Cụ Huỳnh Thúc Kháng, sinh ngày 01/10/1876, trong một gia đình nhà Nho, tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) – một địa phương giàu truyền thống yêu nước và hiếu học. Học giỏi, đỗ cao nhưng cụ Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà cùng các sĩ phu yêu nước đương thời như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp khởi xướng phong trào Duy Tân, nhằm “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Phong trào Duy Tân diễn ra đầu thế kỷ XX là ngọn lửa cách mạng có ảnh hưởng rộng lớn trong cuộc đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc, trong đó Quảng Nam trở thành chiếc nôi, nơi khởi phát của phong trào.
Trong lúc phong trào Duy Tân đang phát triển mạnh mẽ thì năm 1908, ở Trung Kỳ diễn ra phong trào chống xâu, thuế, khởi phát ở Đại Lộc sau đó lan ra các tỉnh miền Trung. Nhân cơ hội này, chính quyền Nam triều và bọn thực dân thẳng tay đàn áp những sĩ phu yêu nước. Cụ Huỳnh Thúc Kháng không may rơi vào tay giặc và bị kết án 13 năm khổ sai tại nhà tù Côn Đảo. Tù đày, tra tấn không làm lay chuyển được ý chí sắt đá, lòng yêu nước son sắc của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Biến “địa ngục trần gian” – nhà tù Côn Đảo thành một “trường học thiên nhiên”, coi thường mọi gian truân khổ ải, Cụ đã không ngừng nghỉ việc học tập, nhất là học tiếng Pháp “để làm người”, thậm chí Cụ còn lớn tiếng khẳng định “làm trai giữa thế kỷ XX này không thể không nếm cho biết” mùi đắng cay của ngục tù Côn Đảo.
Năm 1921, Cụ Huỳnh được trả tự do, mặc dù được khôi phục hàm Tiến sĩ Hàn Lâm Viện Biên Tu, nhưng Cụ vẫn giữ thái độ kiên quyết không ra làm quan cho chế độ phong kiến. Lúc này, phong trào yêu nước đang chìm trong khủng hoảng trước sự đàn áp, khủng bố dã man của thực dân Pháp và chính quyền Nam Triều. Bối cảnh ấy không cho phép Cụ Huỳnh Thúc Kháng khoanh tay ngồi nhìn cảnh nước nhà mãi sống trong cảnh lầm than, đen tối, mà tiếp tục dấn thân vào sự nghiệp cách mạng mong giải phóng dân tộc bằng con đường đấu tranh nghị trường.
Năm 1926, Cụ Huỳnh Thúc Kháng được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Chức vụ Viện trưởng được Cụ Huỳnh sử dụng như một phương tiện, một công cụ để tiếp tục thực hiện những cải cách theo tư tưởng duy tân của mình. Cụ còn đại diện cho nhân dân đòi lại những quyền lợi chính đáng của nhân dân mà chính quyền thực dân đã tước đoạt từ trước đó. Cụ cùng các cộng sự của mình xây dựng Chương trình hành động của Viện Dân biểu như: đòi ban bố một hiến pháp mới ở Đông Dương trên cơ sở thực hành đúng chế độ bảo hộ, đòi quyền dân tộc tự quyết; yêu cầu chính quyền thực dân mở thêm trường học, xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất, giảm các loại thuế vô lý, cải tổ bộ máy quan lại, mở rộng quyền của Viện dân biểu. Những đòi hỏi chính đáng đó đi ngược lại với lợi ích của chính quyền thực dân nên nó bị thực dân Pháp thẳng tay bác bỏ. Chúng còn xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Cụ Huỳnh khi chúng cho rằng: do bất mãn, Cụ mới làm chính trị. Trước thái độ miệt thị của thực dân Pháp, Huỳnh Thúc Kháng tự nhận mình đã “lầm bốn chữ: “đại biểu nhân dân”[1] và xin từ chức. Thái độ dứt khoát từ chức của Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một thái độ sáng suốt, hợp thời, thể hiện lập trường chính trị của Cụ chứ không đơn thuần vì danh dự cá nhân.
Chỉ hoạt động nghị trường trong một thời gian ngắn nhưng những nội dung cải cách của Viện Dân biểu gắn với vai trò quan trọng của Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã thể hiện khao khát đấu tranh cho hạnh phúc của nhân dân, vừa thể hiện đầy đủ phẩm chất của một sĩ phu yêu nước, luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Phải là một người gần dân, sát dân mới có thể nói được tiếng nói, khát vọng của nhân dân. Phải thật can trường, khẳng khái mới có thái độ quyết liệt, dứt khoát đến như vậy.
