Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thăng Bình đã đi đầu trong đấu tranh chống thực dân, phong kiến: chống bắt phu, bắt lính, sưu cao, thuế nặng,… xung kích trong các phong trào đánh giặc bảo vệ cán bộ cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và sự ra đời của các chi bộ Đảng của huyện đã lãnh đạo phong trào cách mạng huyện nhà tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Cách mạng tháng Tám thành công, cùng với việc củng cố chính quyền, đoàn thể, phát triển kinh tế - xã hội, việc củng cố và phát triển xây dựng lực lượng vũ trang huyện, xã cũng được gấp rút tiến hành nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng. Từ đây, phong trào nhân dân vũ trang phát triển mạnh, mỗi xã có một trung đội tự vệ chiến đấu, lực lượng bán vũ trang toàn huyện có đến hàng nghìn người gồm những người được tin cậy trong quần chúng được tuyển chọn kỹ càng. Lực lượng vũ trang ban đầu thành lập tuy chưa hoàn chỉnh về số lượng và chất lượng, song đây là những nòng cốt trung kiên, đóng vai trò quyết định trong xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng huyện Thăng Bình. Trải qua thử thách, rèn luyện, lực lượng này hội tụ những điều kiện để từng bước đi lên, phát triển vững vàng trong quá trình xây dựng, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần đẩy mạnh các hoạt động kháng chiến của huyện đi đến thắng lợi.
Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, là vùng tự do, tiếp giáp với vùng tạm chiếm, quân và dân Thăng Bình vừa đánh giặc, vừa tích cực xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh, hoạt động sôi nổi, làm cho cao trào cách mạng trong huyện ngày càng mạnh mẽ. Lớp lớp thanh niên hăng hái gia nhập vào dân quân, du kích, tự vệ cứu quốc, hay những đoàn quân lên đường vào Nam đánh giặc theo tiếng gọi của non sông với ý chí, quyết tâm cao. Bên cạnh sự nhiệt tình của tuổi trẻ, hội mẹ chị đã hăng hái nhận quân nhân làm con, em nuôi, cùng hàng nghìn chiếc áo trấn thủ gửi ra tiền tuyến; các cụ phụ lão hăng hái luyện tập trong các đội bạch đầu quân, sẵn sàng bố phòng đánh địch. Nhân dân làm tốt công tác phòng gian bảo mật, đi dân công phục vụ chiến trường. Khí thế sục sôi trong những ngày kháng chiến còn được thể hiện ở công tác bố phòng, tổ chức trận địa, đánh địch giữ vững vùng tự do và tham gia chiến đấu ở chiến trường phía bắc tỉnh. Truyền thống yêu nước cùng với niềm tin đối với Đảng và Hồ Chủ tịch đã biến thành sức mạnh vượt mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, xây dựng hậu phương chiến lược vững chắc và cung ứng đến mức cao nhất về sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần đánh bại thực dân Pháp xâm lược.
Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
|
Trên chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, mà trực tiếp là Huyện ủy, Tỉnh ủy, Tỉnh đội và sự chi viện, giúp đỡ của các địa phương, sự đùm bọc, chở che của nhân dân trên khắp địa bàn, lực lượng vũ trang nhân dân Thăng Bình đã vượt qua những thử thách cam go, ác liệt, nếm trải những đau thương, mất mát, cùng Đảng bộ và nhân dân trong huyện lập nhiều chiến công. Năm 1962 Ban Quân sự huyện ra đời tạo bước chuyển mới trong việc xây dựng lực lượng. Đến ngày 10.01.1965, Đại đội V15 của huyện được thành lập, đơn vị làm nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân huyện Thăng Bình. Đơn vị V15 bộ đội huyện được huấn luyện chiến thuật đặc công làm nhiệm vụ tiêu diệt các đồn bót địch trong công sự vững chắc, đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện, khí tài của địch… Với những chiến công trên, cán bộ, chiến sĩ Đại đội V15 huyện Thăng Bình đã được Đảng và Nhà nước tặng 2 cờ luân lưu Quyết chiến, quyết thắng, 4 Huân chương Chiến công hạng Nhì và Ba. Đặc biệt, ngày 15.01.1976, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội V15 bộ binh huyện Thăng Bình. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, các đơn vị bộ đội huyện cùng du kích, đội công tác, an ninh vũ trang phối hợp chặt chẽ với Tiểu đoàn 70, 72 bộ đội tỉnh, mở đường dây, thọc sâu xuống vùng Đông, tấn công tiêu diệt hàng loạt chốt điểm của địch như: đồi Tương, miếu Ông Mèo, Chợ Được, Mù U…phá khu dồn dân, giải phóng các xã vùng Đông, tạo bàn đạp tấn công thành phố Tam Kỳ từ hướng Bắc và vây ép quận lỵ Thăng Bình. Ngày 26.3.1975, từ các mũi tiến công đồng loạt nổ súng bao vây, đánh địch, giải phóng hoàn toàn huyện Thăng Bình.
Với thành tích xuất sắc, lực lượng vũ trang nhân dân huyện được tặng thưởng 1 cờ đơn vị thành đồng quyết thắng; 1 cờ đơn vị quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược; 1 cờ đơn vị đánh sâu, diệt gọn; 5 Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba; 112 Huân chương, Huy chương, Bằng khen của Quân khu, tỉnh trao tặng. Năm 1996 lực lượng vũ trang nhân dân huyện Thăng Bình đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau ngày quê hương Thăng Bình được giải phóng (26.3.1975), lực lượng vũ trang huyện vừa tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, lao động sản xuất, xây dựng quê hương, vừa đi đầu trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trên các địa bàn trọng điểm, lực lượng vũ trang huyện đã có mặt trực tiếp rà phá bom mìn, san lấp hố bom, khai hoang phục hoá, làm thủy lợi, xây dựng các công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng. Tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Đặc biệt, hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, lực lượng vũ trang huyện đã từng bước vươn lên trưởng thành về mọi mặt. Với tư duy mới, trên cơ sở quán triệt các nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, Đảng ủy - Ban chỉ huy quân sự huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác củng cố, xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh, chiến tranh nhân dân, đồng thời triển khai đồng bộ việc tổ chức, xây dựng lực lượng cả về số lượng và chất lượng, nhất là lực lượng Dân quân tự vệ, dự bị động viên theo hướng “Vững mạnh, rộng khắp ”, thực sự là lực lượng nòng cốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu tại chỗ và cơ động, chiến đấu trên các hướng. Sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn "Diễn biến hòa bình", "Bạo loạn lật đổ" của các thế lực thù địch. Thường xuyên duy trì các chế độ sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Hàng năm Ban chỉ huy quân sự huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, hoàn thành tốt chương trình giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, Chương trình giáo dục quốc phòng cho các đối tượng. Công tác xây dựng cơ sở an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu được thực hiện tốt và ngày càng đi vào chiều sâu.
Quyết tâm chính trị cao, tin tưởng rằng lực lượng vũ trang Thăng Bình sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, truyền thống của lực lượng vũ trang huyện để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đảm bảo tốt thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận An ninh nhân dân, xây dựng Thăng Bình vững mạnh về an ninh chính trị, phát triển về kinh tế - xã hội./.