Cần nâng cao văn hoá ứng xử trên MXH. Ảnh: minh hoạ
|
Theo thống kê đầu năm 2023, Việt Nam có số lượng người dùng mạng xã hội đạt con số hơn 70 triệu người, tương đương với 71% tổng dân số; nằm trong tốp các nước có tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội cao nhất. Mạng xã hội đã góp phần rất tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tham gia quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số, quảng bá hình ảnh của Việt Nam với thế giới… Nhưng với tốc độ phát triển quá nhanh, mạng xã hội đã bộc lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng như: thông tin xấu, độc, sai sự thật gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân; lợi dụng mạng xã hội để chống phá đất nước, gây mất an ninh trật tự…Văn hoá ứng xử trên mạng xã hội cũng là câu chuyện được quan tâm, trong đó, cách ứng xử trên mạng xã hội của cán bộ, đảng viên là chủ đề thường xuyên được nhắc đến trong thời gian gần đây.
Đầu tiên, có thể khẳng định rằng, cán bộ, đảng viên hiện nay hầu hết đều có nhu cầu và đang sử dụng mạng xã hội giống như một người dân bình thường, thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, do tính chất công việc, nên việc sử dụng mạng xã hội của cán bộ, đảng viên nằm trong khuôn khổ được quy định, không rộng rãi, thoải mái, thiên về giải trí như các đối tượng khác. Đa số cán bộ, đảng viên đã tận dụng rất tốt lợi thế mạng xã hội để phục vụ trong công việc; để trao đổi thông tin, để tuyên truyền có hiệu quả những chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước; lan toả những điều tốt đẹp trong cuộc sống; đã tích cực trong việc đấu tranh chống lại những tiêu cực và bảo vệ cho cái đúng. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên chưa phát huy được những mặt tích cực của mạng xã hội; thậm chí, sức đề kháng với những thông tin xấu, độc chưa tốt và không thể hiện được vai trò “nêu gương” của mình trên mạng xã hội. Có cá nhân còn biểu lộ cảm xúc “thích”, bình luận tuỳ tiện và ác ý; chia sẽ những thông tin chưa kiểm chứng gây mất uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân và gây mất đoàn kết nội bộ.
Có một tình trạng đáng lo hơn nữa, đó là tình trạng “thờ ơ” của cán bộ cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội. Thờ ơ ở đây, có nghĩa là vẫn sử dụng mạng xã hội, nhưng chủ yếu phục vụ cho mục đích riêng, còn lại không quan tâm đền những vấn đề khác. Đó là việc, thấy cái sai diễn ra vẫn dửng dưng; không đấu tranh, phản bác, thậm chí là thả một icon “phẫn nộ”; đó là việc thấy cái đúng, cái hay, cái đẹp vẫn không lan toả, chia sẻ, không “like” hoặc bình luận khích lệ…Tâm lý chung của đa số cán, bộ đảng viên nằm trong số này, đó là coi việc đấu tranh trên mạng xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; lan toả cái đẹp… là việc của các cơ quan chức năng. Tình trạng này đang diễn ra nhiều, làm suy yếu vai trò và lãng phí nguồn lực đấu tranh của đông đảo cán bộ, đảng viên; lực lượng đáng lẽ ra phải là những chiến sĩ xung kích trên không gian mạng xã hội.
Từ những vấn đề đã phân tích ở trên, ngoài những quy định của Đảng và Nhà nước ta liên quan đến việc điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội; như mới đây, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Quy định 85-QĐ/TW ngày 7/10/2022 về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng đi đôi với việc kiểm tra, giám sát và có thể đưa vào quy định cụ thể của đơn vị về việc cán bộ, đảng viên tham gia mạng xã hội. Nên khen thưởng và nêu gương kịp thời để động viên cho cán bộ, đảng viên có những ứng xử đẹp trên mạng xã hội song song với việc kiểm điểm, nhắc nhở, phê bình đối với những cán bộ, đảng viên có cách ứng xử thiếu chuẩn mực hoặc tham gia mạng xã hội nhưng thờ ơ, vô cảm, gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức…
Đối với cá nhân cán bộ, đảng viên, cần xác định được vai trò tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm của mình trên không gian mạng; tham gia mạng xã hội một cách văn minh; xin đừng vô cảm, “thờ ơ” trên mạng xã hội mà phải biến nó thành không gian để lan toả những điều tích cực với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Hãy góp phần làm cho môi trường trên không gian mạng sạch và đẹp hơn. Mỗi hành động của chúng ta phải trở nên có ích hơn cho cộng đồng trên mạng xã hội.