Thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, phong trào đồng khởi của nhân dân miền Nam nói chung, Liên khu 5 nói riêng đã đưa chế độ Ngô Đình Diệm tới chỗ khủng hoảng nghiêm trọng. Hình thức thống trị bằng chính quyền tay sai độc tài phát xít Ngô Đình Diệm bị thất bại, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược, chuyển sang tiến hành “Chiến tranh đặc biệt”.
Trước tình hình đó, ngày 24/01/1961, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định “Thời kỳ tạm ổn định của chế độ Mỹ - Diệm đã qua và thời kỳ khủng hoảng liên tiếp, suy sụp nghiêm trọng đã bắt đầu”. Bộ Chính trị quyết định “đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị”. Vận dụng chủ trương của Trung ương vào tình hình cụ thể của chiến trường Liên khu 5, Liên khu ủy 5 đề ra nhiệm vụ “đối với miền núi đấu tranh vũ trang là chủ yếu, vùng đồng bằng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, vùng đô thị đấu tranh chính trị là chủ yếu”, đồng thời phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ và giải phóng nông thôn đồng bằng, và quyết định tổ chức trọng điểm mũi đồng bằng của Khu gồm 4 huyện là Tam Kỳ, Tiên Phước (Quảng Nam); Bình Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).
Tại Quảng Nam, sau Nghị quyết 15 phong trào cách mạng từng bước phát triển, để thực hiện phương châm đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, giữa năm 1960, tỉnh thành lập được 3 đại đội bộ binh (H21, H30, H36), 1 đại đội đặc công (H29), 1 đại đội quân báo - trinh sát (H32).
Tháng 8/1961, Quân khu chủ trương mở hoạt động mùa đông nhằm mục đích củng cố và mở rộng căn cứ miền núi, đẩy mạnh vũ trang diệt ác, phá lỏng thế kèm kẹp của địch ở đồng bằng. Ở Tiên Phước, được coi là khu vực trọng điểm của Khu, Ban Quân sự tỉnh quyết định sử dụng Đại đội H21, do đồng chí Trần Kim Anh đại đội trưởng chỉ huy thực hành kế hoạch tiến công giải phóng hai xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc. Đây là hai xã vùng giáp ranh phía tây huyện Tiên Phước, tiếp giáp với căn cứ miền núi của ta (từ cuối năm 1959, Liên Khu ủy 5 chuyển từ Bến Hiên lên đứng chân tại Nước Là (còn gọi là Căn cứ Nước Là – Mật khu Đỗ Xá), xã Trà Mai, huyện Trà My, nay là huyện Nam Trà My), là địa bàn quan trọng làm bàn đạp tiến xuống đồng bằng.Với địa thế hiểm trở, núi non trùng điệp bao quanh, rất thuận lợi để lực lượng vũ trang bố phòng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân đánh địch phản kích, làm nơi đứng chân lâu dài; khi tiến công có thể phát triển mở rộng căn cứ xuống Sơn - Cẩm – Hà (gồm các xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà), từ đó tiến xuống đồng bằng các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ; trường hợp khó khăn có thể rút về căn cứ Trà My bảo toàn lực lượng.
Ngày 27/10/1961, Đại đội H21 làm lễ xuất quân tại Nước Oa, huyện Trà My (nay thuộc xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My). Đồng chí Phạm Tứ (Mười Khôi), Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp quán triệt nhiệm vụ và phát động tư tưởng quyết tâm vượt sông Tranh, giải phóng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, làm căn cứ lâu dài cho phong trào cách mạng của tỉnh nhà. “5 giờ sáng ngày 28/10/1961, ta phát hiện rõ mục tiêu, nhanh chóng triển khai thế bao vây, bất ngờ nổ súng tiến công vào cơ quan hội đồng xã Tiên Lãnh. Một trung đội dân vệ, bọn tổng đoàn, hội đồng bị đánh tan, tháo chạy ra Phước Ngọc. Ta đốt cơ quan hội đồng xã, tổ chức lực lượng chiếm giữ thôn 3 và 4, vận động quần chúng tham gia công tác cách mạng” (2). Để tăng cường lực lượng chống địch phản kích giữ vùng giải phóng mới mở ra, tỉnh điều Đại đội H30 và Đại đội H29 từ cánh bắc của tỉnh vào tiếp tục hoàn thành giải phóng xã Tiên Ngọc.
Chiến dịch vượt sông Tranh đánh tan trung đội dân vệ giải phóng 2 xã Tiên Lãnh và Tiên Ngọc, quân ta trụ lại phát động quần chúng xây dựng chính quyền tự quản xã thôn, bố phòng chống địch phản kích lấn chiếm. Với việc ta đã giải phóng thôn Tứ Mỹ và làm chủ xã Kỳ Sanh, nay thêm 2 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc được giải phóng. Tuy đất chưa rộng, người chưa đông nhưng nó có ý nghĩa là ngọn cờ của thời kỳ giải phóng nông thôn đồng bằng trong tỉnh. Chiến dịch vượt sông Tranh giải phóng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng về mặt chính trị và quân sự. Nó thể hiện sự sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trong việc quyết định tổ chức trọng điểm mũi đồng bằng của Khu để phát động quần chúng phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn, đồng bằng, đưa dân về làng cũ, xây dựng làng chiến đấu chống địch trong toàn khu. Từ đây, Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, trở thành căn cứ và thông tuyến hành lang quan trọng ở miền Tây Quảng Nam, nối từ Hiên (nay là huyện Đông Giang và huyện Tây Giang), Giằng (nay là huyện Nam Giang), Phước Sơn, Hiệp Đức qua Tiên Phước, lên Trà My (nay là huyện Nam Trà My và huyện Bắc Trà My), góp phần mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện phát triển xây dựng lực lượng cách mạng, tạo lập vùng đệm quan trọng bảo vệ căn cứ Khu ủy 5 – Căn cứ Nước Là.
Đặc biệt, với việc giải phóng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc là điều kiện hết sức quan trọng để ta xây dựng Căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Quảng Nam, Huyện ủy Tiên Phước và các đơn vị của Tỉnh đội, một số cơ quan, phân xưởng của Quân khu 5 đứng chân lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng. Thực tế là cuối năm 1961, để tạo thuận lợi cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng, cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng được chi tách thành hai bộ phận. Bộ phận cánh Bắc đứng chân tại làng Dụt, thôn Tống Cói, huyện Đông Giang (nay thuộc xã Ba, huyện Đông Giang). Bộ phận cánh Nam đứng chân tại núi Tốt, thôn 5, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, sau chuyển về thôn 8, xã Tiên Lãnh. Từ cuối năm 1962, cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng chuyền về đứng tại Nà Cau, xã Tiên Lãnh. Tại Nà Cau cuối năm 1962, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm hoạt động mở ra làm chủ nông thôn. Qua kiểm điểm tình hình, Hội nghị rút ra bài học thực tiễn là “phải phát động cho được quần chúng tại chỗ nổi dậy giành quyền làm chủ và hợp pháp đấu tranh với địch bằng phương châm đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị thì mới đảm bảo thắng lợi và duy trì được thành quả. Hội nghị phê phán khuyết điểm vừa qua mới chủ yếu dùng lực lượng vũ trang và đội công tác từ bên ngoài vào giải phóng. Hội nghị chủ trương tiếp tục phát động quần chúng tại chỗ nổi dậy phá ấp chiến lược, diệt tề giành quyền làm chủ và giải phóng toàn bộ nông thôn, xây dựng làng chiến đấu chống địch bằng 3 mũi giáp công, giữ thế hợp pháp cho quần chúng”(3). Tại hội nghị, Chấp hành Nghị quyết của Khu uỷ 5, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng cuối năm 1962, quyết định chia Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai tỉnh mới: Quảng Nam và Quảng Đà để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo chiến tranh trong tình hình mới.
Từ đó, Tiên Ngọc, Tiên Lãnh, Tiên Sơn và các địa phương khác huyện Tiên Phước trở thành căn cứ - nơi đứng chan an toàn của Tỉnh ủy Quảng Nam trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt, tại thôn 1, xã Tiên Sơn, từ ngày 10 đến ngày 20/3/1973, Đảng bộ Quảng Nam tiến hành Đại hội lần thứ X. Đây là Đại hội cuối cùng trong kháng chiến chống Mỹ, đề ra phương hướng, nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần giải phóng hoàn toàn quê hương ngày 24/3/1975.
-------------------------------------------------------
1. Sau ngày quê hương giải phóng, một phần thôn Tứ Mỹ nhập về xã Tam Mỹ Tây đổi thành thôn Tú Mỹ; một phần nhập về xã Tam Trà và được chia thành thôn 7, 8 thuộc xã Tam Trà ngày nay.
2. Thời gian giải phóng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc còn có ý kiến khác nhau. Thời gian trên ghi theo: Lịch sử lực lượng vũ tranh Nhân dân tỉnh Quảng Nam, tập II, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975,Nxb QĐND, Hà Nội, 2003, trang 70.
3. Theo: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng 1930-1975, Nxb CTQG, Hà Nội xuất bản năm 2006, trang 431, 432.