Trong những năm qua, cấp uỷ, tổ chức đảng, UBKT các cấp thuộc Đảng bộ tỉnh Quảng Nam luôn xác định khiếu nại kỷ luật đảng là quyền của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật, tổ chức đảng có thẩm quyền phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời, đúng quy định. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, cấp ủy, UBKT các cấp thuộc Đảng bộ tỉnh đã thi hành kỷ luật 46 tổ chức đảng, 1.849 đảng viên vi phạm, có 23 đảng viên thực hiện quyền khiếu nại kỷ luật (chiếm tỷ lệ 1,2% tổng số đảng viên bị kỷ luật), trong đó có 19 trường hợp khiếu nại về nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật, 4 trường hợp khiếu nại về nguyên tắc, quy trình, thủ tục; qua giải quyết, tổ chức đảng có thẩm quyền đã chuẩn y hình thức kỷ luật đối với 18 đảng viên, giảm hình thức kỷ luật 2 đảng viên, xoá hình thức kỷ luật 3 đảng viên (chiếm tỷ lệ 13% so với tổng số đảng viên khiếu nại). Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cấp ủy, UBKT các cấp đã kỷ luật 11 tổ chức đảng và 940 đảng viên vi phạm, có 5 đảng viên thực hiện quyền khiếu nại kỷ luật (chiếm tỷ lệ 0,5%), khiếu nại cả về nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật; qua giải quyết, tổ chức đảng có thẩm quyền đã chuẩn y hình thức kỷ luật đối với 3 đảng viên, xoá hình thức kỷ luật 2 đảng viên (chiếm tỷ lệ 40%).
Nhìn chung, cấp uỷ, tổ chức đảng, UBKT các cấp tỉnh Quảng Nam thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, cơ bản đúng thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thời gian quy định, không có hiện tượng dìm bỏ không giải quyết, đảm bảo quyền dân chủ của tổ chức đảng, đảng viên trước kỷ luật đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng. Những trường hợp đảng viên bị xử lý kỷ luật oan, sai đều được xoá bỏ hoặc thay đổi hình thức kỷ luật, khôi phục quyền lợi, danh dự, minh oan cho đảng viên; đồng thời, làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm nghiêm túc tổ chức đảng đã quyết định thi hành kỷ luật không đúng, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Đoàn giải quyết khiếu nại UBKT Tỉnh ủy thẩm tra, xác minh
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy, UBKT chưa nắm vững nghiệp vụ nên có vụ, việc quá trình giải quyết chưa đúng nguyên tắc, quy trình, có biểu hiện làm lướt, chưa coi trọng công tác thẩm tra, xác minh, chủ yếu vẫn dựa vào kết quả thẩm tra, xác minh của tổ chức đảng cấp dưới đã quyết định thi hành kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại, dẫn đến kết quả giải quyết không khách quan; có trường hợp việc thu thập, phân tích thông tin, chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ, từ đó chưa đánh giá đúng về tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm của đảng viên, dẫn đến kết luận, xử lý oan, sai; tổ chức đảng cấp trên khi giải quyết khiếu nại phải xóa hình thức kỷ luật. Một số ít trường hợp thời gian giải quyết khiếu nại kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến quyền lợi của đảng viên. Đồng thời, một số cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về trách nhiệm, quyền hạn, ý nghĩa, tác dụng của việc giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của tổ chức mình. Vẫn còn có trường hợp cấp ủy “khoán” cho UBKT tham mưu giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, không trực tiếp chỉ đạo, giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền mà giao UBKT tham mưu ban thường vụ cấp uỷ thành lập đoàn (tổ) kiểm tra và tham mưu triển khai giải quyết khiếu nại, thậm chí có trường hợp cán bộ tham gia kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại trước đây tiếp tục tham gia, giúp ban thường vụ cấp uỷ giải quyết khiếu nại, dẫn đến không đảm bảo tính khách quan, đa số các trường hợp giải quyết của ban thường vụ thường là chuẩn y kết quả kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại của UBKT.
Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết khiếu nại, vẫn còn trường hợp tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại trước đó có tâm lý bảo thủ, cho rằng quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật của mình là đúng, gây khó khăn, thiếu hợp tác với đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại, khi tổ chức đảng cấp trên thay đổi, xóa bỏ hình thức kỷ luật thì không đồng tình, sợ ảnh hưởng uy tín. Một số đoàn, tổ kiểm tra, giải quyết khiếu nại còn có biểu hiện nể nang, ngại va chạm với tổ chức đảng đã kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại trước đó, có tâm lý định kiến với người khiếu nại, khiến cho người khiếu nại thiếu tin tưởng, tiếp tục khiếu nại lên cấp trên. Có một số đảng viên khiếu nại để “cầu may” với hy vọng tổ chức đảng cấp trên xem xét, xử lý giảm nhẹ hoặc xóa hình thức kỷ luật, dẫn đến gửi đơn khiếu nại nhiều cấp gây lãng phí thời gian và công sức giải quyết; còn có đảng viên ý thức tổ chức kỷ luật kém, bảo thủ, khi làm việc với đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại nhận thấy khả năng không thay đổi hình thức kỷ luật thì phản ứng gay gắt, thiếu hợp tác, thậm chí tố cáo cán bộ kiểm tra đã giải quyết khiếu nại của mình.
Qua thực tiễn giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của cấp ủy, UBKT các cấp tỉnh Quảng Nam thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, cấp ủy các cấp phải nhận thức đúng, đầy đủ, lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm được giao trong giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy khi giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền không “khoán trắng” cho UBKT cùng cấp trong việc tham mưu, triển khai thực hiện mà phải trực tiếp chỉ đạo, thực hiện; cấp ủy có thể cơ cấu cán bộ UBKT cùng cấp tham gia đoàn giải quyết khiếu nại của cấp ủy để tham mưu về quy trình, nguyên tắc, thủ tục nhưng không được cơ cấu những cán bộ đã tham gia kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại trước đó để đảm bảo tính khách quan.
Hai là, UBKT các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm, giải quyết khiếu nại đúng theo chức năng, nhiệm vụ; tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện giải quyết khiếu nại đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khách quan, dân chủ. Đồng thời, quan tâm theo dõi, hướng dẫn cho cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT cấp dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đúng quan điểm, thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình, thủ tục. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong đảng đối với tổ chức đảng cấp dưới để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế, xử lý nghiêm những trường hợp có khuyết điểm, vi phạm trong thi hành kỷ luật, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, nhất là xử lý kỷ luật oan, sai hoặc xử lý không đúng mức.
Ba là, quá trình kiểm tra, giải quyết khiếu nại phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc, phương pháp tiến hành, quy trình về kiểm tra của Đảng, không xem nhẹ, không làm lướt, bỏ qua các bước theo quy định. Cấp ủy, UBKT các cấp và cán bộ, đảng viên trong quá trình kiểm tra, giải quyết khiếu nại phải thực hiện đúng phương pháp công tác Đảng, tuân thủ nguyên tắc, quy trình, thủ tục kiểm tra; nắm chắc mục đích, yêu cầu, nội dung giải quyết khiếu nại. Không được làm lướt, bỏ qua các khâu, các bước theo quy trình, nhất là phải tiến hành thẩm tra, xác minh. Kinh nghiệm kiểm tra, giải quyết khiếu nại cho thấy, thẩm tra, xác minh là khâu hết sức quan trọng, chưa thẩm tra, xác minh thì chưa kết luận; quá trình thẩm tra, xác