Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Định hướng và giải pháp triển khai thực hiện các dự án trọng điểm tại vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam

Ngày đăng: 21:19 | 30/11/2019 Lượt xem: 4043

Vùng Đông Thăng Bình được xác định nằm trong cụm động lực của tỉnh(1), đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói chung và huyện Thăng Bình nói riêng. Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 25-KL/TU, ngày 27/4/2016 của Tỉnh ủy về định hướng và giải pháp triển khai thực hiện các dự án trọng điểm tại vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Các dự án trọng điểm đã và đang đầu tư ở vùng Đông đã mở ra cơ hội thay da đổi thịt cho vùng cát trắng. Đời sống của người dân chuyển biến mạnh mẽ khi các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ ngày càng phát triển.

Việc đẩy mạnh xây dựng và phát triển vùng Đông trở thành vùng động lực của tỉnh là một trong những mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Để triển khai thực hiện đạt được mục tiêu đó, tỉnh Quảng Nam xác định cần phải xây dựng chiến lược phát triển vùng Đông Nam một cách bài bản, lâu dài với nòng cốt là những nhóm chương trình, dự án trọng điểm nhằm tạo sự thúc đẩy phát triển lan tỏa. 
Vùng Đông của huyện Thăng Bình được huyện và tỉnh quy hoạch, kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án lớn về du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, khớp nối đồng bộ với quy hoạch của Khu Kinh tế mở Chu Lai về phía Nam và huyện Duy Xuyên về phía Bắc. Gắn phát triển kinh tế với đời sống và an sinh xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân; quy hoạch, bố trí các khu tái định cư gắn với phát triển ngành nghề, văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, sau khi Kết luận 25-KL/TU được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị tổ chức triển khai thực hiện. 
Cùng với việc tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt kết luận, Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 25-KH/HU, ngày 30/8/2016 về triển khai thực hiện Kết luận 25-KL/TU của Tỉnh ủy. Để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, công tác quản lý hiện trạng các dự án vùng Đông của huyện; thành lập Tổ tuyên truyền, vận động thực hiện các dự án trọng điểm vùng Đông của huyện. Chỉ đạo UBND huyện ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và quản lý đất đai trên địa bàn vùng Đông huyện Thăng Bình; thành lập Tổ quản lý vùng Đông. Chỉ đạo Công an huyện thành lập tổ công tác thường xuyên phân công lực lượng hỗ trợ công tác quản lý hiện trạng ở các xã vùng Đông. UBND huyện đã xây dựng quy chế phối hợp với BQL Khu Kinh tế mở Chu Lai nhằm tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, bồi thường hỗ trợ tái định cư các dự án trọng điểm vùng Đông. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND thường xuyên làm việc với các địa phương và các ngành chức năng để chỉ đạo thực hiện công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, quản lý hiện trạng, giải quyết những vướng mắc, tồn đọng liên quan đến triển khai dự án. Việc tổ chức học tập, nghiên cứu quán triệt và triển khai Kết luận số 25-KL/TU của Tỉnh ủy được Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Qua đó giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc về chủ trương, quan điểm, mục tiêu của Tỉnh ủy trong công tác triển khai các dự án trọng điểm vùng Đông Nam của tỉnh, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc triển khai các dự án tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là đối với các xã vùng Đông của huyện, từ đó đã tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tổ chức triển khai thực hiện.
Trong thời gian qua, tỉnh và huyện đã tập trung đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, triển khai thực hiện các dự án đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ khi Cầu Cửa Đại, tuyến đường bộ ven biển 129 hoàn thành đưa vào sử dụng đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, làm thay đổi và tạo nên một diện mạo mới tại vùng Đông của huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động sang các ngành dịch vụ. Công tác đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ cho các dự án được quan tâm, như đầu tư các tuyến giao thông kết nối ven biển với Quốc lộ 1A, với cao tốc, nâng cấp tuyến 14E từ Bình