Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp
Kinh tế hợp tác và hợp tác xã được xem là “bà đỡ” của nông dân, là trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hợp tác xã nông nghiệp Bình Đào (huyện Thăng Bình) đã từng bước phát triển, xây dựng thành công mô hình hợp tác xã kiểu mới nhằm góp phần chuyển dịch lao động và tăng thu nhập cho bà con nông dân. Trong những năm qua, Hợp tác xã nông nghiệp Bình Đào là đơn vị tiên phong đi đầu của huyện, của tỉnh trong việc thực hiện chủ trương tích tụ tập trung ruộng đất. Từ mô hình 20 ha tích tụ ruộng đất ban đầu, đến nay HTX đã mở rộng diện tích lên 85 ha, trong đó thuê đất của nhân dân là 20,5 ha, nhân dân góp đất liên kết sản xuất 64,5 ha. Tiến hành chỉnh trang đồng ruộng trên diện tích tích tụ tập trung ruộng đất bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 20/NQ-HĐND ngày 20/12/2016 của HĐND huyên Thăng Bình và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng Nông thôn mới, địa phương đã tập trung đầu tư vào các hạng mục như: đúc hàng ngàn cọc bê tông đóng cọc xác định ranh giới phá bờ thửa nhỏ, cải tạo chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư xây dựng đường giao thông nội đồng trên 3 km, kênh mương bê tông nội đồng trên 3,5 km. Hợp tác xã từng bước thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, cấy, thu hoạch, sấy khô sản phẩm với cơ chế đầu tư, hỗ trợ vốn theo Nghị quyết 20/NQ-HĐND và vốn của HTX, đến nay đã đầu tư mua sắm được 2 máy cấy, 1 máy cày, 2 máy gặt đập liên hợp, 1 lò sấy, hệ thống máy giê lúa, sân phơi… với kinh phí trên 6 tỷ đồng.
Với mục đích thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất để tổ chức lại sản xuất gắn với các mô hình liên kết sản xuất nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế, HTX thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng cạn trên diện tích đất lúa không chủ động nước tưới, kém hiệu quả sang trông cây mè, cây lạc, thâm canh mỗi năm từ 20-35 ha, có đầu tư hỗ trợ giống, phân bón cho nông dân, từ đó đem lại giá trị kinh tế tăng từ 1,5 -2 lần so với trồng lúa. Thực hiện liên kết sản xuất lúa giống mỗi năm từ 40-50 ha/năm, liên kết sản xuất Nếp Hương Lân từ 5-10 ha/năm, liên kết sản xuất dầu Mè, dầu Lạc từ 16-30ha/năm với phương pháp HTX ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và HTX ký hợp đồng với nông dân để sản xuất tập trung theo quy trình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ các mô hình trên, đến nay HTX đã có 2 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình quốc gia mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao là dầu Mè đen nguyên chất Bình Đào và nếp Hương Lân Trường Giang.
Thông qua các dự án, các phương án và các mô hình sản xuất, HTX nông nghiệp xã Bình Đào đã từng bước thể hiện được vai trò, vị trí của mình trong quá trình tổ chức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, xây dựng mối quan hệ hợp tác để thu hút, kêu gọi đầu tư, làm cầu nối liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước - Doanh nghiệp - HTX và Nông dân. Đồng thời thông qua các mô hình, các dự án liên kết sản xuất, ngoài việc tạo ra các giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, người nông dân còn được tiếp cận, hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
HTXNN xã Bình Đào đã thành công với mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm
|
Giải pháp thực hiện giai đoạn 2020-2025
Trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chủ trương tích tụ tập trung ruộng đất để người nông dân cần nắm rõ và thông suốt được chủ trương của nhà nước, đồng thời thấy được sự cần thiết và lợi ích của tích tụ tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất nông nghiệp, vai trò liên doanh liên kết của doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho Hợp tác xã, cho người dân là yếu tố quan trọng, có tính quyết định sự thành công trong việc tích tụ tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất.
Tập trung quyết liệt thực hiện tốt tích tụ, tập trung ruộng đất, đa dạng hóa chủ thể và hình thức tích tụ ruộng đất. Với chủ thể là doanh nghiệp, tổ hợp tác Hợp tác xã, nhóm hộ, hộ gia đình có quyền tham gia thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất. Hội Nông dân xã cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân, những hộ nông dân có khả năng làm chủ thể tích tụ tập trung ruộng đất, mặt khác vận động xây dựng nhiều nhóm hộ, nhiều tổ hợp tác trên địa bàn từng thôn tham gia làm chủ thể để thực hiện việc tích tụ, tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất. Để khắc phục tình trạng bỏ ruộng không sản xuất ngày càng nhiều như hiện nay tại địa phương do chuyển dịch lao động nông thôn sang lao động phi nông nghiệp, nên diện tích quy hoạch để thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất trước hết là diện tích bỏ hoang không sản xuất, diện tích của những hộ nông dân không có lao động và không có khả năng tổ chức sản xuất, trên diện tích cần phải chuyển đổi cây trồng, diện tích quy hoạch xây dựng cánh đồng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu trong chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới.
Đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là rất cấp thiết, đặc biệt là khâu làm đất và thu hoạch, bởi tình trạng thực tế hiện nay máy nông nghiệp không đảm bảo, lao động thiếu hụt nên không đảm bảo thời vụ sản xuất, thậm chí bỏ ruộng hoang, như vậy việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là rất quan trọng và cần thiết trong quá trình thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất. Cùng với cơ chế hỗ trợ mua máy nông nghiệp, công cụ sản xuất theo Nghị quyết 20/NQ-HĐND của HĐND huyện Thăng Bình, cần tổ chức vận động những hộ nông dân, nhóm hộ nông dân có năng lực về tài chính để mua sắm máy nông nghiệp. Đồng thời, vận động thành lập tổ hợp tác về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở từng thôn để quản lý, điều hành tốt sản xuất, tăng năng suất lao động.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã, tập trung củng cố, xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp Bình Đào trở thành mô hình HTX tiên tiến của huyện, tỉnh. Đặc biệt xây dựng đội ngũ cán bộ HTX có năng lực, có trách nhiệm, tâm huyết với HTX để thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức sản xuất kinh doanh và quản lý kinh tế HTX, thể hiện vai trò nòng cốt của Hợp tác xã trong việc thực hiện tốt chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất. Bên cạnh củng cố xây dựng HTX, tiến hành việc thành lập các tổ hợp tác như tổ hợp tác về cơ giới hóa nông nghiệp, tổ hợp tác khởi nghiệp, tổ hợp tác chế biên nông sản phẩm.
Hy vọng với những nhiệm vụ, giải pháp đột phá quan trọng về thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất của xã Bình Đào trong thời gian đến sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp địa phương, góp phần xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất cho người nông dân.