minh phải thận trọng, chặt chẽ, không được chủ quan sử dụng kết quả kiểm tra, giải quyết khiếu nại của tổ chức đảng trước đó. Khi xây dựng báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, phải thể hiện rõ, đầy đủ từng nội dung cụ thể, lập luận chặt chẽ, nêu đầy đủ kết quả kiểm tra về từng nội dung khiếu nại, làm rõ những điểm khác nhau giữa nội dung khiếu nại kỷ luật với quyết định kỷ luật, quyết định giải quyết khiếu nại trước đó, đảm bảo khách quan, chính xác, thuyết phục. Tham mưu kết luận giải quyết khiếu nại phải xem xét đúng nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm; trường hợp vi phạm oan, sai phải kiên quyết xóa hoặc giảm nhẹ hình thức kỷ luật, bảo vệ quyền lợi đảng viên, trường hợp tổ chức đảng bỏ sót nội dung vi phạm, xử lý chưa đúng mức thì phải tăng nặng hình thức kỷ luật, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Bốn là, làm tốt công tác tư tưởng, nắm bắt diễn biến tâm lý của đối tượng khiếu nại và đối tượng bị khiếu nại để động viên, thuyết phục. Giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng là nhiệm vụ gặp nhiều vướng mắc vì đối tượng khiếu nại đa số bức xúc với quyết định kỷ luật, đề nghị tổ chức đảng cấp trên phải giải quyết theo đúng yêu cầu, tâm tư, nguyện vọng chủ quan của mình; trong khi đó, tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật hoặc đã giải quyết khiếu nại trước đó thường có tâm lý bảo thủ, không muốn tổ chức đảng cấp trên thay đổi quyết định của mình, nhất là quyết định giảm hoặc xóa hình thức kỷ luật. Vì vậy, đoàn kiểm tra, cán bộ kiểm tra cần làm tốt công tác tư tưởng, kết hợp chặt chẽ giữa động viên, thuyết phục, đối thoại, phản biện để tổ chức đảng, đảng viên liên quan nhận thấy trách nhiệm của mình. Để làm được điều đó, chủ thể kiểm tra, cán bộ kiểm tra cần sử dụng tốt các kỹ năng: thái độ làm việc tích cực, nghiêm túc, nắm chắc tâm lý đối tượng khiếu nại và đối tượng bị khiếu nại; chặt chẽ, nhạy bén trong nhận xét, đánh giá vụ việc, kiên nhẫn và mềm dẻo trong ứng xử với đối tượng kiểm tra, các tổ chức, cá nhân liên quan.
Năm là, cấp ủy, UBKT các cấp xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cấp uỷ, tổ chức đảng, UBKT đã thi hành kỷ luật oan, sai đối với đảng viên. Từ kết quả giải quyết khiếu nại ở Đảng bộ tỉnh Quảng Nam cho thấy, việc thay đổi, xoá bỏ hình thức kỷ luật đối với đảng viên không phải là nhỏ, trong đó có nhiều trường hợp xoá bỏ hình thức kỷ luật do oan, sai nhưng các tổ chức đảng kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại trước đó chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chưa có cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý kỷ luật, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng hoặc trưởng đoàn kiểm tra xử lý kỷ luật hoặc đoàn giải quyết khiếu nại. Thực tiễn cho thấy, một số tổ chức đảng, đoàn kiểm tra trong quá trình thi hành kỷ luật, giải quyết khiếu nại còn thiếu trách nhiệm, chủ quan, không thực hiện tốt công tác thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ chứng minh vi phạm, có biểu hiện trù dập đảng viên, dẫn đến kỷ luật oan, sai. Vì vậy, phải xem xét, xử lý trách nhiệm tổ chức đảng, đảng viên để xảy ra oan, sai; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải được xử lý kỷ luật kịp thời, thể hiện sự nghiêm minh và công bằng trong kỷ luật đảng, không có ngoại lệ đối với mọi đảng viên và tổ chức đảng; đồng thời, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, các tổ chức đảng và UBKT có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ phải thận trọng và nghiêm túc hơn nữa đối với việc xem xét, thi hành kỷ luật, giải quyết khiếu nại đối với tổ chức đảng, đảng viên.