Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Nam Giang: Qua 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Ngày đăng: 11:47 | 18/06/2021 Lượt xem: 1633

Ngày 21 tháng 4 năm 2000, Quảng Nam vinh dự được Chính phủ chọn phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cho cả nước, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa. Cũng trong năm 2000, xã Tà Bhing vinh dự là xã đầu tiên của huyện Nam Giang phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, đến đầu năm 2001, 12/12 xã, thị trấn huyện với 63/63 thôn tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa, diện mạo các thôn, xóm của huyện bước sang một chuyển động mới với nguồn năng lượng mới.

Qua chặng đường 20 năm triển khai thực hiện,với sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân- Ủy ban nhân dân huyện, sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc, các ngành, hội, đoàn thể, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận của Nhân dân, phong trào đã đạt được những kết quả quan trọng, thực sự tập hợp, đoàn kết, khơi dậy và phát huy được tính tích cực, sáng tạo của Nhân dân trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, tạo được nhiều chuyển biến đáng kể; các giá trị văn hóa truyền thống được khơi dậy, nhân tố con người được đề cao, dân chủ ở cơ sở được phát huy, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nếp sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm lo sức khỏe Nhân dân và thực hiện dân số- kế hoạch hóa gia đình vào các hương ước, quy ước của khu dân cư và tiêu chí bình xét danh hiện gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa hàng năm. Thông qua việc thực hiện Quy ước, việc cưới, việc tang và lễ hội được Nhân dân ở các khu dân cư hưởng ứng như: thực hiện đám tang không tổ chức linh đình nhiều ngày; hạn chế rãi vàng mã nhất là khu vực thị trấn. Do vậy, nhiều hủ tục lạc hậu, cổ hủ được bài trừ, người dân đã tiếp thu lối sống văn hóa mới lành mạnh, đời sống văn hóa tinh thần được nâng lên.
Các Lễ hội truyền thống được phát huy,phát triển ngày càng sâu rộng và nhận được sự hưởng ứng của Nhân dân. Vào dịp Tết, hội mùa, các sự kiện văn hóa - chính trị, hầu hết các thôn bản đều quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống như lễ hội đâm trâu, lễ hội lúa mới… Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có sức lan tỏa sâu rộng trong nhiều phong trào khác như phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; phong trào “Toàn dân rèn luyện thể dục, thể thao”; phong trào vận động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài; xây dựng mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”. Trong thanh niên có các phong trào thiết thực như “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”; một số trụ sở hành chính xã thực hiện ngày thứ hai hằng tuần mặc trang phục truyền thống. Các tổ chức quần chúng ở thôn, xóm hưởng ứng các phong trào vận động quần chúng Nhân dân thực hiện tốt việc thu gom và xử lý rác thải theo quy định, tổ chức làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xây dựng những đoạn đường, cung đường: “sáng, xanh, sạch, đẹp” do Nhân dân tự quản; thực hiện đường thông, hè thoáng, không lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè, không gây cản trở giao thông …
Với cách làm thiết thực, hiệu quả nên đến nay hầu hết tổ, xóm của 50 thôn trên địa bàn huyện có được môi trường đảm bảo vệ sinh, hàng trăm đoạn đường tự quản ở các địa phương nâng tầm văn hóa văn minh thôn xóm. Đến nay trên 90% các hộ gia đình làm chuồng trại cho gia súc, gia cầm tách khỏi nhà ở vừa đảm bảo vệ sinh vừa hạn chế ảnh hưởng mùa màng của bà con xóm giềng.
Qua 20 năm xây dựng triển khai và thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”đã gặt hái nhiều thành quả đáng mừng. Tính đến cuối năm 2020, có 6037/6988 tổng số gia đình đăng ký đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 86,39%; có 84/139 tộc, họ đã được Ủy ban nhân dân các xã công nhận tộc họ văn hóa; có 46/50 thôn đạt danh hiệu Thôn văn hóa, chiếm 92%. Trong đó, có 05 thôn đạt danh hiệu văn hóa 9 năm liên tục, 04 thôn 11 năm liên tục, 01 thôn 13 năm liên tục, 02 thôn 14 năm liên tục và 01 thôn đạt danh hiệu văn hóa 20 năm liên tục. Đây là sự nổ lực rất lớn của Nhân dân cùng sự cố gắng không ngừng của các cấp chính quyền địa phương trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, đó là: những năm gần đây, ở một số địa phương, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có biểu hiện chững lại, một số nơi không chỉ đạo kịp thời, thiếu đổi mới nội dung và phương