về điểm nghẽn liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bị “mất điểm” trên bản đồ PCI cần quan tâm, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư khu vực miền Trung Lê Minh Dương cho biết, tỉnh Quảng Nam cần lưu ý về tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) : “Chi trả “hoa hồng” là cần thiết để có cơ hội thắng thầu sau khi giảm từ mức 54% năm 2017 xuống còn 43% năm 2018, thì lại tăng lên mức 50% năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra sau khi giảm xuống 33% năm 2018 từ con số 45% năm 2017 thì kết quả năm 2019 ở mức 37%. Trong khi đó, mặc dù doanh nghiệp đã chi trả chi phí không chính thức nhưng kết quả đạt được như mong muốn chỉ đạt 40% năm 2019, giảm đáng kể so với con số 60% năm 2018 và 60,31% năm 2015”.  

Và cũng qua khảo sát, VCCI chỉ ra, doanh nghiệp vẫn phải tốn nhiều chi phí kinh doanh dành cho đào tạo lao động sau khi tuyển dụng; tỷ lệ tổng chi phí kinh doanh dành cho đào tạo lao động vào năm 2019 là 7,61% (cao hơn trung vị chung của cả nước 6.3%), tăng mạnh so với con số 3,72% năm 2015. Chất lượng dịch vụ giới thiệu việc làm chưa đáp ứng nhu cầu và có xu hướng giảm sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm tại tỉnh.

Một điểm nghẽn khác cũng rất đáng được chú đó là, công tác chỉ đạo và điều hành ở cấp tỉnh được VCCI ghi nhận “rất quyết liệt và linh hoạt, song việc thực thi ở cấp sở, ngành vẫn chưa được triển khai và thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Việc triển khai thực thi các chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh ở một số địa phương còn chưa được linh hoạt.”.

Tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ là nhân tố quyết định

Tôi rất tâm đắc với nhận định về điểm nghẽn về PCI mà Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã chỉ ra: “Vai trò của người đứng đầu, tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ CBCC còn nhiều vấn đề cần phải được chấn chỉnh. Chúng ta còn thiếu những CBCC ngày đêm tâm huyết, suy nghĩ cho sự phát triển của tỉnh nhà; thiếu những CBCC mất ăn, mất ngủ để trả lời câu hỏi là tại sao địa phương mình chậm phát triển, tại sao dự án trên địa bàn mình lại vướng mắc, kéo dài; vẫn còn thiếu những CBCC tận tụy, trách nhiệm xuống hiện trường để tìm hiểu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Sắp đến, Sở Nội vụ phải tích cực phối hợp với các ngành tham mưu nội dung để UBND tỉnh tổ chức hội nghị bàn sâu về chuyên đề này”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII xác định 03 nhiệm vụ đột phá chiến lược đó là: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm phấn đấu xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cả hệ thống chính trị Quảng Nam phải tiếp tục quán triệt và thực hiện quan điểm “người dân và doanh nghiệp” là đối tượng phục vụ của chính quyền các cấp và “sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp” là tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các ngành, các cấp trên tinh thần đồng hành cùng với doanh nghiệp.

Tiếp tục đột phá mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh xây dựng “Chính phủ điện tử”, thúc  đẩy cuộc cách mạng chuyển đổi số. Phải chuyển đổi quản trị nhà nước theo mô hình hiện đại, mô hình chính quyền điện tử.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định: "Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về công tác cải cách hành chính đã đi vào cuộc sống. Sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, thứ hạng PCI đã được cải thiện; tuy nhiên còn nhiều việc phải làm, chúng ta tuyệt đối không thỏa mãn, phải quyết tâm phấn đấu ghi tên vào tốp 5 trên bản đồ PCI vào năm 2025. Theo đó, UBND tỉnh sẽ có giải pháp phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa đối với các địa phương đi liền với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo mọi hoạt động đúng pháp luật hiện hành. Xúc tiến đề án truyền thông, quảng bá hình ảnh về Quảng Nam một cách hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và có nhiều hình thức tương tác với doanh nghiệp.".


Tác giả: Nguyễn Hữu Sáng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?