Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Ngày đăng: 8:35 | 11/12/2024 Lượt xem: 77

Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Như Chỉ thị số 20-CT/TW đã nhấn mạnh: “Làm tốt công tác này nhằm phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng, là cội nguồn sức mạnh, là động lực tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”.

 
Hội thảo Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng đó, thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, trong những năm qua công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống các ngành, đoàn thể trên địa bàn Quảng Nam đạt được những kết quả quan trọng.
Nhiều công trình lịch sử được xuất bản
Thực hiện Chỉ thị số 20, trong những năm qua các cấp ủy, chính quyền ác cấp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử. Tính đến cuối năm 2024, hầu hết cơ quan, ban ngành đoàn thể trực thuộc Tỉnh ủy, 18/18 huyện, thị, thành ủy và hàng trăm xã, phường, thị trấn đã biên soạn, xuất bản lịch sử cấp mình.
Cùng với đó là hàng trăm ấn phẩm chuyên đề hồi ký, ký sự, kỷ yếu hội thảo được các cấp biên soạn và xuất bản, tiêu biểu như: “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng 1930-1975” và 1975-1996; sách ảnh “Quảng Nam – 45 năm vì sự nghiệp giải phóng dân tộc (1930-1975)”; “Bác Hồ với Quảng Nam – Quảng Nam với Bác Hồ”; “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến (1960-1975)”; “Huỳnh Ngọc Huệ - Người con ưu tú Xứ Quảng”, “Vũ Trọng Hoàng - Người con đất Quảng kiên trung”, “Căn cứ và nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam 1930 - 1975”…
Các công trình, ấn phẩm lịch sử được xuất bản đã góp phần làm sáng tỏ quá trình ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng của Đảng bộ các địa phương, tổng kết những thành tựu trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng tại đơn vị, địa phương; qua đó đúc kết những kinh nghiệm quý báu trong quá trình hoạt động lãnh đạo của Đảng, bồi dưỡng truyền thống cách mạng, nâng cao lòng yêu nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, việc biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống các ngành đoàn thể các cấp đã đóng góp quan trọng vào công tác giáo dục tư tưởng, lý luận, truyền thống yêu nước, bồi dưỡng ý chí, tình cảm, niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân nhất là thế hệ trẻ; kịp thời đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị.
Không chỉ dừng lại ở việc xuất bản, phát hành, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử - văn hóa địa phương trên địa bàn tỉnh được cấp ủy các cấp quan tâm đẩy mạnh triển khai với hình thức, nội dung phong phú, sinh động.
Đặc biệt, trên cơ sở các công trình lịch sử, văn hóa đã xuất bản, từ cuối năm 2019, được sự thống nhất chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng số hóa các công trình đó trên trang Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh tại thư mục Thư viện ấn phẩm ở địa chỉ “http://thuvienanpham.quangnam.gov.vn), qua đó đăng tải hàng trăm công trình, ấn phẩm. Được biết, Quảng Nam là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện số hóa các công trình lịch sử. Theo số liệu thống kê hàng năm có gần 10.000 lượt truy cập Thư viện ấn phẩm.
Đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục
Báo Quảng Nam dành nhiều chuyên trang, chuyên mục “Đất và người xứ Quảng”, “Hồ sơ tư liệu” đăng tải nhiều bài viết liên quan đến đề tài chiến tranh cách mạng, về vùng đất và con người xứ Quảng. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh hàng năm sản xuất và phát sóng khoảng 5 phim tài liệu về các nhân vật lịch sử tiêu biểu của quê hương, đất nước...
Ngoài ra, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước như thành lập Đảng bộ tỉnh (28/3), giải phóng quê hương (24/3) và những sự kiện chính trị quan trọng khác, Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị, địa phương đăng tải nhiều bài viết, phóng sự tài liệu lịch sử…
Nhiều đơn vị, địa phương tổ chức các buổi tọa đàm ôn lại truyền thống lịch sử; tổ chức các cuộc thi viết, thi trắc nghiệm tìm hiểu về lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiêu biểu như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa Quảng Nam; lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam”; huyện Đại Lộc với cuộc thi viết “Chiến thắng Thượng Đức - Ký ức hào hùng”; Tây Giang với cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện Tây Giang (1945 - 2020); Nam Giang với cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ huyện Ngọc Lặc 75 năm hình thành và phát triển” và “Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Giang 75 năm hình thành và phát triển” (28/6/1949 - 28/6/2024)... Đặc biệt, huyện Đại Lộc đã ra mắt mô hình số hoá các di tích lịch sử văn hoá huyện Đại Lộc và chuyên mục “Đại Lộc- Một vùng văn hoá” trên Cổng thông tin điện tử huyện.
Công tác giáo dục lịch sử trong các nhà trường cũng được các cấp ủy đảng quan tâm chú trọng. Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm chính trị cấp huyện đã đưa nội dung tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng đảng viên mới, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, các lớp trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị theo tài liệu hướng dẫn của Ban Tuyên giáo trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Các huyện, thị, thành ủy đã chỉ đạo Trung tâm Chính trị xây dựng giáo trình giáo dục lịch sử Đảng địa phương, đưa vào giảng dạy chuyên đề “Đảng ta thật là vĩ đại”.
Công tác giảng dạy lịch sử địa phương đối với các trường học trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định. Phòng GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện tốt việc lồng ghép lịch sử đảng bộ địa phương vào chương trình giảng dạy các bộ môn như: lịch sử, giáo dục công dân, ngữ văn và các tiết học ngoại khóa…
Đồng thời chỉ đạo các trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức lối sống, lý tưởng cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tham quan học tập tìm hiểu địa chỉ đỏ…

Tác giả: Lê Năng Đông

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?