Minh đến QL1A ; tuyến giao thông từ Khu tái định cư ven biển Bình Minh đến Quốc lộ 1A (tại Cây Cốc), đường nối từ Quốc lộ 1A (tại Cây Cốc) đến nút giao giữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; tuyến giao thông từ cầu Bình Dương đến Khu tái định cư ven biển Bình Dương; lập thủ tục đầu tư cầu Bình Nam 1, 2… Hiện đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) để đầu tư xây dựng dự án cầu Bình Đào trên tuyến Quốc lộ 14E; xúc tiến, làm việc với tỉnh đề nghị quan tâm đầu tư dự án cầu Bình Sa - Bình Hải; tuyến giao thông từ đường 129 (Bình Sa) đến Khu công nghiệp Đông Quế Sơn; đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển(2); đường vành đai nối ĐT613 (từ Trung tâm sát hạch lái xe Quảng Nam tại xã Bình Nguyên) lên các xã vùng Tây của huyện tạo thuận lợi cho giao thương, buôn bán, đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt tuyến đường bộ ven biển qua địa phận Thăng Bình, đã mở ra hướng đi mới cho vùng đất cát ven biển của huyện, tạo cơ hội lớn trong kêu gọi, thu hút các dự án vào đầu tư, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của địa phương trong phát triển du lịch và các dự án nghĩ dưỡng cao cấp. 
Từ khi dự án Vinpearl Nam Hội An đi vào hoạt động, đã thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng ở cả khu vực trung tâm lẫn vùng lân cận, các khu vực làng nghề, đã thật sự làm cho khu vực vùng Đông của huyện từng bước có những sự thay đổi nhất định; người dân các xã Bình Dương, Bình Minh dần hình thành và quen với nếp sống đô thị khi diện mạo nông thôn đang dần thay đổi, hạ tầng ngày càng khang trang, loại hình du lịch homestay cũng bắt đầu hình thành... Đã giải quyết việc làm hơn 1.300 lao động địa phương với nguồn thu nhập bình quân từ 7-12 triệu đồng/người/tháng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống nhân dân…
Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An với tổng mức đầu tư 4 tỷ USD đang triển khai với hệ thống sân golf, casino, chuỗi khách sạn nghỉ dưỡng (phần diện tích dự án trên địa bàn huyện Thăng Bình 196,6ha); tương lai sẽ tạo nên một diện mạo mới trong khu vực phát triển đô thị vùng Đông của huyện. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều dự án lớn đã có chủ trương đầu tư trên địa bàn xã Bình Dương, Bình Minh như: Dự án Khu đô thị ven biển xã Bình Dương, Làng biển nhiệt đới đang triển khai thi công và một số dự án đã công bố quy hoạch chi tiết 1/500 như: Khu phức hợp nghỉ dưỡng quốc tế An Thịnh - PPC, dự án Thành phố giáo dục Quốc tế - Nam Hội An, nhóm dự án của Công ty cổ phần tập đoàn BRG... đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để triển khai. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng dần tỷ trọng du lịch, dịch vụ, thương mại. 
Cùng với việc kêu gọi, thu hút các dự án du lịch, dịch vụ vào đầu tư phát triển vùng Đông của huyện là nhiệm vụ phát triển đô thị; huyện đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ để xây dựng xã Bình Minh đạt chuẩn đô thị loại V vào năm 2020 theo tinh thần Kết luận số 38-KL/TU, ngày 19/7/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; tạo nên sức bật cho các địa phương lân cận trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hạ tầng được đầu tư khang trang, đã đánh thức các tiềm năng về du lịch ở xã Bình Dương, Bình Minh như làng nghề sản xuất nước mắm Cửa Khe, biển Bình Minh, Bình Dương, phát triển du lịch đường sông Trường Giang, du lịch sinh thái làng quê, các dịch vụ nhà hàng ven biển, phục vụ nghỉ dưỡng đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân...
Bên cạnh nhóm dự án về du lịch nghỉ dưỡng, huyện quan tâm xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án sau cấp phép. Tập trung đầu tư hạ tầng tại các cụm công nghiệp, chú trọng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, xã hội cho các khu tái định cư. Kết hợp quy hoạch xây dựng một số cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp không ô nhiễm môi trường tại các vị trí phù hợp ở địa phương để giải quyết việc làm cho người dân tái định cư. Tại Cụm Công nghiệp Hà Lam – Chợ Được, từ năm 2016-2018 đã thực hiện 17 dự án với tổng số tiền hơn 55,19 tỷ đồng. Diện tích Khu công nghiệp Tam Thăng 2 mở rộng về Thăng Bình với diện tích 38,58 ha. Hiện dự án đang triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, trong đó 07 ha hoàn thành xong giải phóng mặt bằng.

 
Hạ tầng vùng Đông được đầu tư xây dựng khang trang

Có thể nói, việc triển khai Kết luận 25-KL/TU thời gian qua đã cho thấy rõ hiệu quả về kinh tế - xã hội của các dự án trọng điểm vùng Đông và khẳng định đây là chủ trương rất đúng đắn của Trung ương, tỉnh, huyện. Tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương trong dự án đã và đang triển khai đạt được những kết quả tích cực, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, dân cư ven biển được sắp xếp bố trí theo quy hoạch, diện mạo nông thôn thay đổi, khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên đáng kể, các dự án đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo... 
Thời gian tới, huyện Thăng Bình tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BQL Khu Kinh tế mở Chu Lai và các sở, ngành của tỉnh triển khai có hiệu quả các dự án trọng điểm ở vùng Đông theo Kết luận 25-KL/TU của Tỉnh ủy, trong đó sẽ tiếp tục triển khai dự án Thành phố Giáo dục quốc tế, Khu Nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam, các khu tái định cư, triển khai các dự án về nhà ở thương mại và khu dân cư. Định hướng vùng Đông Thăng Bình sẽ tiếp tục phát triển du lịch - dịch vụ, phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao Thăng Bình, Khu Công nghiệp Tam Thăng mở rộng, Khu Công nghiệp Nam Thăng Bình; dự án Nông nghiệp công nghệ cao Bình Dương (278ha), Bình Sa (160ha) và các xã khác… Tiếp tục đẩy mạnh CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; tăng cường quảng bá, kêu gọi và thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển mạnh mẽ dịch vụ, du lịch và công nghiệp. Phối hợp thực hiện tốt Quyết định 1737 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế mở Chu Lai về phía Thăng Bình khoảng gần 10.000ha; triển khai lập các quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng để làm cơ sở quản lý quy hoạch và triển khai các dự án đầu tư xây dựng trong thời gian đến.
Trên cơ sở định hướng, chỉ đạo tại Kết luận 25-KL/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch 25-KH/HU của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ tập trung chỉ đạo UBND huyện, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung thực hiện một số nội dung:
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân vùng Đông để tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện các chủ trương về định hướng phát triển các nhóm dự án trọng điểm. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác vận động Nhân dân thực hiện tốt các chính sách liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tổ tuyên truyền, vận động thực hiện các dự án trọng điểm vùng Đông và Tổ công tác vùng Đông của huyện phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong thực hiện nhiệm vụ. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện theo Kết luận 25-KL/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch 25-KH/HU của Huyện ủy.
Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng, trật tự xây dựng và đất đai trên địa bàn; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng, cơi nới, chuyển mục đích sử dụng đất, trồng cây trái phép trong vùng dự án. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý hiện trạng, quản lý trật tự xây dựng.
Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư; ưu tiên giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư liên quan tới GPMB phục vụ các dự án triển khai tại vùng Đông của huyện, dự án tuyến giao thông nối 129 với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu qua sông Bình Đào trên tuyến Quốc lộ 14E; tạo quỹ đất sạch để kêu gọi thu hút đầu tư. Tập trung cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tạo môi trường đầu tư chuyên nghiệp, thông thoáng. Xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án sau cấp phép. Tăng cường phối hợp; chủ động liên hệ, làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai để có giải pháp giải quyết những vấn đề có liên quan đến vùng Đông của huyện theo tinh thần Thông báo số 603-TB/TU, ngày 16/9/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam.
- Tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, xây dựng các khu tái định cư. Khảo sát quy hoạch và triển khai một số trục giao thông kết nối giữa vùng Đông và vùng Tây tạo thuận lợi trong giao thông và phát triển lan tỏa. 
- Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và đội ngũ quản lý đáp ứng yêu cầu. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chú trọng đào tạo lao động phục vụ các dự án vùng Đông Nam và nhu cầu của thị trường lao động, nhất là nguồn lao động phục vụ tại Khu phức hợp nghỉ dưỡng Nam Hội An tại xã Bình Dương, lao động phục vụ cho các dự án sắp triển khai, lao động có tay nghề tại cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được. 
- Củng cố tổ chức, bộ máy chính quyền các cấp trong vùng dự án, nhất là chính quyền cấp cơ sở để đủ khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương kết hợp với nhiệm vụ xây dựng và phát triển vùng Đông Nam theo Kết luận 25-KL/TU của tỉnh.
Phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay huyện Thăng Bình đang tập trung, bước đầu đạt được những kết quả nhất định nhưng phía trước vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Điều đó, đòi hỏi phải có sự quan tâm lãnh chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo tỉnh; sự phối kết hợp, hỗ trợ của các sở, ngành của tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở; nhất là sự đồng thuận, tin tưởng, tích cực tham gia của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện nhà, quyết tâm đưa vùng Đông Thăng Bình trở thành vùng kinh tế động lực của huyện, của tỉnh trong thời gian đến./.

*************************************************

(1): Được phê duyệt quy hoạch theo Quyết định số 389/QĐ-UBND, ngày 28/01/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam
(2): Tuyến đường này song song về phía Đông tuyến đường 129 và tuyến đường Thanh niên

Tác giả: Phan Công Vĩ - TUV, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?