Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Quảng Nam: Sinh hoạt chính trị “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”

Ngày đăng: 20:46 | 03/02/2025 Lượt xem: 769

Chiều ngày 3/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị Sinh hoạt chính trị “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (28/3/1930 - 28/3/2025) và 50 năm Ngày giải phóng Quảng Nam (24/3/1975 - 24/3/2025) với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các tổ chức cơ sở Đảng trong toàn tỉnh . Các đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyến BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Đức Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.

 
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Tại hội nghị, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyến Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy quán triệt các nội dung: Đảng Cộng sản Việt Nam 95 năm ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - 95 năm dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam và nhiệm vụ và giải pháp để tỉnh Quảng Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Thông báo nhanh kết quả hội nghị BCH Trung ương khóa XIII (ngày 24,25/1/2025).
Qua đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khái quát bối cảnh lịch sử, ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; những mốc son chói lọi và bài học kinh nghiệm trên chặng đường 95 năm vinh quang của Đảng, qua đó khẳng định: Suốt 95 năm qua, Đảng ta đã bám sát tình hình thực tiễn trong nước và thế giới để ban hành các quyết sách, chiến lược đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để có những thắng lợi vĩ đại, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển vững mạnh, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Phát huy những truyền thống vẻ vang của Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng – nhân dân là cơ sở vững chắc, là yếu tố quyết định cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. 50 năm sau ngày quê hương giải phóng, gần 30 năm tái lập, Quảng Nam từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, phải nhận trợ cấp trên 70% ngân sách Trung ương, đến năm 2024, quy mô nền kinh tế hơn 129 nghìn tỷ đồng, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Những thành tựu qua 95 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh và 50 năm ngày giải phóng tỉnh là hết sức quan trọng, tạo tiền đề vững chắc, là động lực to lớn để Quảng Nam viết tiếp trang sử hào hùng, tạo nên những kỳ tích trong giai đoạn mới...

 
Đ.c Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy quán triệt các nội dung sinh hoạt

