Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 8,11%. Cơ cấu GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực nông nghiệp còn 12%, phi nông nghiệp 88%; GRDP bình quân đầu người hơn 61 triệu đồng/người, cao hơn bình quân cả nước.
Công nghiệp tiếp tục giữ vai trò động lực, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng gần 13,3%; hoạt động du lịch tăng trưởng khá, tổng lượt khách tham quan, lưu trú trên 6,5 triệu lượt, tăng 21,5%; tổng thu ngân sách nhà nước tăng, đạt 119,6% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 123,6% dự toán so với dự toán.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, tỉnh đã sắp xếp, ổn định dân cư cho 1.860 hộ đạt 65,6% kế hoạch. Tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới, có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến cuối năm 2018 là 86 xã, đạt tỷ lệ 42,15%. Các chương trình, chính sách giảm nghèo, khuyến khích thoát nghèo bền vững đạt kết quả tốt. Năm 2018, giảm được 6.574 hộ nghèo (giảm 1,71% so với năm 2017).
Triển khai thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực.
Tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhất là các dự án vùng Đông, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành 02 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp: Đông Quế Sơn và KCN cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải; nâng số lượng các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải lên 06/07 KCN (tỷ lệ 85,7%). Tập trung quyết liệt chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp lập lại kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, lâm sản nhất là cát, sỏi trên sông Vu Gia, Thu Bồn; triển khai phương án kiểm tra, truy quét các địa bàn trọng điểm về tài nguyên lâm sản, khoáng sản.
Đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được nâng cao. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, điều trị bệnh và các chương trình y tế được triển khai rộng khắp. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn; cải cách cách hành chính được đẩy mạnh...
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội Quảng Nam vẫn còn những khó khăn thách thức: Hơn 90% doanh nghiệp trong tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên khó khăn trong huy động vốn, chậm đổi mới công nghệ, khả năng cạnh tranh thấp, sản xuất, kinh doanh còn khó khăn. Chất lượng đào tạo lao động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục về đất đai, cơ chế chính sách, tiếp cận vốn. Công tác phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số thời điểm và một số địa bàn.
Năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của tỉnh. Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế thế giới chuyển biến tích cực nhưng diễn biến phức tạp, chính sách vĩ mô tiếp tục có những tác động đến lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ của các tổ chức, doanh nghiệp, đòi hỏi phải tập trung thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2019 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh; tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, dạy nghề, thể thao và môi trường. Phấn đấu, thành lập mới 1.000 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động lên 7.700 doanh nghiệp; phát triển thêm 30 hợp tác xã, nâng số hợp tác xã hoạt động lên 331 hợp tác xã.
Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba nhiệm vụ đột phá, chiến lược: về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; cải thiện môi trường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực. Huy động các nguồn lực, đảm bảo tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm trong tỉnh. Tiếp tục phát triển, khớp nối hạ tầng giao thông; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Triển khai quản lý và tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện Quy hoạch hệ thống Cảng Kỳ Hà, Sân bay Chu Lai… Tiếp tục đầu tư hạ tầng xã hội thiết yếu như hệ thống trường học các cấp, cơ sở khám chữa bệnh cho lao động tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc và khu công nghiệp hiện có.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý, giải quyết của tỉnh; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề; thực hiện chương trình đào tạo gắn với giải quyết việc làm, ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu thực tế, có trọng tâm. Tăng cường đào tạo kỹ năng chuyên sâu, tăng thời gian thực hành cho học viên.
Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội miền núi, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục triển khai các giải pháp triển khai thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển miền núi; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu năm 2019, có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 99 xã, đạt trên 48,5% tổng số xã.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng, lãng phí; tổ chức tốt công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; thực hiện lộ trình tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đột phá mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa liên thông hiện đại, cải thiện mạnh môi trường kinh doanh, huy động nguồn lực xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết ngay từ cơ sở, hạn chế khiếu kiện, khiếu nại đông người, vượt thẩm quyền. Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra và việc xử lý sau thanh tra.
Năm là, phát triển văn hóa, xã hội gắn với chăm lo đời sống nhân dân. Triển khai tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện năm 2019, trong đó chú trọng hoạt động kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa Thế giới, 10 năm Cù Lao Chàm – Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị dạy – học, phục vụ đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra ở người. Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 và các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xác lập, bảo vệ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ ưu đãi người có công cách mạng, thanh niên xung phong, trợ cấp, bảo hiểm xã hội; thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, an sinh xã hội có hiệu quả, nâng mức sống cho các hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội theo Nghị quyết HĐND tỉnh kỳ họp thứ IX.
Sáu là, tăng cường quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản, môi trường. Thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản. Kiểm soát chặt chẽ khu vực rừng giáp ranh giữa các huyện trong tỉnh, giữa tỉnh Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Kon Tum. Tăng cường sự vào cuộc quyết liệt của cấp chính quyền cấp huyện, xã, các cơ quan chuyên môn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý hiện trạng, để tập trung thực hiện tốt các dự án. Tập trung giải quyết tốt vấn đề môi trường ở các khu, cụm công nghiệp; tổ chức đấu nối quan trắc tự động đối với một số nhà máy sản xuất có xả thải ra môi trường. Chú trọng xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế; giải quyết vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Ðẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường biển, vùng ven biển, đảo; bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng; bảo vệ và phát huy khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Thực hiện nghiêm các qui định về bảo vệ các giống loài động thực vật quý hiếm.
Bảy là, chú trọng kết hợp củng cố quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là ở địa bàn trọng điểm, vùng biên giới, vùng an toàn khu. Xây dựng lực lượng dự bị động viên, tổ chức huấn luyện, diễn tập phòng thủ cấp tỉnh năm 2019 theo kế hoạch. Tổ chức giao quân đúng kế hoạch, đủ chỉ tiêu, đảm bảo chất lượng. Thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt, xây dựng “biên giới mẫu mực” giữa hai tỉnh Quảng Nam – Sê Kông.
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phát huy kết quả đạt được của năm 2018, khắc phục các hạn chế để phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, tiến đến thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI./.
Đinh Văn Thu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh