Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Quảng Nam học tập và làm theo Bác

Ngày đăng: 15:38 | 18/05/2025 Lượt xem: 74

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm đối với các bậc chí sĩ, cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân cả nước nói chung và Nhân dân Quảng Nam nói riêng. Đáp lại tình cảm của Người, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Quảng Nam luôn một lòng theo Đảng, theo con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn. Đặc biệt, luôn luôn học tập, noi gương Người để góp phần cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quảng Nam học thư Bác
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, để kịp thời cổ vũ, động viên phong trào cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước nói chung, trong đó có Đảng bộ, quân và Nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ngày 19/4/1946, tại Pleiku, Xứ ủy Trung Kỳ tổ chức Đại hội đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên và dân tộc miền núi các tỉnh Nam Trung bộ. Đại hội vinh dự được đón bức thư của Hồ Chủ tịch. Trong thư Bác viết: “... Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Giarai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Giang sơn và Chính phủ là giang sơn Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả các dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta... Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ quyền tự do, độc lập của chúng ta”.
Sau đại hội, bức thư của Bác Hồ được in để gửi cho đồng bào các dân tộc và được coi như một lời hịch thiêng liêng, khắc sâu vào trong lòng mọi người dân. Ở Bến Giằng (nay là huyện Nam Giang), thư của Hồ Chủ tịch được Phòng Liên lạc thiểu số Quốc dân tỉnh in gửi mỗi làng một bản và được phiên âm ra tiếng dân tộc thiểu số. Đoàn cán bộ xuống từng xã, từng làng mở hội học tập thư Bác và trao tặng mỗi làng một ảnh chân dung Hồ Chủ tịch cùng lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho chính quyền cách mạng. Có những bức ảnh Bác Hồ được đồng bào cất giữ cẩn thận ở những nơi trang trọng nhất trong Gươl.
Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra ngày càng quyết liệt, trong cán bộ, đảng viên xuất hiện biểu hiện bè phái, hẹp hòi. Ngày 01/3/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho “các đồng chí Trung Bộ”. Người chỉ rõ trách nhiệm của mỗi đảng viên cộng sản là phải đem hết tinh thần và sức lực ra phụng sự Tổ quốc. Người khuyên mỗi đảng viên phải tẩy sạch những khuyết điểm: địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, cô độc, hẹp hòi, ham chuộng hình thức, ích kỷ, kiêu ngạo.
Người viết: “Vẫn biết các đồng chí Trung Bộ nói chung thì có nhiều ưu điểm như: nhẫn nại, chịu khó, kiên quyết, tháo vát, nhiều sáng kiến. Đó là những tính rất quý báu. Nó làm căn bản cho những tính tốt khác phát triển. Nhưng trong thời kỳ khó khăn nặng nề này, chỉ có những ưu điểm ấy thôi cũng chưa đủ. Các đồng chí cần đem căn bản tốt đó mà kiên quyết khắc phục cho những khuyết điểm vừa kể trên thì chúng ta mới chắc đi đến hoàn toàn thắng lợi...”.
Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng đã tổ chức sinh hoạt, học tập thư Bác Hồ và tổ chức kiểm thảo đảng viên trong toàn đảng bộ để nâng cao nhận thức, khắc phục tư tưởng dao động, sợ gian khổ hy sinh, tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng. Qua kiểm thảo, Đảng bộ xử lý 40 đảng viên không thi hành nghị quyết, bỏ nhiệm vụ và 150 đảng viên mắc những sai lầm khác. Đồng thời từ tháng 8 – 12/1947, Đảng bộ kết nạp 508 đảng viên, đưa tổng số đảng viên trong toàn đảng bộ lên 2.598 đảng viên. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong các ngành, các cấp ngày càng được tăng cường.