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nhiệm vụ và giải pháp để tỉnh Quảng Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới: Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Và đã được cụ thể hóa bằng Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành kèm theo Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 17/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
1. Về mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông, lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.
2. Tầm nhìn đến năm 2050: Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hóa đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cơ cấu nền kinh tế hài hòa, hợp lý với tính tự chủ và năng lực cạnh tranh cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển kinh tế - xã hội hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng môi trường tốt. Chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, đời sống hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới trên đất liền, biển, đảo được giữ vững.
3. Giải pháp để tỉnh Quảng Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trong thời gian đến Quảng Nam quyết tâm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, cần có giải pháp phát huy cho được truyền thống anh hùng, sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là sức mạnh to lớn, là yếu tố nền tảng căn bản cho phát triển bền vững, là điểm tựa vượt qua mọi khó khăn; cần phát huy tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực đổi mới vươn lên. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có tư duy phát triển đột phá, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; làm việc nào dứt việc đó. Càng khó khăn, thách thức, áp lực thì cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn. Cần có sự linh hoạt, vận dụng sáng tạo trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cầu thị, lắng nghe ý kiến góp ý xác đáng của người có trách nhiệm, tâm huyết của nhân dân, của chuyên gia, nhà khoa học. Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, điều chỉnh chủ trương chỉ đạo theo tinh thần sửa đổi pháp luật của trung ương, đảm bảo chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Đổi mới tư duy về tăng trưởng 2 con số và đề ra các biện pháp cụ thể để phấn lãnh đạo, tổ chức thực hiện (Chú trọng tư duy đổi mới, kiến tạo phát triển, tạo ra không gian phát triển mới. Đổi mới, số hóa, công khai, minh bạch. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện quyết liệt Đề án 06; thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh).
Thứ hai, quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ “tinh, gọn, mạnh”, hoạt động “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức theo tinh thần Nghị quyết số 18. Sau khi sắp xếp, còn 13/19 sở, giảm 31,6%. Các đầu mối bên trong các sở giảm 21,8%, đầu mối bên trong các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 18,5%. Hiện tỉnh có 3.096 biên chế công chức và 27.661 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, số này sẽ giảm khoảng 20% trong thời gian tới.
Thứ ba, triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch 72. Khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch liên quan trong năm 2025. Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang; Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Cù Lao Chàm; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chương trình, đề án, cơ chế phát triển trọng tâm gồm: (1) Đề án xã hội hóa đầu tư cảng hàng không Chu Lai; Cảng biển Quảng Nam (2) Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (3) Đề án xã hội hoá công tác quản lý, khai thác di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn (4) Đề án phát triển và hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực (5) Đề án hình thành và phát triển Trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ silica (6) Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai.
Kế hoạch liên kết, quảng bá xúc tiến du lịch Quảng Nam với các địa phương trong khu vực; Kế hoạch liên kết Khu kinh tế mở Chu Lai với Khu kinh tế Dung Quất để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực; Kế hoạch liên kết với thành phố Đà Nẵng trong xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và quản lý tổng hợp tài nguyên nước mang tính liên vùng.
Thứ tư, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là trong nhân dân. Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là các giải pháp kích cầu tiêu dùng, đầu tư. Đồng thời tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, quy hoạch treo, dự án vướng mắc, vướng thủ tục, chậm triển khai; đất công, tài sản công không sử dụng; các vụ án kéo dài. Rà soát lại và có giải pháp sử dụng hiệu quả quỹ đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi thị trường bất động sản. Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. Xây dựng chính sách phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân. Tạo môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tạo ra giá trị kinh tế mới
Thứ năm, tập trung, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Đây là “khoán 10” trong khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo; nỗ lực “bắt kịp, tiến cùng, tăng tốc, bứt phá và vượt lên”. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao, theo hướng xanh hóa, bền vững, giảm chi phí logicstics.
Thứ sáu, tập trung phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, ở khu vực miền núi. Phát triển mạnh hạ tầng sân bay, cảng biển, logistics, các khu phi thuế quan. Rà soát, hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phát triển mạnh hạ tầng số, viễn thông. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, xúc tiến mạnh dự án đầu tư sân bay Chu Lai, luồng Cửa Lở; các dự án của THACO, nhất là dự án Khu công nghiệp THACO Chu Lai quy mô 451ha, các dự án giao thông (đường 14D, 14B, 14G, các tuyến kết nối Đông Tây; nạo vét sông Trường Giang, sông Cổ Cò…).
Thứ bảy, quan tâm đào tạo nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, rà soát các dự án trên địa bàn tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.. Sớm triển khai khu đô thị Đại học Đà Nẵng. Đề án xây dựng Đại học chất lượng cao phía Nam Quảng Nam.
Thứ tám, xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Nam. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; giá trị văn hóa, con người Quảng Nam; xây dựng con người Quảng Nam phát triển toàn diện về nhân cách, trí tuệ, năng lực, thể chất và trách nhiệm với xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Chú trọng phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế - xã hội. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt chính sách người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững. Triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Triển khai quyết liệt việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Triển khai chống sạt lở, phòng chống thiên tai.
Thứ chín, tăng cường các giải pháp kiềm chế tội phạm; đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đảm bảo môi trường bình yên, an toàn để phát triển và thu hút đầu tư.

 
Thường trực Tỉnh ủy trao Quyết định bổ nhiệm, tặng hoa chúc mừng các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy
Tại hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Phan Văn Bình - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy công bố Quyết định số 1779 ngày 24/1/2025 của Tỉnh ủy về thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy. Quyết định có hiệu lực từ ngày 3/2/2025. Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bổ nhiệm đồng chí Huỳnh Thị Thùy Dung - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy giữ chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam kể từ ngày 3/2/2025. Thời gian giữ chức vụ 5 năm. Đồng thời công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh bổ nhiệm các đồng chí Trần Khắc Thắng, Phạm Hồng Quảng, Nguyễn Hữu Thiên (Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), Lê Quang Quỳnh và Lê Thị Thủy (Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy) giữ chức vụ Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy. Các quyết định có hiệu lực kể từ ngày 3/2/2025. Công bố các Quy định chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy (gồm Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy) do thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Theo đề án của Tỉnh ủy: Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng thời, thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong theo hướng sáp nhập và đổi tên một số phòng để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới.

 
Khen thưởng tại hội nghị

Ngoài ra, Hội nghị lần này cũng tiến hành khen thưởng cho các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024 và 5 năm liền (2020-2024).

Tác giả: Anh Minh

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?