Thanh niên các nước XHCN tham gia xây dựng công trình Đại thủy nông Phú Ninh.
Ảnh tư liệu.
|
Hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt khó vươn lên (1975-1985)
Năm 1969, thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn sâu sắc với Bác Hồ, ngay sau khi Bác đi xa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam cùng nhân dân cả nước ra sức thi đua, thực hiện những di huấn của Bác. Ngày 24 -3-1975 quê hương Quảng Nam được giải phóng.
Phát huy truyền thống đoàn kết, trung dũng, kiên cường, ngay sau ngày quê hương được giải phóng, toàn dân Quảng Nam tiến quân vào mặt trận mới khai hoang, phục hóa, phát triển ngành nghề, xây dựng các công trình phục vụ nông nghiệp, nông thôn, công cuộc thủy lợi hóa ghi dấu ấn đậm nét với công trình đại thủy nông Phú Ninh và nhiều công trình hồ, đập khác, dần hồi sinh những “vùng đất chết”, hình thành những “lá cờ đầu” trong xây dựng đời sống mới. Năm 1985, Quảng Nam đã tự túc được lương thực, với dấu mốc đạt trên 358.000 tấn lương thực có hạt, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện. Hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường; an ninh quốc phòng, thành quả cách mạng được giữ vững.
Trong 10 năm đầu sau ngày giải phóng đã tạo nên một diện mạo mới trong hành trình kiến thiết quê hương.
Đổi mới (1986-1996)
Cuối năm 1985, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Tháng 12.1986, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta chủ trương đổi mới đất nước, bắt đầu từ đổi mới tư duy, đổi mới kinh tế, mở ra một bước ngoặt xây dựng đất nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Quảng Nam tập trung đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thực hiện cơ chế hạch toán kinh tế, nỗ lực thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: Lương thực, thực phẩm-hàng tiêu dùng-hàng xuất khẩu. Từ đó, hệ thống các cơ sở kinh tế được sắp xếp lại, năng lực sản xuất được nâng lên, kinh tế tư nhân được khuyến khích, thị trường hàng hóa, dịch vụ được khai thông. Song, kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, cuộc khủng hoảng chính trị ở Liên Xô, Đông Âu gây ra nhiều bất an trong đời sống, tư tưởng của xã hội. Từ năm 1991 đến 1996, kiên trì đường lối đổi mới của Đảng, Quảng Nam thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế tư nhân. Nhờ đó, nền kinh tế dần ổn định và phát triển, hạ tầng xã hội có bước cải thiện, đời sống Nhân dân dần vượt qua khó khăn, cải thiện trên một số mặt. Các mặt trong đời sống xã hội tiếp tục được đảm bảo. Năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên.
Kết quả 10 năm đầu đổi mới là cơ sở, tiền đề quan trọng để tiếp tục phát triển, tạo đà chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1997-2017)
Ngày 01.01.1997, Quảng Nam được tái lập, với điểm xuất phát là tỉnh nghèo. Song, với sự nỗ lực không ngừng, với tư duy sáng tạo, đoàn kết thống nhất, vượt qua khó khăn, sau 20 năm, Quảng Nam đã tạo nên những bước đột phá về xây dựng hệ thống chính trị, về phát triển nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh tế phát triển; an sinh xã hội đảm bảo, quốc phòng an ninh giữ vững, đời sống Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2016, tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 19.000 tỷ đồng, gấp hơn 158 lần năm 1996; quy mô kinh tế đứng trong tốp 20 và thu ngân sách tốp 10 trong 63 tỉnh, thành phố, dẫn đầu 5 tỉnh trọng điểm miền Trung. GRDP bình quân đầu người khoảng 2.050 USD; thu nhập bình quân 46,13 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 11%. Năm 2017, Quảng Nam là một trong các tỉnh, thành phố điều tiết, đóng góp cho ngân sách Trung ương.
Trong 20 năm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo dựng được nền tảng quan trọng, tạo tiền đề thực hiện quyết tâm trở thành tỉnh khá của cả nước.
Cầu Cửa Đại - điểm nhấn phát triển vùng Đông tỉnh Quảng Nam. Ảnh Thanh Hậu
|
Quyết tâm trở thành tỉnh khá của cả nước
Sau 3 năm thực hiện mục tiêu “Tạo bước chuyển mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy dân chủ, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa; huy động mọi nguồn lực và tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh; chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; phấn đấu đến năm 2020, Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại” của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt một số kết quả khả quan: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân mỗi năm trên 12%, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, công nghiệp tăng trên 10%, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng gần 4%/năm; chương trình nông thôn mới thực sự đi vào chiều sâu, 87 xã đã về đích; tốc độ tăng trưởng dịch vụ bình quân gần 15%/năm; mức tăng trưởng ổn định, thu ngân sách tăng 15%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 74.000 tỷ đồng, mỗi năm có 15.000 lao động được đào tạo và giải quyết việc làm, số doanh nghiệp tăng 1,5 lần so với năm 2015, tương đương 6.900 doanh nghiệp đang hoạt động; thủ tục hành chính được cải thiện đáng kể trên tinh thần phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp; công tác an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị chuyển biến tích cực; hoạt động của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng hiệu quả. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) hơn 33.823 tỷ đồng; quy mô nền kinh tế hơn 47.951 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 12.7634 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện hơn 16.718 tỷ đồng. Cuối năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 7,8%.
Hành trình 50 năm Quảng Nam thực hiện Di chúc của Bác với những bước đi vững chắc, tạo nên những dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội, là tiền đề để bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế../