1. Theo thống kê, hiện nay cả nước có 859 tờ báo, tạp chí in; 135 báo, tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; với 36.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ và hơn 52.000 hội viên Hội nhà báo Việt Nam. Đặc biệt, sau hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, in-tơ-nét đã trở nên phổ biến và chính cái kho dữ liệu khổng lồ này đã mang đến cả thời cơ, thuận lợi, cả khó khăn, thách thức với từng công dân, từng nhà báo và cả cho công tác quản lý. Riêng trên địa bàn tỉnh có 4 cơ quan báo chí, gồm: Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam (QRT), Tạp chí Khoa học (trường Đại học Quảng Nam), Tạp chí đất Quảng (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh); Trang thông tin điện tử của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh Quảng Nam; 212 đài truyền thanh cấp xã, 18 chương trình truyền thanh - truyền hình cấp huyện, thị xã, thành phố; 7 văn phòng đại diện, liên lạc, thường trú của cơ quan báo chí Trung ương và nhiều phóng viên thường trú, phóng viên hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên báo chí tác nghiệp
Như chúng ta đã biết, thế giới đang chứng kiến những thay đổi hết sức lớn lao, nhanh chóng, phức tạp và khó lường: Chúng ta đang đứng trên ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng công nghệ có khả năng thay đổi một cách căn bản lối sống, lối làm việc và lối tương tác... Sự thay đổi này chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Trong xu thế đó, báo chí càng có vai trò to lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, là nhân tố có sức mạnh đặc biệt to lớn trong việc định hướng nhận thức, dẫn dắt dư luận xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, theo nhận định từ Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, bên cạnh những kết quả mà báo chí đã đóng góp cho công cuộc phát triển của đất nước, báo cáo của Bộ Thông tin - Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của nhiều cơ quan báo chí. Đó là vấn đề thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép; đưa tin bài thiếu thận trọng, nhạy cảm về chính trị; tình trạng giật tít câu khách, câu “view,” gây hiểu nhầm, trái với nội dung bài viết, giật tít phản cảm, thiếu chính xác, thiếu tính giáo dục... vẫn xảy ra. Tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử vẫn diễn biến phức tạp. Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên của cơ quan báo chí hoạt động tại địa phương hoạt động vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao; vi phạm Luật Báo chí và đạo đức nghề nghiệp ảnh hưởng xấu đến uy tín của những người làm báo chân chính. Đăng tải tin, bài thiên lệch quá nhiều vào mặt trái; chưa chú ý đúng mức và phản ánh toàn diện, khách quan những thành tựu, sự nỗ lực vượt bậc, những điển hình, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của các cấp, các ngành trên các lĩnh vực về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương…
2. Với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công tốt đẹp, mở ra một giai đoạn mới đầy niềm tin yêu và hy vọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đã nhận định, thành công của Đại hội là sự kiện khởi đầu tốt đẹp cho chặng đường sắp đến với những thời cơ, vận hội mới, thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao trong ý chí và hành động của toàn Đảng bộ để đưa Quảng Nam tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Vậy, các cơ quan báo chí và những người làm báo trên địa bàn Quảng Nam phải làm gì, làm như thế nào để đồng hành với Quảng Nam trên chặng đường phát triển mới.
Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025
Trước hết và trên hết, dù ở bất cứ thời kỳ nào, mọi hoạt động của báo chí phải thật sự “là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí”. Trong thư gởi các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo nhân kỷ niệm 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã căn dặn: “Báo chí cách mạng Việt Nam cần bám sát quan điểm chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để phản ánh một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời về đời sống xã hội của đất nước, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Báo chí và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được "dòng chảy chính" của xã hội, của đất nước, phải "phò chính, diệt tà." Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh”.
Trong thời gian đến, trên địa bàn Quảng Nam, báo chí phải tiếp tục phản ánh đậm nét quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đối với việc xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nhấn mạnh sự nỗ lực trong điều hành kinh tế - xã hội, cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông (ICT INDEX); tăng cường thông tin, quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người xứ Quảng; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu tuyên truyền một cách sát thực, sâu sắc những tâm tư nguyện vọng và những đóng góp của nhân dân với Đảng, Nhà nước, góp phần đưa hơi thở của cuộc sống vào chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội. Trong tình hình hiện nay, phải kiên trì phương châm “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp để dẹp cái xấu”; cần nhiều những bài viết có tính phát hiện, giới thiệu những kinh nghiệm hay trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; cổ vũ gương người tốt, việc tốt, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chỉ có như vậy, báo chí mới có động lực và điều kiện để không ngừng đổi mới, không ngừng sáng tạo, phát triển.
Thứ hai, như chúng ta đã biết, “thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là đòi hỏi mang tính sống còn với các cơ quan báo chí và điều đó sẽ làm thay đổi kỹ năng tác nghiệp của phóng viên”.
Trong tình hình mới, một nhà báo không chỉ cần thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh mà còn phải biết quay video clip về cùng một sự kiện để sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo nói và báo hình. Phương tiện tác nghiệp của người làm báo thời nay không chỉ là cuốn sổ với cây bút truyền thống năm xưa mà thay vào đó là cả một túi ba lô nặng trĩu với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, nào là máy ảnh, máy quay phim, bút ghi chép, máy ghi âm, đôi lúc còn có cả flycam rồi dùng laptop kết nối internet hoặc sử dụng smartphone thông minh với các phần mềm chuyên dùng và chỉ cần click chuột tác phẩm đã chuyển về tòa soạn khi chủ tọa vừa tuyên bố kết thúc hội nghị hoặc một sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội nào đó ở bất cứ nơi đâu. Vì vậy, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông một cách đúng mức, có hiệu quả, theo kịp xu thế phát triển của công nghệ 4.0, đòi hỏi các cơ quan báo chí và trực tiếp là các nhà báo phải thực sự chuyên nghiệp, phải có kế hoạch để tự làm mới mình, phải tự đào tạo, tự nghiên cứu để nhanh chóng tiếp cận, làm chủ công nghệ truyền thông mới. Theo tôi, tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại đòi hỏi nhà báo phải yêu nghề, có tâm với nghề, dám dấn thân vì nghề nghiệp; phải tinh thông nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gần gũi, sâu sát với quần chúng, sử dụng thành thạo trang thiết bị hiện đại, biết ngoại ngữ và phải biết làm giàu chân chính bằng đỉnh cao trí tuệ của mình.
Thứ ba, báo chí là một hoạt động đặc biệt mang đặc tính chính trị - xã hội. Mỗi tác phẩm báo chí khi được công bố, phát hành rộng rãi đều trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nhận thức, tâm tư, tình cảm và tư tưởng của quần chúng và hành vi của cộng đồng. Vì lẽ đó, người làm báo phải hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Thật vậy, dù công nghệ có phát triển đến đâu thì với mọi nhà báo, quan trọng nhất vẫn là nền tảng kiến thức và đạo đức nghề nghiệp. Nhiều chuyên gia khi nghiên cứu về báo chí với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đều thống nhất rằng, cần quan tâm xây dựng hình ảnh nhà báo của chúng ta như cố nhà báo Hữu Thọ đã nói: “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” – đó chính đạo đức của người làm báo, đó là thứ mà không máy móc hay công nghệ nào thay thế được.
Thứ tư, để báo chí cùng đồng hành vì Quảng Nam phát triển, sự cần thiết phải xử lý thật hài hòa mối quan hệ, vai trò, nhiệm vụ giữa cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và đội ngũ những người làm báo. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, mà trực tiếp là Sở Thông tin và Truyền thông với chức năng là cơ quan chuyên môn, tham mưu cho UBND tỉnh, ngoài chức năng nhiệm vụ quản lý báo chí theo luật định, cần phải là chiếc cầu nối để các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh, người phát ngôn của các địa phương, đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tác nghiệp, phải chủ động cung cấp thông tin một cách kịp thời, đầy đủ, trung thực và chính xác, đặc biệt không nên bưng bít thông tin hoặc né tránh những vấn đề có tính nhạy cảm, phức tạp; phải thực sự đồng hành cùng báo chí để báo chí đồng hành vì Quảng Nam phát triển (đồng hành có nghĩa là cùng đi chung một con đường, cùng nhìn về một hướng…); phải thực sự đồng cảm, phải là người bạn gần gũi, thân thiết, tin cậy với báo chí vì mục tiêu chung cho sự phát triển của tỉnh nhà.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng cần có chỉ đạo và kế hoạch cụ thể về tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các cơ quan báo chí để họ có đủ điều kiện cần thiết nhằm thực hiện tốt khả năng chi phối, định hướng thông tin, dư luận xã hội.
Đối với tổ chức Hội Nhà báo tỉnh, tôi nghĩ rằng nơi đây phải thực sự là ngôi nhà chung ấm áp, đoàn kết, thân tình, cởi mở, vui vẻ của những người làm báo. Hội Nhà báo phải thực sự lắng nghe, tập hợp cho được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của hội viên để có những kiến nghị, đề xuất với cấp thẩm quyền về công tác đào tạo, bồi dưỡng, thăm quan học tập kinh nghiệm nâng cao tay nghề cho hội viên; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và hoạt động của nhà báo.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phải làm tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy về công tác chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền một cách đầy đủ, kịp thời nhất, đồng thời cùng với các cơ quan báo chí tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động của báo chí để báo chí tỉnh nhà hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, cùng đồng hành cho mục tiêu phát triển của quê hương Quảng Nam./.