Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, việc xây dựng, nhân rộng những điển hình tiên tiến có thể xem là việc làm mang tính tính cốt lõi cũng như là kết quả rõ ràng nhất thể hiện vai trò, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong học tập và làm theo gương Bác. Chính vì thế, khi cuộc thi viết “Gương sáng đời thường” được Ban Thường vụ Huyện ủy Hiệp Đức phát động đã tạo nên một không khí vô cùng sôi nổi với sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo không chỉ cán bộ, đảng viên mà còn là đại bộ phận nhân dân trong và ngoài huyện
Trong quá trình tổ chức cuộc thi Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền, triển khai về Cuộc thi trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân dưới nhiều hình thức phù hợp như phát hành văn bản trên mạng thông tin diện rộng của Đảng, qua hệ thống văn bản điều hành Q-office của huyện, tuyên truyền trên sóng phát thanh….Cuộc thi được tổ chức công khai trên mạng xã hội, thiết kế trang fanpage của Cuộc thi tại địa chỉ https://www.facebook.com/tuyengiaohiepduc, đồng thời thông báo rộng rãi địa chỉ email của cơ quan Ban Tuyên giáo Huyện ủy để nhận bài dự thi. Vì vậy, rất thuận tiện để các thành phần dự thi có thể tham gia viết bài và tương tác trên trang fanpage đối với những bài dự thi được đăng tải, tạo được tính lan tỏa rộng lớn của Cuộc thi.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã phát huy tốt vai trò cơ quan Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi; tham mưu các nội dung liên quan và tiến hành các hoạt động tổ chức Cuộc thi đảm bảo theo Kế hoạch: thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tham gia Cuộc thi; phân công cán bộ, chuyên viên tiếp nhận đầy đủ bài dự thi qua các kênh; tổ chức xét duyệt, kiểm định nội dung, xác minh thông tin thực tế, đồng thời biên tập, hoàn chỉnh văn phong, từ ngữ đảm bảo trong sáng, chuẩn mực trước khi đăng tải lên trang fanpage Cuộc thi; thường xuyên theo dõi nội dung tương tác của người xem, kịp thời trao đổi, phản biện lại đối với những nội dung tương tác thiếu lành mạnh, tiêu cực…qua đó, nhấn mạnh thêm mục đích, ý nghĩa tuyên truyền của Cuộc thi.
Tính từ thời điểm phát động Cuộc thi vào tháng 3/2020 đến ngày 30/7/2020, qua hơn 04 tháng triển khai, trên fanpage Cuộc thi “Gương sáng đời thường” đã có gần 1.500 người theo dõi thường xuyên, hàng trăm nghìn lượt tương tác và số lượng vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày. Ngoài công dân Việt Nam đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc tại các tỉnh thành như Quảng Nam, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Bình Định…. , còn có công dân là người Việt Nam đang sinh sống ở một số quốc gia trên thế giới đã theo dõi và hưởng ứng cuộc thi như Nhật Bản, Úc, Pháp, Campuchia, Isarel, Các Tiểu vương quốc A rập, Ấn Độ. Đây là những con số ấn tượng đối với một cuộc thi viết cấp huyện, là dấu hiệu đáng mừng cho thấy kết quả từ chính ý nghĩa tích cực, nhân văn của Cuộc thi đem lại.
Cuộc thi đã nhận được 91 bài viết tham gia, trong đó 71 bài đảm bảo các tiêu chí, thể lệ được đăng tải trên fanpage Cuộc thi và bước tiếp vào vòng chấm chọn, trao giải.
Khen thưởng cho tác giả đạt giải Nhất tại cuộc thi
|
Mỗi một nhân vật được phát hiện, biểu dương là một tấm gương giản dị, gần gũi nhưng cũng rất đỗi cao đẹp. Đó là những hội viên nông dân, phụ nữ, tổ trưởng tổ đoàn kết đang say sưa với phong trào; các thầy giáo, cô giáo, bác sĩ ngày đêm tận tụy với công việc, là những người dân với tấm lòng rộng rãi, nhân hậu hết lòng vì việc chung hay công tác thiện nguyện... Họ đều là những tấm gương rất thực, là đóa hoa ngát hương giữa cuộc sống đời thường.
Phần lớn các bài thi đã thể hiện được tính phát hiện, khai thác được nhiều góc cạnh, tạo được điểm nhấn riêng của gương được viết, hình ảnh minh họa đẹp, phù hợp, phong phú; cách thể hiện nội dung độc đáo, sáng tạo, hấp dẫn, ngôn ngữ diễn đạt trong sáng, giàu tính biểu cảm; kết cấu bài viết khá chặt chẽ; đặc biệt một số bài viết đã có cách đặt tiêu đề hay, ấn tượng. Bài dự thi được chấm chọn trên cơ sở lượt tương tác (lượt thích và lượt chia sẻ) của bài viết cùng với điểm từ Ban Giám khảo (dựa vào 02 yếu tố là tính điển hình nổi bật của gương được viết và chất lượng bài viết).
Để đánh giá bài dự thi đảm bảo tính chính xác, khoa học, khách quan, Ban tổ chức Cuộc thi đã ban hành Quyết định thành lập Ban Giám khảo gồm các thành viên có chuyên môn, kinh nghiệm. Các thành viên Ban giám khảo, Tổ thư ký Cuộc thi đã làm việc với tinh thần tích cực, nhiệt tình, có trách nhiệm, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ban tổ chức Cuộc thi giao cho. Theo đó, đã có 17 cá nhân và 05 tập thể đạt thành tích tốt trong Cuộc thi được Ban Tổ chức Cuộc thi khen thưởng. Phần thưởng bao gồm Giấy khen và tiền thưởng kèm theo.
Theo đó, có 17 cá nhân đã được trao giải, bao gồm 01 giải Nhất (1,5 triệu đồng) cho tác giả Trương Lê Minh Hải; 03 giải Nhì (mỗi giải 01 triệu đồng) cho các tác giả Trần Thị Viết Dương, Nguyễn Thị Ngọc và Quế Hà; 05 giải Ba (mỗi giải 700 ngàn đồng) cho các tác giả Lê Nho Vĩ, Võ Thị Kim Ngọc, Trần Thương, Trịnh Long Tường - Mai Thị Vân, Thái Bảo – Dương Đỳnh;, 05 Giải khuyến khích (mỗi giải 300 ngàn đồng) cho các tác giả Trần Thị Thu Giang, Nguyễn Thị Sương, Tô Thị Hiển, Nguyễn Công Thành, Trần Oai Phương; 03 Giải phụ (mỗi giải 500 ngàn đồng) cho tác giả có số bài dự thi tham gia nhiều nhất, được đăng tải là Nguyễn Thị Hồng Vân, Trần Thị Thu Giang và Quế Hà.
Có 05 tập thể được trao giải, trong đó: 01 giải Nhất (02 triệu đồng) cho đơn vị xã Quế Thọ; 01 giải Nhì (1,5 triệu đồng) cho đơn vị thị trấn Tân Bình; 01 giải Ba (01 triệu đồng) cho đơn vị xã Bình Lâm, 02 giải Khuyến khích (mỗi giải 500 ngàn đồng cho đơn vị xã Hiệp Thuận và xã Bình Sơn.
Sau Hội nghị tổng kết, những bài dự thi đạt chất lượng sẽ tiếp tục được biên tập, hoàn thiện đưa vào nội dung tập sách “Những gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Hiệp Đức”, dự kiến phát hành trong dịp tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và lưu giữ để giáo dục truyền thống đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ sau này.
Với tên gọi giản dị nhưng đầy ý nghĩa, Cuộc thi viết “Gương sáng đời thường” do Ban Thường vụ Huyện ủy Hiệp Đức triển khai trong thời gian qua đã thật sự phát huy hiệu quả rõ rệt trong công tác tuyên truyền của Đảng bởi tính thực tiễn và thông điệp tích cực, nhân văn mà Cuộc thi mang lại. Việc khắc hoạ những tấm gương sáng với nhiều góc cạnh của cuộc sống, công việc và tấm lòng bình dị mà cao quý trong xã hội để nhân rộng cho mọi người cùng học tập và làm theo như thông điệp Cuộc thi viết “Gương sáng đời thường” mang lại là việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực để phong trào học tập và làm theo Bác ngày càng được thúc đẩy và tiếp tục lan toả, nhân rộng.