Duyệt binh tại Lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam (24.3.2010)
|
1. Đón thời cơ chiến lược…
Đầu năm 1975, thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu then chốt mở màn cho chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Trên địa bàn Khu 5, Khu ủy, Quân khu ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt địch ở hai chi khu quận lỵ Tiên Phước - Phước Lâm để phối hợp hoạt động tiến công với Mặt trận Tây Nguyên, đồng thời tạo bàn đạp để tấn công Tỉnh đường Quảng Tín từ hướng Tây Nam.
Đầu tháng 02-1975, Tỉnh ủy Quảng Nam họp tại thôn 1 xã Phước Sơn (nay là xã Tiên Sơn), huyện Tiên Phước để tập trung đánh giá tình hình, xây dựng phương án thực hiện chiến dịch Xuân 1975, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết, xác định nhiệm vụ cho toàn Đảng bộ: “Động viên sự nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng bộ, của lực lượng vũ trang, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh với quân chủ lực quân khu thực hiện mục tiêu tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phá hủy phương tiện chiến tranh, giải phóng quận lỵ Tiên Phước - Phước Lâm và các xã vùng Đông và Tây Thăng Bình, Bắc Tam Kỳ tạo thế bao vây tỉnh lỵ Quảng Tín…”.
Để thực hiện kế hoạch trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã thành lập bộ phận chỉ đạo tiền phương do đồng chí Hoàng Minh Thắng - Bí thư Tỉnh ủy phụ trách và các đồng chí Nguyễn Thành, Lê Hải Lý, Trần Anh Vũ, Nguyễn Thành Năm cùng một số cán bộ các ban, ngành tham gia. Bộ phận đi cùng quân chủ lực quân khu ở hướng trọng điểm do đồng chí Võ Quỳnh (Vũ Văn Đoàn) - Phó Bí thư phụ trách, bộ phận thường trực do đồng chí Đỗ Thế Chấp - Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Đức Bốn chỉ đạo. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thành lập Bộ Tư lệnh tiền phương do đồng chí Nguyễn Chánh (Bình) - Phó Tư lệnh Quân khu làm Tư lệnh tiền phương, đồng chí Đoàn Khuê làm Chính ủy.
Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Tỉnh đội đề nghị Ban Thường vụ Khu ủy thành lập Đảng ủy vùng Đông do đồng chí Nguyễn Thành - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư cùng các đồng chí Trần Anh Vũ - Chính trị viên phó Tỉnh đội, Nguyễn Thành Năm - Tham mưu trưởng Tỉnh đội, Phạm Thị Sơn - Phó Trưởng Ban đấu tranh chính trị tỉnh, Phan Thanh Toán - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình trực tiếp chỉ đạo tấn công nổi dậy giải phóng vùng Đông Thăng Bình và Bắc Tam Kỳ.
Để phục vụ chiến dịch, Tỉnh ủy đã huy động hàng trăm dân công phối hợp với Trung đoàn Công binh 803 Quân khu tập trung lực lượng sửa chữa, làm mới tuyến đường từ An Tráng qua Phước Hà, Phước Cẩm lên điểm cao 288 (Núi Vú Em), một tuyến từ Núi Ngang qua Phước Sơn đến Chà Vu và nhiều tuyến đường ngắn để kịp thời chuyển quân, vũ khí, đạn dược. Đến cuối tháng 02-1975, các lực lượng đã chuyển đến các khu chiến 179 tấn đạn, hơn 136 tấn lương thực. Để đánh lạc hướng phán đoán của địch, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 sử dụng lực lượng đứng chân tại Quảng Đà bí mật tập kích kho đạn Sũng Mây và bãi xe cơ giới Xuân Thiều. Đại đội công binh Hải Vân đánh sập một số cầu cống trên địa bàn Hòa Vang. Trên mặt trận Thượng Đức, lực lượng Sư đoàn 304 đánh thiệt hại nặng 01 tiểu đoàn của Sư đoàn 3 ngụy. Ở hướng Quảng Ngãi, ta liên tiếp chặn đánh địch phản kích, gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Đến 04 giờ 30 phút ngày 10-3-1975, trận đánh bắt đầu, các cứ điểm vòng ngoài chi khu quận lỵ Tiên Phước- Phước Lâm bị quân ta tiêu diệt. Trước sức tấn công như vũ bão của Sư đoàn 2, Lữ đoàn 52 cùng các đơn vị phối thuộc, đến 16 giờ, quân ta đã san bằng chi khu quân sự Tiên Phước - Phước Lâm. Chiến thắng Tiên Phước- Phước Lâm đã đập tan tuyến phòng thủ phía Tây Nam tỉnh Quảng Tín, tạo bàn đạp để quân ta tiến xuống giải phóng giải phóng thị xã Tam Kỳ - trung tâm đầu não của ngụy quyền Quảng Tín.
2. Tiến lên giải phóng quê hương
Mất Tiên Phước - Phước Lâm, địch hoảng hốt điều Liên đoàn biệt động 12 và Trung đoàn 5 Sư đoàn 2 phản kích nhằm ngăn chặn ta tiến công về đồng bằng, nhưng đã bị ta chặn đánh tan rã tại Kỳ Ngọc, Kỳ Long. Địch vội vã điều Trung đoàn 4 từ Quảng Ngãi ra cùng Liên đoàn biệt động 12 lập phòng tuyến bảo vệ thị xã Tam Kỳ. Trong 7 ngày đêm chiến đấu, trên hướng trọng điểm Tiên Phước -Phước Lâm, ta đã làm chủ khu vực rộng lớn, giải phóng 21.000 dân, tiêu diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch.
Trên hướng trọng điểm Đông Thăng Bình - Bắc Tam Kỳ, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định chọn xã Bình Hải làm điểm khởi đầu cho cuộc nổi dậy giải phóng vùng Đông Thăng Bình. Từ ngày 12-3-1975, Tiểu đoàn 70, 72, 74 bộ đội tỉnh nhận lệnh hành quân theo đường dây của huyện Thăng Bình đánh chiếm các xã vùng Đông Thăng Bình. Tối ngày 16 rạng ngày 17-3, Tiểu đoàn 70 tấn công san bằng đồn Chợ Được (Bình Triều), đánh chiếm trụ sở Hội đồng xã Bình Đào, giải phóng toàn bộ khu vực Chợ Được giáp với Bình Sa, Bình Phục. Từ ngày 18 đến ngày 22- 3- 1975, lực lượng vũ trang tỉnh và đội công tác các xã Bắc Tam Kỳ xuất kích tiến về vùng Đông hỗ trợ quần chúng nổi dậy diệt ác, phà kìm, đánh địch phản kích ở Bình Nam, Bình Giang, Bình Triều, Bình Dương (Thăng Bình), Kỳ Anh (Bắc Tam Kỳ) mở rộng vùng giải phóng.
Nhận thấy thời cơ giải phóng thị xã Tam Kỳ đã đến gần, Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định đưa toàn bộ lực lượng của tỉnh và huyện phát triển về phía Nam, áp sát thị xã Tam Kỳ. Ngày 21-3, bộ phận tiền phương của tỉnh chuyển về phía Đông thị xã Tam Kỳ. Từ ngày 21 đến ngày 23-3, quân ta quét sạch các chốt điểm của địch trên địa bàn các xã Kỳ Anh, Kỳ Phú, truy bức đồn Mụ Đợi (Kỳ Trung). Đến chiều ngày 23-3-1975, ta đã giải phóng hoàn toàn 3 xã vùng Đông, thị xã Tam Kỳ - Tỉnh lỵ Quảng Tín đã nằm gọn trong vòng vây của quân ta. Đến sáng ngày 24-3-1975, cả thị xã Tam Kỳ chìm trong một bầu không khí đặc quánh đến nghẹt thở. Tên Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Đào Mộng Xuân nhận mệnh lệnh “Tử thủ Tam Kỳ” từ tướng Ngô Quang Trưởng nhưng bất tuân thượng lệnh, vội vã lên máy bay chuồn thẳng về Đà Nẵng.
Thời khắc lịch sử đã điểm, Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia) của Sư đoàn 2 anh hùng do Trung đoàn trưởng Phạm Xưởng chỉ huy chia làm 02 cánh quân tiến vào thị xã Tam Kỳ. Cánh thứ nhất qua Kỳ Bích, Kỳ Hưng đánh chiếm đầu cầu Tam Kỳ, tiến theo Quốc lộ. Cánh thứ hai đánh qua sân bay Ngọc Bích, vượt ngã tư đường sắt tiến xuống trung tâm thị xã. Ở phía Bắc, Trung đoàn 38 đánh chiếm Cẩm Khê, Quán Rường ra Tuần Dưỡng (Thăng Bình).
Ở hướng thứ nhất, một mũi tiến công của Trung đoàn 1 có xe tăng dẫn đường thọc sâu xuống Quốc lộ, chiếm giữ đầu cầu Tam Kỳ, đánh vào trung tâm huấn luyện Tam Kỳ. Ở hướng thứ hai, ta tấn công quyết liệt sân bay Ngọc Bích, địch dựa vào công sự và xe bọc thép ngoan cố chống cự, chỉ đến khi thấy xe tăng ta xuất hiện địch mới hoảng loạn tháo chạy. Chỉ sau hơn hai giờ chiến đấu, ta tiêu diệt Trung đoàn 4 của Sư đoàn 2 ngụy, hoàn toàn làm chủ khu vực phía Tây thị xã. Ở hướng Cẩm Khê, Cốc Rạng, ta tiêu diệt Liên đội biệt động 12 của ngụy. Cùng lúc đó, Trung đoàn 31 đã làm chủ hoàn toàn khu vực phía Tây tỉnh đường và cầu Kỳ Ký. Ở phía Đông, Tiểu đoàn 70 và 72 vượt cầu Kỳ Phú đánh lên hướng tỉnh đường Quảng Tín. Các gọng kìm của Quân giải phóng đã khép chặt, sự tồn tại của quân địch ở tỉnh đường Quảng Tín chỉ còn được tính bằng giờ.
Các chiến sĩ Quân giải phóng nói chuyện với Nhân dân Tam Kỳ trên đường giải phóng thị xã Tam Kỳ
|
Sáng ngày 24-3-1975, các cánh quân tiến vào thị xã Tam Kỳ trong khí thế quyết chiến quyết thắng. Đúng 10 giờ 30 phút sáng ngày 24-3-1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên nóc nhà Tỉnh đường Quảng Tín. Tam Kỳ trở thành Tỉnh lỵ đầu tiên trên dãi đất duyên hải miền Trung được giải phóng. Đã không có một “cuộc tắm máu” như bọn tâm lý chiến của địch tuyên truyền, chỉ có nụ cười của người chiến thắng, đánh dấu một thời khắc lịch sử hào hùng của Đảng bộ và Nhân dân thị xã Tam Kỳ. Các cơ quan của Thị ủy lần lượt tiến vào tiếp quản thị xã. Các đội công tác chiếm lĩnh các mục tiêu, cùng với các đội du kích B tiếp tục truy bắt tù binh, thu vũ khí, làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự. Các chiến sĩ cách mạng bị kẻ thù giam giữ ở nhà lao Quảng Tín được giải thoát. Thị xã tràn ngập cờ và hoa, chào mừng đoàn quân chiến thắng tiến vào thị xã.
Trong các ngày từ 24 đến 26-3, lực lượng quân khu và tỉnh Quảng Nam tiếp tục truy kích địch tháo chạy, đánh chiếm quận lỵ Lý Tín, căn cứ Chu Lai, Tuần Dưỡng, quận lỵ Hà Lam, Thăng Bình, Quế Sơn. Ngày 26-3-1975, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã hoàn toàn giải phóng.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Nam đã đập tan cơ quan đầu não của ngụy quyền Quảng Tín, quét sạch các chốt điểm của địch trên một địa bàn chiến lược quan trọng, tạo nên thế gọng kìm bao vây và cô lập căn cứ Đà Nẵng, tạo thế và lực cho quân và dân ta giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam trong mùa xuân lịch sử năm 1975.
Sự kiện giải phóng tỉnh Quảng Nam vào ngày 24-3-1975 trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Quảng Nam, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi hoàn toàn trên quê hương đất Quảng. Thắng lợi lịch sử ấy là thành quả của quá trình đấu tranh cách mạng kiên cường, là thắng lợi của tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí sáng tạo, hi sinh quên mình của quân và dân xứ Quảng với sự lãnh đạo kịp thời, thường xuyên của Trung ương và sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.
Sau mùa xuân lịch sử ấy, 47 năm qua, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến để xây dựng quê hương; truyền thống “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” được phát huy cao độ, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà, đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, diện mạo thành thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; đáng tự hào là, Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, nghèo nhất nước, sau 25 năm tái lập tỉnh (1997), nay đã vươn lên thành tỉnh phát triển khá trong khu vực, có đóng góp cho ngân sách Trung ương (từ năm 2017); tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá hiện hành) gấp hơn 40 lần; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) gấp 36 lần; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh gấp gần 197 lần so với khi mới tái lập tỉnh; vị thế của tỉnh ngày càng tăng lên...Trong những năm đến với nhiệm vụ hết sức to lớn và nặng nề, đó là phải hiện thực hóa mục tiêu “Phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”, do Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII đề ra, đòi hỏi Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà phát huy thành tựu đạt được trong 47 năm qua, khơi dậy khát vọng, quyết tâm thực hiện cho bằng được mục tiêu đề ra để Quảng Nam giàu đẹp./.
------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Tỉnh ủy Quảng Nam - Thành ủy Đà Nẵng, Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng (1930-1975), Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006.
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Nam (1945-1975),Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003.
- Thành ủy Tam Kỳ, Lịch sử Đảng bộ thành phố Tam Kỳ (1954-1975), xuất bản năm 2012.