Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3.2.1930) chưa đầy hai tháng, ngày 28.3.1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập, là một trong những Đảng bộ ra đời sớm nhất trong cả nước.
Với sứ mệnh tranh đấu “bênh vực quyền lợi cộng sản cho thợ thuyền, dân cày và những người lao khổ”. Những ngày đầu thành lập với gần 80 đảng viên, mặc dù là một Đảng bộ non trẻ, số lượng đảng viên ít, nhưng với sự nhạy bén, linh hoạt, kịp thời chớp thời cơ, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong mùa Thu cách mạng (1945), Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) và 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, đường lối cách mạng do Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra; lãnh đạo quân và dân lập nhiều chiến công hiển hách.
Chiến thắng Bồ Bồ, sáng ngày 19.7.1954, diễn ra ngay trước ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, mãi mãi đi vào lịch sử như một “Điện Biên Phủ” trên chiến trường Quảng Nam trong kháng chiến chống Pháp.
Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, tiêu biểu như Chiến thắng Núi Thành - trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ trên chiến trường Quảng Nam đêm 25 rạng ngày 26.5.1965.
Tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, ngày 17.9.1967, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tuyên dương Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam danh hiệu: “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
Không chỉ là nơi diễn ra trận đầu thắng Mỹ, đất Quảng là nơi diễn ra trận đánh đồn xã Đốc (27.3.1971) - Trận đánh tiêu diệt cứ điểm cuối cùng của Mỹ trên chiến trường Khu 5; một chiến thắng vang dội mãi mãi đi vào lịch sử quê hương, tô thắm thêm truyền thống cách mạng vẻ vang của vùng đất anh hùng.
Đến Chiến thắng Thượng Đức (7.8.1974) đã làm sáng tỏ chân lý: sức mạnh quân đội được kết tinh từ chủ nghĩa anh hùng cách mạng cộng với sức mạnh tinh thần yêu nước, đoàn kết được hun đúc từ ngàn đời của nhân dân ta tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh thắng mọi kẻ thù.
Không phải ngẫu nhiên, Quảng Nam là chiến trường ác liệt nhất, nhưng lại cũng là địa bàn an toàn nhất, nơi mà Khu ủy 5 chọn đứng chân lãnh đạo phong trào cách mạng khu 5 trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu. Những địa danh đã đi vào câu ca như “Qua Trao thì đến Bến Giằng/ Phải chăng đất Quảng anh hùng là đây!”, hay có câu “Dốc Quảng Nam, gan Cộng sản”, đã phần nào khắc họa lên sự ác liệt của mưa bom, bão đạn trên mảnh đất này, nhưng cũng minh chứng cho sự kiên cường của đất và người nơi đây.
Bước ra khỏi cảnh hoang tàn, đổ nát bởi chiến tranh, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ và Nhân dân Quảng Nam hết sức nặng nề. Trước yêu cầu đó, tinh thần, ý chí, quyết tâm và khát vọng của con người xứ Quảng một lần nữa lại được thể hiện bằng những công trình mang tầm vóc lịch sử, thể hiện sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Những ngày đầu sau giải phóng, nhiều người cho rằng “Vùng cát nghèo là định mệnh!”. Nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đứng đầu là đồng chí Hồ Nghinh lại không cho như vậy, phải xóa cái nghèo đói ở vùng cát bằng chính sách khuyến khích trồng rừng, làm thủy lợi đưa nước về, cải tạo đất, chuyển hướng sản xuất.
Công trình Thủy lợi Phú Ninh ra đời, là minh chứng rõ nhất cho việc không khuất phục định mệnh. Thực tế đã chứng minh chủ trương đúng đắn đó, bởi “Chính công trình Thủy lợi Phú Ninh đã góp phần quyết định trong việc chuyển một số lớn diện tích đất lúa của các huyện phía nam từ 1 - 2 lên 3 vụ ăn chắc, với năng suất cao. Công trình Thủy lợi Phú Ninh là một cuộc vận động sức người, sức của lớn chưa từng có của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh sau ngày quê hương giải phóng. Công trình có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khẳng định tinh thần thừa thắng xông lên quyết tâm xây dựng đời sống mới của quân và dân Quảng Nam – Đà Nẵng, khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy” như đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể; vừa tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, vừa phát huy nội lực của địa phương, khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong những địa phương trong toàn quốc nhanh chóng thực hiện chuyển đổi quản lý kinh tế, trước hết trong nông nghiệp, đã thực hiện chuyển đổi hợp tác xã theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, hình thành kinh tế hợp tác trên các lĩnh vực; đồng thời thực hiện các chủ trương phát triển các thành phần kinh tế để nhanh chóng phát triển lực lượng sản xuất; hình thành, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, xuất - nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp tập trung của tỉnh, góp phần thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng... Nhờ đó mà cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh, tạo đà quan trọng cho sự phát triển trong những năm sau này.
Ngày 1.1.1997, tỉnh Quảng Nam được tái lập. Lúc này, Quảng Nam là một tỉnh thuần nông, nằm trong nhóm những tỉnh nghèo nhất của cả nước. Nhưng với tinh thần quyết tâm đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, chủ động, sáng tạo, tập trung trí tuệ tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, của bạn bè quốc tế; nhất là sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; đến năm 2017, đúng 20 năm chia tách tỉnh (1997 - 2017), Quảng Nam là một trong ít địa phương đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục là điểm sáng, duy trì vai trò đầu tàu trong tăng trưởng, nổi bật là Tập đoàn THACO Chu Lai - Trường Hải, với nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra các nước, hướng đến hình thành Trung tâm Cơ khí ô tô quốc gia.
Phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1997 - 2017) và 42 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24.3.1975 - 24.3.2017), đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, lúc bấy giờ là Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Hai mươi năm tái lập tỉnh là bấy nhiêu năm những người con quê hương Hoàng Diệu, Thái Phiên, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Võ Chí Công, cùng biết bao anh hùng hào kiệt xứ Quảng, đã cùng nhau thi đua trong xây dựng và phát triển. Chúng ta vô cùng tự hào sau 20 năm đã đạt được những thành quả phát triển vượt bậc, trong khi vẫn luôn gìn giữ, phát huy các giá trị của địa phương và di sản truyền thừa quý báu từng làm nên một xứ Đàng trong phồn vinh trên bến, dưới thuyền, là nơi đất lành chim đậu; một xã hội có sức thu hút, dung nạp không gian văn hóa khắp bốn phương... Với xứ Quảng chúng ta thì dù có là 2 thế kỷ trước, 20 năm qua hay 200 năm nữa, đây đã và sẽ luôn là vùng đất mà ai từng qua đây rồi thì chân bước không đành”.
Tháng 10.2020, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam tiến hành Đại hội lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khi cả nước và cả tỉnh đang nỗ lực triển khai thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Đại hội nhấn mạnh: “Nhìn lại chặng đường 5 năm qua (2015 - 2020), có những thuận lợi nhất định; song, cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết một lòng, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra”.
- Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 6,85%/năm, nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao trong cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 63,3 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,2 triệu đồng. Thu ngân sách đạt 106.423 tỷ đồng trong 5 năm, thu nội địa tăng 10,16%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 là 137.767 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với giai đoạn 2011 - 2015 và có tốc độ tăng bình quân hơn 9,5%/năm. Định hướng phát triển ngày càng rõ nét hơn đối với vùng đồng bằng ven biển, vùng trung du miền núi, khu vực đô thị. Thực hiện ba nhiệm vụ đột phá gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đạt nhiều kết quả tích cực. Quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực duyên hải miền Trung.
- Cùng với phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả tích cực, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày càng đi vào thực chất hơn; công tác cán bộ, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động của MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội, HĐND, UBND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được nâng cao. Đó là nền tảng hết sức quan trọng để Quảng Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thảo luận, thống nhất đề ra 25 chỉ tiêu và 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong mục tiêu tổng quát, Đại hội nhấn mạnh: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết toàn dân, bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng; cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động xã hội; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái; tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.
Tự hào là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước. 550 năm, với bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng của quê hương đất Quảng anh hùng, cùng với những thành quả đã được bồi đắp, những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước, chúng ta có thể khẳng định rằng chặng đường đã qua cũng như chặng đường phía trước của Quảng Nam trong xu thế hội nhập, phát triển thì sức mạnh của lòng dân vẫn luôn là nhân tố vô cùng quan trọng và quyết định như lời chỉ dạy của Bác Hồ kính yêu: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong"./.