Quang cảnh Hội thảo khoa học “Quảng Nam - 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”
|
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Trần Khắc Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nêu lên những nội dung cốt lõi trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm các vấn đề lớn: nói về Đảng, về đoàn viên và thanh niên, về nhân dân lao động, về dự báo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài nhưng nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi, về phong trào cộng sản thế giới, về một số việc riêng của Người và mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa. Đồng thời nêu bật giá trị cốt lõi của Di chúc. Di chúc là di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta với những lời căn dặn đầy tâm huyết, về khát vọng: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Di chúc là bảo vật quốc gia, thiêng liêng, mang giá trị vượt thời gian, là ngọn đuốc soi đường, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam. Cùng với Nhân dân cả nước, 50 năm qua, Đảng bộ, Nhân dân Quảng Nam đã thi đua phấn đấu thực hiện Di chúc thiêng liền của Người đạt được nhiều kết quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử...
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo: Hội thảo nhằm tập trung làm rõ những giá trị lý luận và thực tiễn của Di chúc từ thực tế lịch sử của cách mạng Việt Nam, đồng thời là dịp để nhìn lại kết quả thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh 50 năm qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Khẳng định, từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay đã trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung và trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Cuối năm 2018, quy mô kinh tế cao nhất Khu kinh tế trọng điểm miền Trung, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách tăng cao, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt hơn 61 triệu đồng, cao hơn mức bình quân cả nước (58,5 triệu đồng /người), gấp hàng chục lần so với thời điểm chia tách tỉnh. Từ một tỉnh phải nhận trợ cấp hơn 70% từ ngân sách Trung ương, đến cuối năm 2018, thu ngân sách đã đạt trên 23 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 170 lần so năm đầu tái lập. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển tạo tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm tới. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; hoạt động đối ngoại được mở rộng. Hệ thống chính trị hoạt động đồng bộ, cải cách hành chính được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước có chuyển biến tích cực. Dân chủ được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố. Nhân dân tin tưởng vào công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, phấn khởi trước sự đổi thay, phát triển của quê hương, đất nước. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu nổi bật, thực hiện tốt những ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, nhưng đến nay vẫn còn những hạn chế cần được rút kinh nghiệm. Do đó, đề nghị toàn đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà tiếp tục thực hiện di huấn của Bác Hồ, ra sức phấn đấu làm việc, khắc phục hạn chế đưa tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững.
Với hơn 30 bài tham luận, thảo luận với nhiều cách tiếp cận khác nhau của các nhà khoa học, các nhà quản lý, cơ quan chuyên môn, hội thảo đã tập trung những vấn đề về: Giá trị trường tồn và ý nghĩa thực tiễn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thực hiện tự phê bình, và phê bình trong xây dựng Đảng ở Quảng Nam; việc vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở tỉnh Quảng Nam; thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển giáo dục-đào tạo, văn hóa, về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau ở tỉnh Quảng Nam; những kết quả của tỉnh Quảng Nam sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực;... Cùng với đó, việc thực hiện Di chúc ở một số địa phương, đơn vị cũng được nhiều tham luận làm rõ và sâu sắc những chỉ dẫn trong Di chúc, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học… Một số tham luận nêu lên những khó khăn thách thức, hạn chế khuyết điểm trên các lĩnh vực, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, điều hành; về giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến môi trường, an sinh xã hội...
Tổng kết Hội thảo, đồng chí Thái Viết Tường, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh nhận định: Các ý kiến đóng góp, tham luận, thảo luận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học tại hội thảo đã một lần nữa khẳng định những giá trị trường tồn của bản Di chúc - văn kiện lịch sử vô giá, di sản văn hóa, quốc bảo của Đảng, nhân dân ta; hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ nhiều khía cạnh mới trong nhận thức về nội dung, ý nghĩa của Di chúc trong tiến trình đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, Hội thảo được diễn ra trong thời điểm tỉnh ta đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và tập trung chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là cơ hội quý để tuyên truyền, cỗ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập và thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh; để từng cấp ủy liên hệ, đưa nội dung Di chúc của Bác vào phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiếp tục hiện thực hóa những lời dặn thiêng liêng của Người trên quê hương Quảng Nam...