Ngày 05-1-1960, phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:
“Ðảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao,
Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình.
Ðảng ta là đạo đức, là văn minh,
Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no.
Công ơn Ðảng thật là to,
Ba mươi năm Lịch sử Ðảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”.
Với ý nghĩa đó, ngày 24-01-1962, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 41-NQ/TW thành lập Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương (nay là Viện Lịch sử Đảng) với một số nhiệm vụ: sưu tầm, xác minh, lưu trữ và bảo quản tài liệu; nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; đồng thời “hướng dẫn và giúp đỡ các đảng bộ địa phương trong việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử của đảng bộ địa phương…”. Tiếp đó ngày 28-9-1962, Ban Bí thư ra Thông tri 91-TT/TW về việc thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng ở các khu, thành, tỉnh miền Bắc và Thông tri số 164-TT/TW ngày 30-7-1965 về nhiệm vụ và quyền hạn của các ban nghiên cứu Lịch sử Đảng địa phương miền Nam. Đến nay, ngày 24-01 hàng năm được lấy làm Ngày truyền thống Ngành lich sử Đảng.
Với Quảng Nam, sắp tới chúng ta tự hào, phấn khởi kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh 28/3(1930-2022) - một trong những Đảng bộ ra đời sớm nhất trong cả nước.
Nhận thức về tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng, ngay sau khi mới tái lập tỉnh (1/1/1997), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đề về công tác lịch sử Đảng. Tiêu biểu là Thông tri số số 11-TT/TU, ngày 29-7-2002 “Về sưu tầm, hệ thống và sử dụng những tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Để đẩy mạnh công tác sưu tầm, hệ thống và sử dụng những tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng trên địa bàn tỉnh, để thay thế Thông tri 11-TT/TU, ngày 20-5-2009, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định bàn hành Chỉ thị số 54-CT/TU về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, hệ thống và sử dụng tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng”.
Có thể khẳng định Thông tri số 11-TT/TU, sau này là Chỉ thị số 54-CT/TU là một chủ trương nhạy bén, sáng tạo và hết sức kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam. Chủ trương đó được các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh hưởng ứng rất tích cực, có thể kể đến những địa phương, đơn vị như Núi Thành, Tam Kỳ, Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Báo Quảng Nam, Đài PT-TH tỉnh Quảng Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, Hội Tù yêu nước tỉnh Quảng Nam….
Sau một thời gian triển khai thực hiện từ năm 2002 đến cuối năm 2014 (từ năm 2015 Chỉ thị 54 được chuyển thành nhiệm vụ thường xuyên của công tác lịch sử Đảng), một số lượng đồ sộ các công trình lịch sử, văn học về đề tài chiến tranh các mạng được xuất bản, phát hành, có thể kể đến như: Đất của máu và lửa, Truyền thuyết sông Thu Bồn, Mười Chấp và một thời, Đỉnh máu, Thượng Đức, Máu và tội ác, Lửa Núi Thành (3 tập); Đại Lộc – Một thời để nhớ (02 tập); Căn cứ Nước Là - Mật khu Đỗ Xá, Kiên trung bất khuất (11 tập), Cát đỏ, Ám ảnh vùng đông... tổ chức nhiều hội thảo khoa học về: Chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước, Chiến thắng Tiên Phước - Phước Lâm, Chiến thắng Núi Thành, Giải phóng Tứ Mỹ - Kỳ Sanh, Căn cứ Liên khu ủy 5 tại Nước Là, Bến Hiên - Bến Giằng; nhiều bộ phim tư liệu được sản xuất như: Chiến thắng Núi Thành, Chiến thắng Khâm Đức, Căn cứ Khu ủy 5, Chiến dịch Vượt sông Tiên, Chiến thắng Cấm Dơi… Đặc biệt, rất nhiều nhân chứng, nhà báo, nhà văn trong và ngoài tỉnh đã có nhiều bài viết hấp dẫn, sinh động được giới thiệu trên Báo Quảng Nam, trên Tạp chí Đất Quảng… qua đó, giúp người đọc không trực tiếp sống, chiến đấu tại vùng đất Quảng Nam và các thế hệ mai sau hiểu biết thêm phần nào truyền thống “đánh giặc, giữ làng”, “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Dốc Quảng Nam gan Cộng sản”, “Qua trao thì ghé Bến Giằng/ Phải chăng Đất Quảng anh hùng là đây”… của quân dân Quảng Nam, của quân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng gian lao mà anh dũng.
Một số ấn phẩm Chỉ thị 54 đã đưa lên Thư viện ấn phẩm
|
Ngoài nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm phát huy giá trị các tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng, cụ thể từ năm 2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu xây dựng Thư viện ấn phẩm trên Cổng thông tin Đảng bộ tỉnh (http://thuvienanpham.quangnam.gov.vn/). Qua đó, đã đăng tải hàng trăm ấn phẩm, công trình lịch sử Đảng bộ tỉnh, huyện, thị xã, thành phố; lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể, địa phương; các công trình nghiên cứu trên lĩnh vực văn hóa… nhằm thông tin, tuyên truyền, phổ biến, cung cấp nguồn tài liệu tham khảo phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh và quý độc giả gần xa.
Có thể khẳng định rằng trong 25 năm kể từ khi tái lập tỉnh (1997-2022), nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW, rồi Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” nói chung, việc triển khai thực hiện, Chỉ thị 54-CT/TU, ngày 20-5-2009, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, hệ thống và sử dụng tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng” đã đạt được kết quả hết sức to lớn và đáng tự hào. Nhiều công trình lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống các ngành, đoàn thể; nhiều công trình, ấn phẩm, tác phẩm văn học, nhiều bộ phim tư liệu về đề tài chiến tranh cách mạng được xuất bản, phát hành, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của vùng đất và con người Xứ Quảng.
Tuy nhiên, nhìn lại chúng ta thấy rằng, những tư liệu quý, những tác phẩm văn học từ đề tài chiến tranh cách mạng được sáng tác chưa nhiều, chưa tương xứng với bề dày truyền thống của vùng đất văn hóa, lịch sử đấu tranh cách mạng của Quảng Nam; một số công trình lịch sử Đảng bộ nói chung, các công trình, ấn phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng sau khi được nghiên cứu, biên soạn và xuất bản chưa thật sự được phát huy trong đời sống; nhiều địa phương, đơn vị sau khi biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng thì coi như hoàn thành nhiệm vụ và chưa chú trọng đến việc sưu tầm tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng; việc đầu tư kinh phí, con người còn hạn chế…
Để chủ trương “sưu tầm, khai thác, sử dụng những tư liệu quý về chiến tranh cách mạng” trở thành công việc thường xuyên có hiệu quả, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy “Pho lịch sử bằng vàng” của Đảng bộ, quân và Nhân dân Quảng Nam, trong thời gian đến, Ban Tuyên giáo các cấp cần chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền tiếp tục triển khai công tác sưu tầm tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng để làm giàu kho tư liệu, phục vụ tốt hơn công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng....