Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Ngày đăng: 9:17 | 11/07/2020 Lượt xem: 1360

Quán triệt Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, những năm qua, các lễ hội trên địa bàn huyện Thăng Bình cơ bản được tổ chức trang trọng, văn minh, tiết kiệm. Qua đó, đã góp phần giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc; đồng thời, gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tại địa phương.

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đã triển khai nhiều biện pháp có hiệu quả trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội của huyện đã đạt được những thành tựu quan trọng. Phần lớn các lễ hội của địa phương được tổ chức chặt chẽ, an toàn tiết kiệm, đảm bảo đúng nghi thức, phong tục truyền thống dân tộc; đảm bảo đúng ý nghĩa và vai trò của lễ hội trong đời sống xã hội ở địa phương; đồng thời, giữ gìn, đẩy lùi các tập tục mê tín dị đoan, bói toán, đốt vàng mã và các tệ nạn xã hội xung quanh những lễ hội… Thay vào đó là những hoạt động lành mạnh, an toàn, mang đậm bản sắc của dân tộc, địa phương; hoạt động mang tính đoàn kết, nhân văn được đưa vào lễ hội, góp phần tạo thêm nhiều sắc thái ý nghĩa cho lễ hội; tạo nơi sinh hoạt lành mạnh cho cộng đồng xã hội, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, tinh thần cho người dân trong huyện. Huyện ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các cơ quan, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 41-CT/TW trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội nghị học tập, lồng ghép trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... Đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý chặt chẽ các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống; tuyên truyền, vận động các cơ sở tôn giáo thực hiện tổ chức các hoạt động lễ hội đảm bảo an toàn, đúng pháp luật, nghi thức tôn giáo gắn với bảo vệ môi trường; phát huy vai trò và ý nghĩa và giá trị của các lễ hội trong đời sống xã hội ở địa phương. Nhờ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của toàn xã hội và các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò, chức năng của công tác quản lý và tổ chức lễ hội. 
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được tổ chức triển khai rộng khắp, đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều địa phương thực hiện việc tổ chức cưới ở các nhà sinh hoạt văn hóa thôn; vận động cán bộ, nhân dân tổ chức lễ hội phù hợp với phong tục, tập quán truyền thống của địa phương, dân tộc; tổ chức lễ tang theo nghi thức truyền thống, phù hợp với điều kiện của từng gia đình; chôn cất người quá cố tại các nghĩa trang nhân dân, nghĩa trang gia tộc.... Nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được duy trì, chọn lọc, kế thừa và phát triển. Qua đó, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao dân trí, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm lành mạnh môi trường văn hóa.
Công tác kiểm kê, phân loại lễ hội; lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa lễ hội, xây dựng các dự án, đề tài khoa học phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của lễ hội được quan tâm. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện tiến hành rà soát, báo cáo danh mục các loại hình Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện. Theo đó, Lễ hội Bà chợ Được đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào ngày 22/12/2014. Ngoài ra, Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, UBND huyện Thăng Bình tổ chức Điền dã tại xã Bình Hải của huyện để ghi âm, ghi hình, trình diễn và phỏng vấn các nghệ nhân trình diễn Bài chòi. Thăng Bình là một trong các huyện đã đóng góp giá trị tiêu biểu nghệ thuật bài chòi vào sự thành công chung được UNESCO công nhận nghệ thuật Bài chòi Trung bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội, ngày hội phải chịu trách nhiệm về kế hoạch, chương trình, nội dung, quy mô, tần suất, thời gian tổ chức; bảo đảm việc tổ chức lễ hội, ngày hội tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, lãng phí; phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương. Hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội, ngày hội. Quản lý việc đặt tiền lễ, đặt hòm công đức, tiết kiệm, hợp lý. Việc tu bổ, tôn tạo di tích; công trình tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật... Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn lễ hội, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cho các địa phương, cơ quan, đơn vị luôn có phương án đề phòng những biểu hiện tiêu cực; lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình… Đồng thời, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến với người dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội như hạn chế việc đốt vàng mã, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác xã hội hóa về nguồn lực con người để phục vụ công tác quản lý, tổ chức lễ hội như sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân và du khách thập phương đã góp phần làm nên thành công của Lễ hội Rước cộ Bà Chợ Được và tạo nên sức sống, sự lan tỏa của lễ hội. Thể hiện rõ nhất là ở công tác tổ chức, công tác xã hội hóa lễ hội. Việc mua sắm hiện vật, tổ chức lễ hội đều được huy động từ nguồn xã hội hóa hoặc trích một phần từ tiền công đức ở Lăng. Công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các loại hình nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống được quan tâm. Hiện nay, toàn huyện có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 01 di tích cấp quốc gia, 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh. Trong những năm qua, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ trùng tu, tôn tạo các di tích của tỉnh, huyện đã đối ứng nguồn kinh phí để các di tích được phục dựng trên cơ sở các yếu tố gốc, các địa phương thì xã hội hóa các hạng mục cải tạo khuôn viên di tích. Hiện nay, toàn huyện có 24 di tích được trùng tu, tôn tạo, đạt tỷ lệ 72,7%.
Nhờ thực hiện các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo trên, nhìn chung, qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện được nâng lên rõ rệt. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, địa phương, cơ sở theo đúng quy định của pháp luật; thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân.

Tác giả: Đông Anh

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?