Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Bí thư Tỉnh ủy đối thoại với Nhân dân huyện Nam Giang

Ngày đăng: 14:42 | 02/06/2020 Lượt xem: 1101

Vừa qua, tại xã Tà Bhing, huyện Nam Giang đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại với Nhân dân huyện Nam Giang về công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện. Sau đây là nội dung đối thoại giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Nhân dân huyện Nam Giang.

CÂU 01: Việc kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng của cơ quan chức năng của huyện chưa triệt để, hiệu quả chưa cao, tình trạng khai thác gỗ trái phép xảy ra, chưa được xử lý triệt để xảy tại một số địa bàn như: Thôn Pà Dấu 2, thôn Đồng Râm, Thạnh Mỹ 3 và một số vùng lân cận, giáp ranh; trong khi đó, đối tượng phá rừng, khai thác gỗ trái phép là người ở địa phương khác đến làm ảnh hưởng đến uy tín người dân địa phương. Đề nghị tỉnh chỉ đạo giải quyết triệt để vấn đề này.
Trả lời: Huyện Nam Giang là một huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn. Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan lập và triển khai đề án quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Việc quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Nam Giang nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Đề nghị Nhân dân tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng với các ban, ngành liên quan của tỉnh, của huyện làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nam Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp nhận và giải quyết triệt để các thông tin phản ánh của người dân về tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép; việc này giao trực tiếp đến từng cá nhân liên quan chịu trách nhiệm và là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm, cơ quan, đơn vị, cá nhân nào buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người dân có thể phản ánh trực tiếp đến lãnh đạo tỉnh các vấn đề liên quan đến phá rừng trái phép, hành vi nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức qua đường dây nóng được đăng trên website của Tỉnh ủy (www.quangnam.dcs.vn).
CÂU 02: Hiện nay, trên địa bàn huyện Nam Giang có một số diện tích đất trống chưa sử dụng vào các mục đích để phát triển kinh tế, người dân địa phương rất muốn sử dụng diện tích đất này để tận dụng trồng rừng gỗ lớn nhằm ổn định kinh tế cũng như bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, do không phải chủ sở hữu hợp pháp nên người dân địa phương không thể thực hiện việc trồng gỗ lớn trên diện tích đất nêu trên. Đề nghị tỉnh quan tâm, tạo điều kiện đề người dân địa phương quản lý, sử dụng diện tích đất trống nêu trên.
Trả lời: Lãnh đạo tỉnh hoan nghênh tinh thần, trách nhiệm của Nhân dân huyện Nam Giang trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng cũng như việc chủ động tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo. Đề nghị UBND huyện Nam Giang rà soát lại tất cả các diện tích đất trống trên địa bàn huyện do huyện quản lý, chưa có mục đích sử dụng để bàn giao cho người dân địa phương quản lý, sử dụng để trồng rừng gỗ lớn. Bên cạnh đó, UBND huyện cần định hướng người dân trồng những loại cây gỗ đặc trưng, có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
CÂU 03: Mức hỗ trợ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ nhận khoán hiện nay là quá thấp chưa đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người dân. Việc thực hiện nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng bằng hình thức hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng với định mức khoán 167ha/người quản lý theo Quyết định số 266/QĐ-UBND, ngày 24/01/2019 của UBND tỉnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng vì lo lắng không được hưởng nguồn thu nhập từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng như trước đây, đề nghị tỉnh nghiên cứu lại chủ trương này.
Trả lời: Trước mắt, đề nghị Nhân dân thực hiện tốt việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng theo tinh thần Quyết định số 266/QĐ-UBND, ngày 24/01/2019 của UBND tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện, giao UBND huyện tổng hợp những khó khăn, vướng mắc kiến nghị UBND tỉnh xem xét, sửa đổi. 
