Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam lần thứ 3 (Khóa XXI) về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 đã đánh giá:
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống quy định quản lý nhà nước về cải cách hành chính từng bước được hoàn thiện. Cải cách thủ tục hành chính được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, giảm phiền hà, giảm chi phí, cải thiện môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, trong công tác cải cách hành chính vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Công tác tuyên truyền về cải cách hành chính chưa sâu rộng, chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa trong đại bộ phận người dân, doanh nghiệp. Nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa rõ, chưa đầy đủ, thiếu sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính. Hệ thống cơ chế, chính sách của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh...Đặc biệt, chưa có một cơ chế pháp lý đủ mạnh để ràng buộc trách nhiệm, phát hiện, xử lý kỷ luật các cơ quan, đơn vị, cá nhân có biểu hiện tiêu cực, phiền hà, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Đây chính là nguyên nhân trọng yếu, nguồn gốc của việc cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra.
Theo kết quả công bố của Bộ Nội vụ, chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2015, tỉnh Quảng Nam đạt 84,43/100 điểm, thấp hơn mức trung bình cả nước là 85,11 điểm; xếp vị thứ 38 trên 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Đáng chú ý, có 3 tiêu chí có điểm số thấp; đó là: điểm chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính là 90,55 (vị thứ 49/63); điểm hiện đại hóa nền hành chính chỉ đạt 66,6 (vị thứ 50/63); điểm áp dụng cơ chế một cữa, một cữa liên thông đạt 84,52 (vị thứ 49/63). Đặc biệt, điểm áp dụng ISO; tỷ lệ số cơ quan thực hiện cơ chế một cữa, cơ sở vật chất và mức độ hiện đại hóa hành chính là một trong những tỉnh trong nhóm thấp nhất cả nước.
Tỉnh ủy Quảng Nam đã xác định: Cải cách hành chính là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; do vậy, cần được chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt trong toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng suất, chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, tính minh bạch và thái độ phục vụ nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản và rút ngắn thời gian về thủ tục cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch với các cơ quan trong hệ thống chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Đổi mới tư duy từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”; trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, phục vụ nhân dân; quyết tâm nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức, người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy hành chính; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao.
Đến hết năm 2016, hoàn thành việc rà soát lại toàn bộ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế trong toàn tỉnh; đảm bảo hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở thông suốt, trong sạch, tinh gọn, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
Trong giai đoạn từ 2016 - 2020, phấn đấu đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vào tốp 10, Chỉ số cải cách hành chính ở vị thứ 15 - 20 trên bảng xếp hạng hằng năm của cả nước; thể chế hành chính được đảm bảo tính thống nhất với quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; 100% văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đảm bảo cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục, thể thức và kỹ thuật trình bày; 100% các thủ tục hành chính được đưa vào tiếp nhận, giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; Giảm ít nhất 30% tổng thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính ngay trong năm 2016. Mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính, dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp đạt trên 80%; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước; 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp triển khai cơ cấu công chức, viên chức theo đúng đề án được phê duyệt; 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt tiêu chuẩn theo chức danh.
Đến năm 2020, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, sâu rộng, an toàn, bảo mật trong các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và trong các cơ quan hành chính nhà nước, thúc đẩy cải cách hành chính; cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trong nhiều lĩnh vực phục vụ nhân dân.
Nghị quyết của Tỉnh ủy cũng đưa ra 9 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để tập trung thực hiện cải cách hành chính trong thời gian đến, đó là: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, gắn với việc đổi mới hệ thống chính trị, cải cách tư pháp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước; (2) Hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa một số lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; (3) Triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa liên thông hiện đại, cải thiện mạnh môi trường kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực của xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; (4) Tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm và tận tụy phục vụ nhân dân; nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ; (5) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, rà soát, phân định cụ thể chức năng, phạm vi quản lý, kiện toàn tổ chức các cơ quan chuyên môn; sắp xếp, chuyển đổi mô hình tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm đầu mối và phù hợp với tình hình thực tế; (6) Cải cách tài chính công, nâng cao tính minh bạch, dân chủ và công khai trong quản lý ngân sách, đổi mới cơ chế cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tự chủ, minh bạch; (7) Hiện đại hóa nền hành chính, đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng mô hình điểm về cải cách hành chính của tỉnh và áp dụng mô hình “cơ quan điện tử” tại thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An và thị xã Điện Bàn; (8) Đẩy mạnh cải cách hành chính trong các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 7 khoá XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” và Kết luận số 82-KL/TW, ngày 16-8-2010 của Bộ Chính trị về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng; (9) Tăng cường công tác tuyên truyền cải cách hành chính; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, xã hội và nhân dân tham gia giám sát, kiểm tra và thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.
Bảo đảm cho công tác cải cách hành chính thật sự là một khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của các cấp uỷ, cơ quan nhà nước, cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của người dân. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cải cách hành chính là hành động thiết thực, là nhiệm vụ đột phá trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Nhà nước ta thực sự của dân, do dân và vì dân./.