Hưởng ứng phong trào bình dân học vụ của Chính phủ, cụ Nguyễn Ban, quê xã An Tường, huyện Thăng Bình (nay thuộc xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức), mặc dù đã 77 tuổi, nhưng chỉ trong 3 tháng học xong chữ Quốc ngữ. Cụ trở thành tấm gương tiêu biểu của phong trào. Biết tin, tháng 8/1949, từ chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng, trong thư có đoạn: “Cụ gửi thư cho tôi biết rằng cụ đã học xong chữ Quốc ngữ. Đọc bức thư cụ, tôi rất lấy làm vui sướng, cụ đã 77 tuổi mà còn gắng học trong 3 tháng đã được thành công như vậy là cụ chẳng những làm kiểu mẫu siêng năng cho con cháu mà lại còn tỏ cái ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam. Noi gương cụ, con cháu cụ, đồng bào Việt Nam từ 7 tuổi đến 70 tuổi ai mà nỡ lòng làm biếng, ai mà chẳng cố gắng học hành. Đời xưa bên Trung Quốc có ông Tô Lão Tuyền 72 tuổi mới bắt đầu học, tiếng thơm còn để đến ngày nay. Bây giờ ở nước Việt Nam ta cụ 77 tuổi mới đi học, chắc tiếng thơm sẽ lan truyền khắp cả nước. Cụ thật xứng đáng bốn chữ “lão dương ích tráng”. Cụ là một tượng trưng phúc đức của nước nhà. Đó là một thành công to lớn và ý nghĩa sâu xa…
Kính chúc cụ luôn luôn mạnh khỏe”.
Bức thư của Bác Hồ là nguồn động viên rất lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng, từ đó tiếp tục cổ vũ, động viên Đảng bộ, quân và dân xứ Quảng trong công cuộc “trường kỳ kháng chiến” chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày 12/02/1950, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh Tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực của toàn dân, phục vụ kháng chiến, chuẩn bị tổng phản công. Trong 6 tháng đầu năm 1950, nhân dân Đà Nẵng góp 4 triệu đồng. Đến tháng 10/1951 Quảng Nam đã góp 5.000 mẫu ruộng và tiền, lúa, gạo, kể cả trâu, bò (từ 1950 đến 3/1952, Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách thành 2 đơn vị hành chính). Quỹ tổng động viên góp phần quan trọng vào việc giải quyết các nhu cầu chi tiêu to lớn của kháng chiến đặt ra lúc bấy giờ. Tuy nhiên, do nôn nóng, không giải thích đầy đủ cho nhân dân hiểu chủ trương của Đảng, nhiều nơi ở Trung Bộ huy động mức đóng góp của dân quá lớn, trong khi đó địch ngày càng đánh phá, ta không thực hiện được tổng phản công, gây nhiều thắc mắc trong tư tưởng cán bộ và nhân dân.
Biết tin, tháng 6.1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và cán bộ phê bình sai lầm về việc thực hiện tổng động viên. Trung ương chỉ thị cho các cấp ủy đảng tổ chức học thư Bác, tiến hành tự phê bình sửa chữa khuyết điểm. Căn cứ chủ trương của Trung ương và Liên Khu ủy 5, Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng tổ chức học tập, sinh hoạt chính trị từ trong cấp ủy đến cán bộ, đảng viên các cấp, ngành, giải thích lại khẩu hiệu “Tích cực cầm cự, chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”, quán triệt đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh. Qua học tập, cán bộ các cấp nhận thấy những sai lầm về nhận thức tổng phản công, nóng vội, không thấy khó khăn, không đánh giá đúng tình hình... Nhờ đó, tư tưởng nóng vội tổng phản công được khắc phục từng bước.
Sang các năm 1951 - 1952 hết hạn hán đến bão lũ gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của nhân dân, nhất là vùng dọc triền sông Thu Bồn của huyện Duy Xuyên và Đại Lộc. Thêm vào đó, thực dân Pháp ra sức bao vây, càn quét, cướp bóc lúa và hoa màu, đốt phá công cụ, phong tỏa nhiều tuyến đường khiến tình hình kinh tế càng khó khăn, dẫn đến nạn đói ở Quảng Nam vào đầu năm 1952. Nghe tin Quảng Nam bị đói, Bác Hồ đã chuyển vào hỗ trợ 500 tấn gạo, Liên Khu ủy 5 cấp 400 tấn lúa để cứu đói cho dân. Tiếp theo, tỉnh cấp thêm 270 tấn lúa và hơn 500 triệu đồng cho những vùng đói trầm trọng. Từ đó đã góp phần đẩy lùi nạn đói trên cả tỉnh, đồng bào các dân tộc Quảng Nam lại ra sức thi đua đóng góp sức người, sức của cho giai đoạn tổng phản công đánh bại thực dân Pháp xâm lược.
Quảng Nam thực hiện Di chúc Bác Hồ
Năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi vào giai đoạn quyết liệt và cam go, ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Đây là một tổn thất vô cùng to lớn đối với dân tộc ta. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà vô cùng đau xót. Dịp này, Đặc khu Quảng Đà và Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Bác” nhằm quán triệt và xây dựng lòng quyết tâm vượt qua mọi trở lực chông gai, quyết chiến đấu và thắng địch.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Quảng Nam, Quảng Đà đã nêu cao tinh thần quyết chiến đấu và quyết chiến thắng quân xâm lược và bọn tay sai với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Khí phách Quảng Nam toả sáng trên mảnh đất kiên trung, với chiến thắng mang ý nghĩa lịch sử to lớn là giải phóng tỉnh Quảng Nam ngày 24/3/1975 và TP.Đà Nẵng ngày 29/3/1975, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa xuân 1975 - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hoàn thành việc thực hiện Di chúc của Người “Quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”, quê hương được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã triển khai các phong trào hành động cách mạng nhằm thực hiện ước nguyện của Người lúc sinh thời là “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Công trình thủy lợi Phú Ninh được xây dựng và hoàn thành trong giai đoạn (1977-1986) là minh chứng rõ nhất cho một cuộc vận động sức người, sức của lớn chưa từng có của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh sau ngày quê hương giải phóng. Công trình có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khẳng định tinh thần thừa thắng xông lên quyết tâm xây dựng đời sống mới của quân và dân Quảng Nam – Đà Nẵng, khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Từ ngày 1/1/1997, tỉnh Quảng Nam được tái lập. Khắc ghi lời Bác: “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ toàn thắng”, đồng thời, tiếp tục phát huy truyền thống quê hương “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, với ý chí và quyết tâm không chịu khuất phục trước khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam đã phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết một lòng, phấn đấu vươn lên viết tiếp trang sử hào hùng, vẻ vang của quê hương đất Quảng. Sau hơn 27 năm tái lập tỉnh Quảng Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên hình ảnh, diện mạo và vị thế của một Quảng Nam chủ động sáng tạo trong tư duy; đúng đắn, quyết liệt trong hành động...
Dấu ấn nổi bật đó là sự bức phá rất nhanh về kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông phải nhận trợ cấp hơn 70% của Trung ương, sau 20 năm tái lập, từ năm 2017, Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/4/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đi vào nền nếp, trở thành nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.
Từ thực tiễn học tập và làm theo Bác trong 10 năm qua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình trên mọi lĩnh vực, trên mọi miền quê xứ Quảng. Có thể kể đến mô hình “5 không, 3 sạch”, “giữ rẫy sạch, làng sạch, lòng dân yên”; “03 cán bộ, công chức giúp 01 hộ dân thoát nghèo” ở Nam Trà My; “Vườn rau 0 đồng” của phụ nữ Hội An; “3 sẵn sàng trong xây dựng nông thôn mới” của xã Quế Xuân II; “Công trình dân sinh thắm tình đồn – xã” của Bộ đội Biên phòng tỉnh; “Gia đình không vi phạm pháp luật”, “Tổ tự quản an ninh trật tự” ở Tây Giang, Nam Giang; mô hình “Vận động nhân dân khai hoang, mở rộng diện tích canh tác lúa nước, không xâm phạm rừng tự nhiên” của Ban QLR phòng hộ Bắc Trà My; các mô hình dân vận khéo: “Phát triển kinh tế rừng, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái” của UBND huyện Tiên Phước; “Trồng cây dược liệu trên đất hoang của Khối Dân vận xã Trà Ka”, Bắc Trà My; “Vườn Sâm kết đoàn” của Đoàn Thanh niên xã Trà Linh, huyện Nam Trà My; “Nhóm hộ thay đổi nếp nghĩ, cách làm” của Hội Nông dân huyện Phước Sơn…
Những mô hình ấy không chỉ lan tỏa tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp thêm tiếng nói, hành động đẹp vào sự phát triển chung của miền núi, tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng để xây dựng cuộc ngày càng ấm no, hạnh phúc như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Đó là những đóa Sen Hồng mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam kính dâng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người.

Tác giả: Lê Năng Đông

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?