CÂU 04: Người dân ở các huyện miền núi nhu cầu khai thác gỗ làm nhà tại chỗ là rất lớn; việc khai thác gỗ trong rừng về làm nhà không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn phù hợp với phong tục, cách làm nhà truyền thống lâu nay của người dân. Tuy nhiên, việc khai thác rừng lấy gỗ đã dừng; trong khi đó, nguyên vật liệu làm nhà như: Xi măng, sắt, thép… giá thành cao vượt khả năng của người dân. Ngoài ra, nguồn kinh phí hỗ trợ làm nhà theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND tỉnh quá thấp, không đảm bảo để các hộ dân xây nhà. Đề nghị tỉnh nghiên cứu cho người dân được khai thác hoặc tận dụng cây đã chết để lấy gỗ làm nhà.
Trả lời: Theo Nghị quyết số 71/NQ-CP, ngày 08/8/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trong đó, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên dưới mọi hình thức. Vì vậy, việc cho phép người dân vào rừng khai thác gỗ để làm nhà là không thể thực hiện. Tỉnh tiếp thu ý kiến về tận dụng những cây đã chết để lấy gỗ làm nhà nhưng cần phải có sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cũng như việc phối hợp chặt chẽ giữa người dân địa phương có nhu cầu làm nhà thiết thực để tránh việc lợi dụng để khai thác gỗ trái phép. Bên cạnh đó, đề nghị UBND huyện nghiên cứu, thí điểm trồng rừng gỗ lớn với nhiều chủng loại như: Cây xoan, Lim xanh… để lấy gỗ đáp ứng nhu cầu của người dân; vận động người dân trồng cây phân tán trong vườn, khu vực rừng sản xuất là rừng trồng đã được giao quản lý để lấy gỗ làm nhà.
Ngoài ra, tỉnh sẽ nghiên cứu, xem xét nâng mức hỗ trợ kinh phí làm nhà hoặc bổ sung nội dung hỗ trợ mua vật liệu khác thay thế gỗ (sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND tỉnh HĐND tỉnh) để thực hiện việc sắp xếp ổn định dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, kiến nghị với Chính phủ sửa đổi Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg phù hợp với điều kiện của người dân miền núi.
CÂU 05: Tình trạng vận chuyển trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm trên tuyến đường Quốc lộ 14D từ nước bạn Lào qua địa bàn huyện Nam Giang trong thời qua diễn biến phức tạp. Đề nghị UBND tỉnh cần phải có phương án và biện pháp xử lý kịp thời. 
Trả lời: Về việc này, giao UBND huyện Nam Giang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm trên tuyến đường Quốc lộ 14D từ nước bạn Lào qua địa bàn huyện Nam Giang.
CÂU 06: Hiện nay, trên địa bàn xã Cà Dy, huyện Nam Giang có nhiều bãi cát tiềm năng, trữ lượng tương đối lớn. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị với huyện xin ý kiến của tỉnh cấp phép để lập hồ sơ khai thác phục vụ cho nhu cầu xây dựng rất lớn của người dân địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm cấp phép khai thác các mỏ cát trên địa bàn huyện Nam Giang.
Trả lời: Việc cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo quy hoạch. Việc khai thác cát trên địa bàn các huyện miền núi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, trên địa bàn xã Cà Dy không có quy hoạch khai thác mỏ khoáng sản (cát) và trữ lượng không lớn. Vì vậy, việc cấp phép khai thác mỏ cát tại xã Cà Dy không thực hiện.
CÂU 07: Hiện nay, tại khu vực thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, Ban Quản lý làng thanh niên lập thôn Mực đấu giá đất rừng để đề nghị giao cho các hộ ở Làng thanh niên lập nghiệp quản lý liên quan đến đất rẫy của người dân và chồng lấn với đất Dự án KFW10 và Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đề nghị cấp trên trước khi giao đất cần kiểm tra cụ thể để tranh mâu thuẫn về đất đai.
Trả lời: Việc tham mưu thu hồi đất của các tổ chức, trước hết phải có ý kiến của UBND cấp xã nơi có đất, sau đó Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định và trình UBND huyện xem xét, có Tờ trình gửi Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định thu hồi đất, giao đất. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Nam Giang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã liên quan kiểm tra, rà soát cụ thể từng hồ sơ để tham mưu UBND huyện trình UBND tỉnh theo quy định.
CÂU 08: Việc xác định đất ao vườn, thu tiền sử dụng đất theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ, đất không sử dụng liên tục sẽ bị Nhà nước thu hồi theo Điểm h, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013 là không phù họp với tập quán canh tác của người dân địa phương. Đề nghị tỉnh xem xét, kiến nghị với Trung ương để sửa đổi.
Trả lời: Đối với nội dung này, UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị vời Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết các vướng mắc, khó khăn tại địa phương; đồng thời, đề nghị xem xét, điều chỉnh một số bất cập trong Luật Đất đai 2013. UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ, Quốc hội xem xét, điều chỉnh, sửa đổi Điểm h, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013 và một số văn bản liên quan khác (Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, Quyết định số 3323/QĐ-UBND, ngày 21/9/2016 của UBND tỉnh về việc công bố bộ thủ tục hành chính chuẩn hóa thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Tài nguyên và Môi trường).
