Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Nhớ về Triết Phu ở Nam Thạnh sơn trang

Ngày đăng: 10:26 | 01/03/2023 Lượt xem: 1549

Triết Phu là tên tự của Nguyễn Thành hay còn gọi là Nguyễn Hàm, người đời quen gọi ông là Ấm Hàm, hiệu là Nam Thạnh, sau đổi là Tiểu La; quê ở làng Thạnh Mỹ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, nay thuộc xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Tên tự Triết Phu của Nguyễn Thành. Triết là khôn ngoan, sáng suốt. Phu là đàn ông, người trưởng thành gánh vác việc đời (trượng phu). Triết Phu: hàm chứa ý nghĩa, bổn phận làm trai phải khôn ngoan, sáng suốt giúp đời. Lấy hiệu Tiểu La - Tiểu là nhỏ, La là tiếng kêu, cái thanh la. Tiểu La có ý nghĩa là tiếng kêu nhỏ hàm chứa “thấp cổ bé miệng”, mang tính khiêm tốn trong đấu tranh…(theo Lê Duy Anh - Lê Hoàng Vinh: Lần giở lịch sử - văn hóa miền Thuận Quảng, Nxb Đà Nẵng, 2004).

Nguyễn Thành xuất thân trong một gia đình quan lại triều Nguyễn. Thân sinh ông là cụ Nguyễn Trường, từng là Bố chánh tỉnh Bình Định và Kinh lược sứ dưới thời Tự Đức. Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, hiếu học, ham thích các sách nghiên cứu về lịch sử, địa lý, binh thư...như Đại Nam thực lục, Tôn Tử binh pháp, Vũ Hầu tâm thư...; nhờ đó, kiến thức ngày càng mở rộng, am tường nhiều lĩnh vực.

Năm 22 tuổi (1885), Tiểu La Nguyễn Thành ra Huế dự kỳ thi Hương nhưng gặp vận nước gian nguy, Kinh thành Huế thất thủ, khoa thi đành tạm hoãn. Từ đó ông tạm gác bút nghiên, về quê tham gia dưới cờ Nghĩa hội ở Quảng Nam. Lúc này, Tiểu La Nguyễn Thành được các lãnh tụ Nghĩa hội tin tưởng giao cho chức Tán tương quân vụ kiêm Tham biện tỉnh vụ; địa bàn hoạt động từ huyện Thăng Bình đến Quảng Ngãi.

Năm 1887, Nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng bị bao vây ráo riết ở chiến trường Ngãi - Định. Nguyễn Thành đã đưa quân vào tiếp ứng, quân của ông đã giúp Nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng thoát vòng vây của địch và củng cố Nghĩa Hội ở hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Thế nhưng, vì quân ít thế cô, vũ khí thô sơ lại không qua trường lớp huấn luyện cơ bản, phải đối phó trước quân đội tinh nhuệ hùng mạnh với vũ khí hiện đại nên Phong trào Cần Vương ở Nam - Ngãi - Định bước vào thời kỳ tan rã. Nguyễn Thành đưa quân về ứng cứu cho Nghĩa Hội Quảng Nam. Trên đường rút quân, ông bị giặc chặn đánh và bắt tại Cầu Cháy, Bình Sơn - Quảng Ngãi.

Tại nhà giam Quảng Ngãi, Nguyễn Thành khước từ mọi âm mưu mua chuộc, hòng lôi kéo ông cộng tác với Pháp do Nguyễn Thân thực hiện. Cuối cùng, nhằm làm xoa dịu và để thuyết phục con em giới sĩ phu lớp trước, kẻ thù buộc phải đưa ông về quản thúc tại quê nhà.

Từ đây Nguyễn Thành bắt đầu thời kỳ 16 năm mai danh ẩn tích, nhưng sục sôi lòng yêu nước. Tại quê nhà ông lập Nam Thạnh sơn trang, bề ngoài là một tổ chức sản xuất với thú điền viên, bên trong ông bí mật liên kết với sĩ phu văn thân yêu nước như: Tán Hai Lê Vĩnh Huy, Tán Tương Đỗ Đăng Tuyển, Tán Nhì (Ông Ích Nhì), Tán Thiện (Ông Ích Thiện), Châu Thượng Văn...nhất là kết tình giao du với các nhà khoa bảng yêu nước như: Chí sĩ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyện...

Tiếng lành đồn xa, từ năm 1903 Chí sĩ Phan Bội Châu - Người anh tài của Xứ Nghệ nghe tiếng bèn nhiều lần tìm đến thăm hỏi, và cùng bàn "mật nghị quốc sự". Tháng 5/1904, tại Nam Thạnh sơn trang, Nguyễn Thành cùng với Phan Bội Châu và nhiều sĩ phu yêu nước khác đã khai sinh ra Duy Tân hội, tiền thân của Phong trào Đông Du, tiền thân của Việt Nam Quang phục hội Xứ Nghệ và Xứ Quảng.

