Để phát huy vai trò của biển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tại Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá X đã thông qua Nghị quyết “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” ( Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007). Nghị quyết đã xác định các quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 như sau:
Thứ Nhất, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.
Thứ Hai, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Thứ Ba, khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Nghị quyết đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh. Đồng thời, đề ra mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước. Cùng với xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển; xây dựng cơ quan quản lý tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết đã xác định một số nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội; chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát triển khoa học - công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển đến năm 2020.
Quảng Nam là một tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về biển với bờ biển dài 125 km, ngư trường trên 40.000 km2. Vì vậy, sau khi tiếp nhận Nghị quyết Trung ương 4, khóa X, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dưng Chương trình hành động và ban hành nhiều đề án thiết thực để góp phần thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam.
Vừa qua, ngày 15-11-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị chuyên đề đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đên năm 2020. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trogn 5 năm qua, Quảng Nam đã triển khai thực hiện tốt các đề án: Hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá xa bờ; Đề án Quản lý nuôi, trồng thủy sản nước lợ theo hướng dựa vào cộng đồng; Đề án Xây dựng vùng nuôi, trồng thủy sản tập trung an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm; thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam... Cùng với sự hỗ trợ bằng nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân yên tâm sản xuất. Song song đó, tổ chức thành lập các tổ đoàn kết khai thác hải sản xa bờ; đầu tư trang thiết bị thông tin liên lạc cho các tàu cá...Song song với công tác hỗ trợ sản xuất, hằng năm, tỉnh triển khai tốt công tác phòng, chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển. Đồng thời lãnh đạo chỉ đạo thực hiện các dư án hợp tác quốc tế như Dự án xây dựng Khu bảo tồn biển và Khu dự trữ sinh quyền Cù Lao Chàm, Dự án quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh ...Tỉnh cũng đã quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ven biển, trong đó Khu kinh tế mở Chu Lai được xác định là một trong những khu kinh tế ven biển của cả nước; quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng và tạo môi trường thu hút đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng ven biển. Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sỹ- Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ trì Hội nghị đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục tập trung thực hiện từ nay đến năm 2020 để phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh vùng biển của tỉnh; trong đó, tập trung phát triển kinh tế-xã hội theo 2 vùng phía Bắc và phía Nam của tỉnh, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp ven biển và Khu kinh tế mở Chu Lai, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm chủ quyền biển đảo...