thức tổ chức thực hiện. Việc chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo một số địa phương không được thường xuyên, có nơi còn tư tưởng khoán trắng cho cán bộ văn hóa và Ban nhân dân thôn. Một số cấp ủy Đảng chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa, thiếu định hướng, giải pháp để lãnh đạo chính quyền, các ngành, đoàn thể, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận để tổ chức thực hiện tốt phong trào. Mặt khác, một số ít địa phương chưa làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào, chưa chú trọng phát huy nhân tố điển hình, “người tốt, việc tốt”, mô hình văn hóa tốt nên cũng ảnh hưởng một phần đến công cuộc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Tình trạng trộm cắp, ma túy, vi phạm pháp luật nhất là địa bàn Thạnh Mỹ; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang vẫn còn tình trạng kiên cử nhiều ngày ảnh hưởng đến lao động sản xuất, sinh hoạt cộng đồng.Tỷ lệ người sinh con thứ 3, nạn tảo hôn có giai đoạn vẫn còn cao; Tỷ lệ hộ nghèo mặc dù có chuyển biến tích cực trong 2 năm trở lại đây nhưng vẫn ở mức cao ảnh hưởng phần nào chất lượng xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa, nông thôn mới.
Ở một số địa phương quy trình bình xét công nhận các danh hiệu văn hóa chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định, còn chạy theo thành tích; các thiết chế văn hóa dưới cơ sở đầu tư chưa đồng bộ; bộ máy các Trung tâm Văn hóa thông tin xã thiếu chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng tác nghiệp còn yếu; kinh phí dành cho hoạt động Trung tâm Văn hóa thông tin xã quá hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong những năm đến các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể cần xác định phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” là một phong trào thi đua rộng lớn, có tính chất bao trùm lên tất cả các nội dung của xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Vì vậy, để làm tốt công cuộc xây dựng sự nghiệp văn hóa cơ sở lên ngang tầm yêu cầu phát triển xã hội, cần tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần gắn nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới-đô thị văn minh” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động vào việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương, lấy kết quả triển khai phong trào làm một trong những căn cứ để bình xét thi đua hàng năm đối với hoạt động của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp.
Hai là, không ngừng nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hoá; việc tổ chức bình xét, công nhận Thôn văn hóa, Gia đình văn hóa, Tộc họ văn hóa thực hiện đúng tinh thần Nghị định số 122/ 2018/NĐ- CP, ngày 17/9/ 2018 của Chính phủ qui định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng Văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ văn hóa” và hướng dẫn 1236/ HDLN- SNV- SVHTTDL, ngày 18 tháng 6 năm 2019 về hướng dẫn khen thưởng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đảm bảo đúng quy định, quy trình, không chạy theo bệnh thành tích, chú trọng đến chất lượng của phong trào. Bên cạnh xây dựng gia đình văn hoá, đồng thời làm tốt việc phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện luật bình đẳng giới, tổ chức tốt các hoạt động của Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, Câu lạc bộ “Gia đình văn hoá”.
Ba là, các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo mạnh mẽ việc đưa các Trung tâm Văn hóa thông tin xã vào hoạt động và hoạt động có hiệu quả hơn, tăng cường giao lưu văn nghệ, thể dục, thể thao, tạo cơ hội cho người dân ở các thôn, xóm giữa các địa phương với nhau tham gia vào quá trình sáng tạo và hưởng thụ sản phẩm văn hoá chính tại quê hương mình; phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, tạo nền tảng tinh thần thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội của huyện nhà cho những năm tiếp theo.
Bốn là, phát huy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người về đạo đức, về nhân cách, lối sống trí tuệ và năng lực làm việc, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở.
Phát huy các kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện, tin rằng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong những năm tới tiếp tục có bước phát triển mới, nhiều nội dung có sức lan toả trong cộng đồng, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn góp phần xây dựng quê hương Nam Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tác giả: BTGHU Nam Giang

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?