Theo nhận định của VCCI, kết quả PCI 2018 không có nhiều thay đổi trong danh sách những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước so với năm 2017. Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng với 70,36 điểm, đây là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh này có được vị trí quán quân trên bảng xếp hạng PCI. Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2018 là Đồng Tháp, một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, năm nay tiếp tục phá vỡ kỷ lục của chính mình, khi đạt 70,19 điểm và xác lập năm thứ 11 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. Lần lượt đứng ở vị trí thứ 3 và thứ 4 trong bảng xếp hạng PCI 2018 là Long An (68,09 điểm) và Bến Tre (67,67 điểm), hai tỉnh này đều tăng 1 bậc so với năm 2017. Trong năm vừa qua, Đà Nẵng được các doanh nghiệp đánh giá có cải thiện trong việc giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Đà Nẵng sụt giảm; đã lùi xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng PCI 2018, với 67,65 điểm từ vị trí thứ 2 của năm ngoái. Năm tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2018 bao gồm Bình Dương (66,09 điểm), Quảng Nam (65,85 điểm), Vĩnh Long (65,53 điểm), Hà Nội (65,39 điểm) và TP. Hồ Chí Minh (65,34 điểm).
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, tỉnh Quảng Nam đạt 65,85 điểm, xếp vị thứ 7/63 tỉnh, thành phố (năm 2017 xếp hạng thứ 7/63) và xếp thứ 2/12 khu vực Duyên hải miền Trung gồm 12 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Nghệ An, Bình Định, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Trị và Quảng Bình).
Phân tích riêng kết quả 10 chỉ số thần phần PCI 2018 của Quảng Nam có 5 chỉ số tăng – 5 chỉ số giảm. Trong đó, các chỉ số Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động của chính quyền cấp tỉnh và Thiết chế pháp lý đều giảm so với năm 2017.