Hình trang bìa tập sách
|
Với thiết kế nhỏ gọn, khá bắt mắt, bao quát hình bìa tập sách là di tích cách mạng Ao Lầy; tất cả được kết hợp hài hòa trên một tông màu chủ đạo là màu đỏ- màu tượng trưng cho máu và lửa. Hình thức thể hiện bao quát về chủ đề, ý nghĩa, nội dung tập sách.
Tập sách gồm 159 trang. Nội dung tái hiện khá đầy đủ, toàn diện, khách quan về địa danh Ao Lầy trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cách tỉnh lỵ Quảng Tín hơn 5km theo đường chim bay, Ao Lầy là địa bàn kết nối với vùng đông và các căn cứ phía tây của Tỉnh ủy và Khu ủy. Là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm thuốc men cho các vùng căn cứ của ta và là nơi đứng chân của các lực lượng vũ trang để thọc sâu đánh vào tỉnh lỵ Quảng Tín.
Giai đoạn từ 1964-1969, nơi đây trở vùng tranh chấp rất ác liệt giữa ta và địch. Quân và dân ta đã dựa vào địa hình của Ao Lầy để trụ bám phát huy lối đánh du kích trong thời gian dài. Tại đây, ta đã đào hệ thống giao thông hào, hầm bí mật, địa đạo ăn thông với nhau, tạo ra hệ thống chiến đấu liên hoàn, phục vụ tối đa cho các đợt tập kích địch của quân và dân ta tại Ao Lầy - Kỳ Thịnh. Nhiều chiến công tiêu biểu như: trận đánh đồn Chồi Sủng tháng 6 năm 1967, đồn Gò Ví, đồi ông Quy năm 1972... đã đi vào trang sử hào hùng của quê hương Phú Ninh như một minh chứng hào hùng về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của quân và dân ta. Chỉ tính riêng trong năm 1972, du kích xã Kỳ Thịnh đã đánh 54 trận lớn nhỏ, loại hàng trăm tên địch, thu nhiều quân trang, quân dụng.
Nhằm ghi lại những chiến công vẻ vang, tri ân những người con đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; qua đó, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, lòng tự hào về quê hương, đất nước trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Ninh xin trân trọng giới thiệu tập sách “Ao Lầy, Kỳ Thịnh- Ký ức không quên” đến với toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong và ngoài huyện.