Quang cảnh Hội thảo
|
Tham dự Hội thảo có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ - Cơ quan quản lý khoa học, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trường Chính trị tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh, Tỉnh đoàn, Sở Thông tin và Truyền thông, Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh, Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh, cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu và Ban Chủ nhiệm Đề tài. Đồng chí trì Hội thảo có các đồng chí: Trần Khắc Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Cơ quan chủ trì Đề tài khoa học; Nguyễn Hữu Sáng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Đề tài khoa học.
Phát biểu khai mạc chào mừng và báo cáo đề dẫn, đồng chí Nguyễn Hữu Sáng nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện công trình khoa học để nghiên cứu chuyên sâu, tổng thể về phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam là một nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng đề cương của đề tài với kết cấu gồm có phần mở đầu và 03 chương. Nội dung phần mở đầu khái quát tổng thể về tính cấp thiết của đề tài,mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu, ý nghĩa lý luận và thực tiễn, đóng góp mới về khoa học của đề tài.
Nội dung các chương thể hiện về quan điểm chỉ đạo của Đảng trong phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” về tư tưởng chính trị; thực trạng âm mưu “diễn biến hòa bình” về tư tưởng chính trị trên địa bàn tỉnh; nhiệm vụ và giải pháp phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình” về tư tưởng chính trị trên địa bàn tỉnh.
Đề tài tập trung nhận diện thực trạng tác động của âm mưu “diễn biến hòa bình” về tư tưởng chính trị đối với 13 nhóm đối tượng. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, làm cơ sở lý luận bổ sung cho công tác nghiên cứu, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 cấp tỉnh và cấp huyện.
Hội thảo đã nhận được 11 tham luận và 09 ý kiến thảo luận, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung được nêu trong Đề cương và đề xuất, kiến nghị những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung để Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp tục hoàn chỉnh Đề cương trình hội đồng thẩm định.
Đại diện cơ quan chủ trì thực hiện Đề tài khoa học, đồng chí Trần Khắc Thắng phát biểu nhấn mạnh: đây là đề tài mới, khó đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ, sâu, sát thực tiễn, do đó đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp tục tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ; đề nghị các cơ quan liên quan tích cực phối hợp với Ban chủ nhiệm Đề tài để sớm hoàn thành nội dung nghiên cứu; đề nghị Sở Khoa học-Công nghệ xem xét cho gia hạn thời gian thực hiện Đề tài ...
Thay mặt Chủ trì kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Sáng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Đề tài khoa học ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại biểu tham dự. Trong đó, thống nhất nội dung tên gọi của các chương, mục, tiểu mục; xác định đối tượng, phạm vi nghiên cứu. Đồng thời, yêu cầu Thư ký đề tài tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện Đề cương để tiếp tục phục vụ cho việc nghiên cứu, biên soạn đề tài.