
Chiếc xe bò và cảnh vượt ngục ngày 8.2.1943 được phục chế và trưng bày tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà ngục Đắk Mil
Ảnh. Báo Đắk Lắk
|
Cuộc vượt táo bạo của đồng chí Nguyễn Thanh Hãn diễn ra vào ngày 08/02/1943 tuy không thành công, nhưng một lần nữa khẳng định ý chí, quyết tâm của những người chiến sĩ cộng sản kiên trung và là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Kiên trung trong ngục tù
Đồng chí Nguyễn Thành Hãn sinh ngày 01/5/1905 tại làng Trà Kiệu Tây, nay thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên. Sinh ra trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng, từ sớm Nguyễn Thành Hãn đã tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước.
Tháng 5/1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ Trà Kiệu Tây. Sau khi trở thành đảng viên, đồng chí đã tích cực tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng tham gia hoạt động cách mạng và phát triển đảng viên. Tháng 3/1931, đồng chí bị mật thám Pháp bắt và kết án 3 năm tù giam tại ở nhà lao Hội An. Trong nhà lao, bất chấp sự quản thúc nghiêm ngặt, đàn áp, khủng bố của kẻ thù, đồng chí vẫn tích cực tham gia các cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Sau hai năm giam cầm, không khai thác được gì, năm 1933, đồng chí được trả tự do. Trở về địa phương, mặc dù bị quản thúc, theo dõi gắt gao, nhưng đồng chí vẫn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, xây dựng cơ sở cách mạng tại phủ Duy Xuyên. Đến tháng 7/1936, sau khi liên lạc với đồng chí Nguyễn Trác - một đảng viên vừa được trao trả tự do từ nhà tù Côn Đảo về, trên cơ sở nắm vững chủ trương của Đảng đồng chí Nguyễn Thành Hãn đến hầu hết các địa phương trong phủ để móc nối cơ sở, vận động quần chúng tham gia đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, phát triển và củng cố tổ chức Đảng. Trên cơ sở đó, cũng trong tháng 7/1936, chi bộ ghép Ngũ Châu (Tứ Thôn và Hà Mật) được thành lập, đồng chí Nguyễn Thành Hãn được cử làm Bí thư.
Trước tình hình phong trào cách mạng trên đạ bàn tỉnh phát triển, cuối năm 1936, tại làng Tân Hạnh, Hòa Vang đồng chí Nguyễn Trác triệu tập hội nghị phổ biến nghị quyết của Trung ương, nghe các đại biểu báo cáo tình hình tổ chức đảng, tổ chức quần chúng ở địa phương mình. Hội nghị quyết định thành lập Tỉnh ủy lâm thời, đồng chí Nguyễn Trác được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Sau hội nghị, các đồng chí trong Tỉnh ủy được phân công phụ trách các phủ, huyện để giúp các địa phương phát triển thêm cơ sở đảng, chuyển phong trào đi lên. Tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Thành Hãn được bầu vào Tỉnh ủy và được phân công phụ trách xây dựng phong trào cách mạng ở phủ Duy Xuyên.
Với nhiệm vụ được phân công, đồng chí đã tích cực bắt nối, xây dựng và củng cố được nhiều Chi bộ. Trên cơ sở đó, cuối năm 1937, Phủ ủy lâm thời Duy Xuyên được lập lại, đồng chí được cử làm Bí thư. Tháng 10/1938, đồng chí được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ (9/1939), thực dân Pháp ở Đông Dương ra sức đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng. Ở Quảng Nam, hầu hết tổ chức Đảng từ tỉnh đến phủ, huyện đều bị địch đánh phá, nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt, trong đó có Nguyễn Thành Hãn. Biết đồng chí là cán bộ cốt cán của Đảng, chúng đưa về khai thác ở nhà lao tỉnh Quảng Nam, rồi mua chuộc, dụ dỗ nhưng đều thất bại.
Ngày 06/01/1940, địch mở phiên tòa xét xử tù nhân chính trị, trong đó có hầu hết các đồng chí trong Tỉnh ủy như: Nguyễn Thành Hãn, Trần Tống, Nguyễn Đức Thiệu, Nguyễn Xuân Nhĩ, Nguyễn Thúy… với lý lẽ sắc bén, cùng sự đoàn kết, các đồng chí đã biến phiên tòa xét xử mình thành buổi tố cáo tội ác của bọn Việt gian bán nước. Sự kiện này, trong Hồi ký của mình, đồng chí Trần Tống có ghi: “Trước vành móng ngựa, chúng tôi với tư cách là đảng viên cộng sản, đã làm chủ tình thế một cách tuyệt đối, đã biến tòa án phản động thành diễn đàn cách mạng công khai của Đảng. Trên diễn đàn này, từ là người bị cáo chúng tôi tự mình đã chuyển thành quan tòa cách mạng đứng lên buộc tội thực dân Pháp và bè lũ Việt gian bán nước. Theo đúng kế hoạch đã định, “gậy ông đập lại lưng ông” một cách đích đáng”.