CÂU 09: Đề nghị tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện triệt để việc cắm mốc, phân loại rừng trên địa bàn huyện Nam Giang và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân an tâm sản xuất.
Trả lời: Về việc này, giao UBND huyện Nam Giang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện.
CÂU 10: Thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho người dân tại huyện Nam Giang mặc dù cơ bản hoàn thành nhưng hiện nay vẫn còn 603 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tồn đọng tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện do các mức thu phí, lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quá cao, vượt quá khả năng của người dân. Đề nghị tỉnh có cơ chế để hỗ trợ người dân nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trả lời: Mức thu được UBND tỉnh quy định tại Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND, ngày 17/8/2018 và được điều chỉnh các phụ lục đơn giá tại Quyết định số 936/QĐ-UBND, ngày 26/3/2019; cụ thể chỉ thu giá dịch vụ cho hạng mục thực hiện tại cấp huyện, do đó, đơn giá thu đã giảm 60%, giảm rất nhiều so với quy định. Tuy nhiên, thực tế đối với một số hộ gia đình, cá nhân tại các xã miền núi nói chung và huyện Nam Giang nói riêng còn rất nhiều khó khăn, không đủ tiền để nộp phí nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Nam Giang rà soát lại 603 trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn để báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét hỗ trợ kinh phí.
CÂU 11: Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp đổi mới, sắp xếp bộ máy và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, khối lượng công việc tại xã, thôn rất nhiều, trong khi đó số lượng người đảm trách giảm; ngoài ra, cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập thôn, xã và triển khai thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP chưa có việc làm ổn định ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống của những đối tượng này. Bên cạnh đó, sau khi sáp nhập thôn, nhiều chính sách đặc thù trước đây người dân không còn được hưởng, ví dụ: thôn Tà Dương trước đây là thôn đặc biệt khó khăn, sau khi sáp nhập mọi chế độ chính sách đều bị cắt. Đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hỗ trợ kinh phí có những đối tượng này sau khi nghỉ việc cũng như bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Trả lời: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ từ Trung ương đến cơ sở tập trung triển khai thực hiện. Đây là chủ trương lớn của Đảng, của Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính trị, phục vụ Nhân dân tốt hơn, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. 
Trước mắt, đề nghị Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP nêu trên; tổng hợp những vướng mắc, khó khăn báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh để kiến nghị với Trung ương sửa đổi; đồng thời, làm căn cứ để sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh phù hợp với thực tế. Rà soát, tổng hợp danh sách cán bộ nghỉ việc sau khi tiến hành sáp nhập thôn, xã theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và sau khi triển khai thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí sau khi nghỉ việc theo quy định; kết nối doanh nghiệp tại địa phương để tuyển dụng vào làm việc nếu có nhu cầu; ưu tiên giao khoán, bố trí những đối tượng này vào Tổ quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách tại thôn; hợp đồng lao động tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang, Hạt Kiểm lâm Nam Giang nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Ngoài ra, tại buổi đối thoại, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Thường trực Huyện ủy Nam Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương chi tiền lương tăng hằng theo quy định cho cán bộ, công chức chưa được nhận; làm việc với Sở Y tế cấp đủ cơ số thuốc phục vụ Nhân dân; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chi trả đủ số tiền sau khi thu hồi đất của người dân để làm dự án; phối hợp với các cơ quan của tỉnh giám sát việc xả thải của Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ.

Tác giả: Huỳnh Văn Phát

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?