Năm 1908, Phong trào Duy Tân lên cao như sóng nước triều dâng, cuộc biểu tình kháng sưu đầu tiên nổ ra ở Đại Lộc nhanh chóng lan rộng ra khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Trung Kỳ mà sử quen gọi là "Trung Kỳ dân biến". Thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, hầu hết các nhà yêu nước đều bị bắt giết hoặc bị tù đày khổ sai. Cụ Nguyễn Thành Tiểu La bị bắt và kết án khổ sai chung thân, bị đày ra Côn Đảo tháng 8/1908. 

Ra đảo được mấy tháng, được tin tại quê nhà vợ mất, rồi sau đó người con gái qua đời. Kế tiếp là hung tin, Nhật cấu kết với Pháp trục xuất du học sinh Việt Nam và Phan Bội Châu ra khỏi Nhật Bản. Đau xót trước viễn cảnh "Nước mất nhà tan", Cụ lâm bệnh thổ huyết và mất tại Côn Đảo vào ngày 11/11/1911 khi tuổi đời chỉ mới 48 và mãi hơn 50 năm sau (1957), con cháu cụ Tiểu La mới đưa hài cốt của cụ về an táng tại quê nhà.


Nhân kỷ niệm 160 năm ngày sinh của Chí sĩ yêu nước Tiểu La Nguyễn Thành (1863 - 2023), trong những ngày đầu Xuân Quý Mão -2023, chúng tôi có dịp cùng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thăng Bình về lại Nam Thạnh sơn trang để thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính, tri ân, tưởng nhớ Nhà chí sĩ yêu nước lớn của dân tộc, người con ưu tú của đất Quảng.

Qua bài viết này, chúng tôi muốn ghi lại những ý kiến của các yếu nhân cùng thời với cụ Tiểu La Nguyễn Thành và các nhà nghiên cứu lịch sử trong nước để một lần nữa khắc họa đậm nét, làm sáng tỏ thêm những đóng góp quan trọng, xứng đáng của một nhân vật kiệt hiệt trong giai đoạn lịch sử từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Như chúng ta đã biết, cái chết của Tiểu La Nguyễn Thành đối với Phan Bội Châu là một sự tổn thất vô cùng lớn lao. Phan Bội Châu xem ông là người anh kính mến, theo đó trong các tác phẩm của mình như: Tiểu La liệt truyện, Việt Nam nghĩa liệt sử, Truyện cụ Tiểu La...đều ghi chép rất xúc động về công đức, hành trạng của Tiểu La Nguyễn Thành; trong đó có bài văn khóc cụ Tiểu la rất thống thiết:

"Kể bạn đồng chí đồng sự trong mấy năm ấy, thâm tri em chẳng ai hơn anh, mà thâm tri anh cũng chẳng ai hơn em. Ôi! Anh ôi! Em nay lẻ loi lận đận, trời xế đường xa, kể tâm sự với ai? Thăm đường lối với ai?...Anh ôi! Anh ôi! Lịch sử anh thế nào, nhân cách anh thế nào, những ai là người có tâm huyết, có mắt có tai, chắc đều biết thảy!...Than ôi! Thất bại mà vẫn anh hùng, Thời cùng mới thấy tiết nghĩa!..." . Hoặc, khi cụ Phan Bội Châu hoạt động tại Nhật, có gửi thư cho cụ Phan Châu Trinh về phương sách tập hợp lực lượng cứu nước, có đề cập: "Trước đây tôi đã đi qua quý tỉnh, những người tôi đã được cùng nói chuyện đều là người tốt cả. Nhưng nói đến tài tùy cơ ứng biến, phân tích, phán đoán việc đời thì theo tôi, không ai bằng Tiểu La hết".

Khi Tiểu La Nguyễn Thành mất ở Côn đảo, cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng có câu đối ngợi ca sự nghiệp cứu nước của ông: "Hai mươi năm giống trái vẫn còn, nào kinh tế, nào quân lữ, nào bí mật vận động gia, trăm lần uốn chả cong, đời cựu buổi tân, vị trí nghiễm nhiên giành một chiếu; Đôi ba bạn ruột rà thân thiết, kẻ sang Đông, người sang Tây, kẻ lại cùng hoang đầy đọa, một ngày kia về nước, đỡ sau vùa trước, tiền trình buồn nỗi thiếu hai tay". 

Chí sĩ Thái Sơn Đặng Nguyên Cẩn, người bạn tù Côn đảo cũng thương khóc ông: "Triết phu ông hỡi Triết phu! Ba năm tân khổ tội tù có nhau. Diêm đài ông nỡ về mau, Người tài kẻ trí trước sau vắng dần. Trong hàng đồng chí xa gần, Biết ai rồi nữa đỡ đần cho nhau..."...

Và, cách đây gần 20 năm, tại cuộc hội thảo khoa học: "100 năm Duy Tân hội và thân thế sự nghiệp Tiểu La Nguyễn Thành" do Sở VHTT Quảng Nam phối hợp với UBND huyện Thăng Bình tổ chức; lúc này, Giám đốc Sở VHTT Nguyễn Đức Tuấn đã khẳng định: "...tấm lòng yêu nước thiết tha, dám dấn thân cứu nước trong điều kiện hết sức khó khăn, bế tắc, với tấm lòng kiên định và bất khuất, mưu trí và dũng cảm, tài năng và đức độ, ông xứng đáng được xem như chiếc cầu nối ba thế hệ cứu nước từ phong trào Cần Vương (Nghĩa hội Quảng Nam) - Duy Tân hội - Khởi nghĩa Duy Tân (1916 do Trần Cao Vân và Thái Phiên tự xướng). Tất cả những đóng góp của Nguyễn Thành sẽ sống mãi trong lòng dân tộc và sẽ là những bài học lớn cho chúng ta".

..."Có thể khẳng định rằng, nói đến Phan Bội Châu thời kỳ Duy Tân hội không thể không nói đến Tiểu La Nguyễn Thành. Tiểu La chính là cố vấn ngay từ đầu của Phan Bội Châu" (PGS. Vũ Huy Phúc); "Chí sĩ yêu nước Tiểu La Nguyễn Thành là một nhân vật kiệt hiệt trong phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX" (PGS.TS. Ngô Văn Minh); "Nguyễn Thành - bậc hào kiệt khả kính, một trong những dũng tướng xuất sắc của nghĩa hội, một tấm gương yêu nước mãi mãi sáng ngời; tên ông còn mãi với Quảng Nam, với cả non sông đất nước này". (Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần); " Phong trào Duy Tân - Đông Du và phong trào canh tân- chống thuế trong thập niên đầu của thế kỷ XX đều xuất phát từ Quảng Nam, nơi đã cống hiến cho dân tộc nhiều nhà yêu nước canh tân nổi tiếng như Nguyễn Thành, Phan Châu trinh, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thành Tài, Thái Phiên...là những minh chứng mà không phải tỉnh nào và thời nào cũng có" (PGS.TS. Đỗ Bang - Đỗ Quỳnh Nga); "...48 tuổi đời (1863-1911), ngót 26 năm lăn lộn với phong trào yêu nước, chiến đấu dưới ngọn cờ CẦN VƯƠNG, xông pha trận mạc với Nghĩa quân NGHĨA HỘI QUẢNG NAM trong những năm cuối thế kỷ XIX, nhất là thành lập NAM THẠNH SƠN TRANG, tạo tiền đề cho hoạt động ĐÔNG DU, PHONG TRÀO DUY TÂN đầu thế kỷ XX, Tiểu La Nguyễn Thành đã nêu cao ý chí chống kẻ thù xâm lược và tay sai trong sự nghiệp cứu nước đầy vinh quang, thử thách;...Tiểu La Nguyễn Thành xứng đáng được ghi vào bia đá và dựng tượng đồng, nơi ông đã sinh ra và lớn lên để đời đời ghi nhớ, học tập phẩm chất cao quý của ông." (Nhà nghiên cứu Hải Ngọc Thái nhân Hòa); "...tôi khẳng định một cách trung thực rằng: Quảng Nam mới đích thực là cái nôi sinh ra phong trào Đông Du, Tiểu La Nguyễn Thành mới đích thực là vị lãnh đạo phong trào Đông Du" (Nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Duy Hy); "...Tiểu La Nguyễn Thành là một trong những hiện tượng, những sự kiện quan trọng của khuynh hướng Duy Tân đầu thế kỷ XX, trong phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Hội Duy Tân là sản phẩm của lịch sử nhưng nó gắn liền với tên tuổi không thể tách rời giữa Phan Bội Châu và Tiểu La Nguyễn Thành. Đó là 2 nhân vật lớn của lịch sử dân tộc nước ta, của lịch sử giải phóng dân tộc nước ta và của khuynh hướng Duy Tân ở Việt Nam chúng ta" (Nhà Sử học Dương Trung Quốc).

Năm nay, kỷ niệm 160 năm ngày sinh Chí sĩ yêu nước Tiểu La Nguyễn Thành (1863 -2023), một nhân vật kiệt hiệt trong giai đoạn lịch sử từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, một người con ưu tú của Quảng Nam nói chung và huyện Thăng Bình nói riêng, là dịp để mỗi chúng ta "Noi gương hào kiệt: dạ sắt lòng son; Nối bước anh linh: thành tâm chánh ý. Đồng lòng dâng nén tâm hương; Cung chiêu anh hồn chí sĩ". 

Nhớ về Triết Phu ở Nam Thạnh sơn trang là cách để chúng ta ôn cố tri tân, tiếp tục nghiên cứu sâu sắc hơn về tinh thần dấn thân cứu nước, công đức ngời sáng của Tiểu La Nguyễn Thành để phục vụ tốt hơn trong sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước./.

Tác giả: Nguyễn Hữu Sáng-Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?