Rời Viện dân biểu, Huỳnh Thúc Kháng cùng Trần Đình Phiên, Đào Duy Anh thành lập “Huỳnh Thúc Kháng công ty” và vận động cho ra đời tờ báo Tiếng Dân. Ngày 10/8/1927, báo Tiếng Dân ra đời ở Huế. Với phương châm “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói thì cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc”[2, tr.256]. Báo Tiếng dân là tờ báo duy nhất ở Trung Kỳ không phục tùng các mệnh lệnh của Chính phủ bảo hộ. Chủ bút và những người viết cho báo Tiếng Dân đã không chịu khom lưng, quỳ gồi trước chế độ kiểm duyệt gắt gao, trước sự bức bách khôn cùng của chính quyền thực dân để làm bồi bút cho thực dân Pháp và Khâm sứ Trung Kỳ. Ngược lại, với 16 năm tồn tại của mình, báo Tiếng Dân không chỉ cung cấp thông tin cho quân chúng mà còn thay mặt cho quân chúng cất lên tiếng nói thiết thực của người dân trước những áp bức, bóc lột; vạch trần bộ mặt lừa bịp, phản động của thực dân Pháp và bọn yêu nước giả hiệu; khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, cổ vũ nhân dân đứng lên đòi lại quyền lợi của mình. Tiếng Dân còn là tiếng nói của những người yêu nước chân chính, nhiệt thành vẫn một lòng trăn trở cùng vận nước. Hơn hết, báo Tiếng Dân đã khắc họa chân thực chân dung của chính người chủ bút - Huỳnh Thúc Kháng, là hình ảnh của một sĩ phu luôn trọng lẽ phải, luôn đứng về phía nhân dân, dám công khai đứng lên bảo vệ lợi ích của nhân dân.
Chính phủ Liên hiệp kháng chiến ra mắt (Cụ Huỳnh Thúc Kháng hàng đầu bên phải đứng cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh)
|
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng trước vận nước đang “ngàn cân treo sợi tóc”, nhất là trước sự thuyết phục chân thành của Hồ Chủ tịch, Cụ Huỳnh đã vượt qua mặc cảm của tuổi già, sức yếu, mà tận hiến chút sức lực, trí tuệ cuối cùng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quyền Chủ tịch nước khi Hồ Chủ tịch sang thăm nước Pháp, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã vận dụng sáng tạo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” cùng với các thành viên Chính phủ có nhiều đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn độc lập trị an, trấn áp các thế lực phản động, tham gia thảo luận các quyết sách ngoại giao, góp phần giữ vững nền độc lập dân tộc và chính quyền cách mạng còn non trẻ vừa mới ra đời. Trên cương vị là Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân (Hội Liên Việt), Cụ đã ra sức vận động các đảng phái, các tầng lớp nhân sĩ trí thức và nhân dân cùng đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ để thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.
Sau khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Chính phủ cử cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Đặc phái viên đại diện cho Chính phủ đi kinh lý ở các tỉnh miền Trung nhằm giải thích đường lối kháng chiến, kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, ủng hộ cách mạng. Ngày 21/4/1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng mất tại Quảng Ngãi, thọ 71 tuổi.
Cuộc đời và quá trình hoạt động của Cụ Huỳnh Thúc Kháng là cả một quá trình luôn đau đáu cùng vận nước, như lời Hồ Chủ tịch đã viết “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao, vì lòng yêu nước mà trước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội đày ra Côn Đảo, mười mấy năm trường gian nan, cực khổ nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ Huỳnh chẳng những không sờn mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập” [3,tr.123].
Kỷ niệm 145 năm Ngày sinh Cụ Huỳnh Thúc Kháng 01/10 (1876-2021) là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Nam ôn lại cuộc đời và những đóng góp của Cụ Huỳnh với Cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam anh hùng để học tập, noi theo.
Tài liệu tham khảo đã trích dẫn
1. Huỳnh Thúc Kháng, Mấy lời tâm sự, in trong “Huỳnh Thúc Kháng tự truyện”. Nxb. Anh Minh dịch và xuất bản, Huế, năm 1963.
2. Nguyễn Thành, “Lịch sử báo Tiếng Dân”. Nxb. Đà Nẵng, 1992.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5 . Nxb. CTQG, Hà Nội, 1995.