Kết thúc phiên tòa, các đồng chí bị chúng tăng án lên khổ sai chung thân và đưa xuống nhà lao Hội An. Cuối năm 1940, các đồng chí Nguyễn Thành Hãn, Trần Tống… bị đày đi Buôn Ma Thuột. Trong nhà đày, bất chấp sự khủng bố, đàn áp, bắt lao động khổ sai, đồng chí vẫn vững vàng, giữ vững ý chí và tham gia tích cự phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, cải thiện chế độ lao tù, chống thủ đoạn thủ tiêu tù nhân.
Cuộc vượt ngục táo bạo
Năm 1942, bọn giám thị ở nhà tù Buôn Ma Thuột xây dựng thêm một trại giam ở Nhà ngục Đắk Mil rồi chuyển một trăm tù nhân ở Buôn Ma Thuột lên giam ở đó. Nhà ngục Đắk Mil được thực dân Pháp xây dựng đầu năm 1940 - là một “biệt giam” thuộc Nhà đày Buôn Ma Thuột, trong một khu rừng già (nay thuộc thôn 9, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) với mục đích là giam giữ, đày ải những chiến sĩ cách mạng cốt cán, không thu phục được đang giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Tại đây, địch bắt các tù nhân hàng ngày phải đi chở nước sinh hoạt (phương tiện dùng để chở nước là chiếc xe bò). Nhờ đó, Nguyễn Thành Hãn tranh thủ nắm tình hình địch, tìm những sơ hở của bọn giám thị; nhất là khi chúng chủ quan, mất cảnh giác để nghiên cứu phương án tổ chức cho anh em tù nhân vượt ngục. Theo đó, đồng chí Nguyễn Thành Hãn có sáng kiến nhân lúc đẩy xe bò đi chở nước, tranh thủ bồn đựng nước trống, ta bố trí một số anh em chui vào trong thùng. Đi được nửa đường rồi đánh lừa bọn lính đi kèm là làm rơi chốt xe, rồi vờ chạy đi tìm, buộc bọn lính phải chạy theo, ước tính đủ thời gian để đồng đội chui ra khỏi thùng và chạy thoát vào rừng. Kế hoạch vượt ngục thông minh và sáng tạo của Nguyễn Thành Hãn được anh em tù chính trị hưởng ứng. Để thực hiện kế hoạch này, đồng chí tổ chức luyện tập việc chui ra, chui vào thùng nước thật nhuần nhuyễn mỗi khi lau thùng; đồng thời tìm cách để khi đậy nắp thùng, người ở trong không bị ngột thở.
Vào ngày 8/2/1943, lợi dụng sơ hở của địch, Ban cán sự nhà ngục bố trí cho các đồng chí Trần Tống, Nguyễn Đình Tuy và Vũ Nhân (Lê Hữu Khai) vượt ngục ra ngoài bằng cách trốn trong thùng xe đi lấy nước và theo kế hoạch định sẵn, ba đồng chí trốn sẽ thoát vào rừng. Nhưng không may khi các đồng chí vừa thoát ra khỏi xe nước chạy vào rừng thì bị phát hiện và bắt trở lại. Những người tham gia đẩy xe đi lấy nước hôm đó, gồm Nguyễn Thành Hãn, Đỗ Ngọc Mai, Văn Diệp và Nguyễn Liễu đã bị địch bắt và thủ tiêu, rồi chúng vu khống cho các tù nhân đã chạy trốn.
Cuộc vượt ngục tuy không thành công, nhưng một lần nữa khẳng định ý chí, quyết tâm của những người chiến sĩ cộng sản kiên trung và là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
38 tuổi đời, 13 năm tham gia cách mạng, từ một người thanh niên yêu nước cho đến khi được Đảng giao cho trọng trách Bí thư Phủ ủy Duy Xuyên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, hai lần bị bọn thực dân Pháp bắt giam tra tấn dã man, đồng chí Nguyễn Thành Hãn vẫn giữ vững tinh thần cách mạng kiên trung. Với những cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.