Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 20 năm tái lập gắn với 42 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam.

Ngày đăng: 15:12 | 12/01/2017 Lượt xem: 4771

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam gắn với 42 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Nam, trang thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đăng tải toàn văn Đề cương tuyên truyền do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát hành.

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
Kỷ niệm 20 năm tái lập (01.01.1997 - 01.01.2017)
gắn với kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Nam (24.3.1975 - 24.3.2017)
----------
I- KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH 
Ngày 6.11.1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa IX, kỳ họp thứ 10 phê chuẩn việc tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.1997.
Tỉnh Quảng Nam có diện tích tự nhiên là 10.438,37 km2; có 18 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố (Tam Kỳ, Hội An), 01 thị xã (Điện Bàn) và 15 huyện (gồm 6 huyện đồng bằng: Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành; 9 huyện miền núi - trung du: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Nông Sơn, Hiệp Đức và Tiên Phước), với 244 xã, phường, thị trấn; dân số (năm 2016 ) 1.487.786 người, trong đó: 729.863 nam và 757.923 nữ; dân số thành thị 359.413 người (chiếm 24,16% và nông thôn 1.128.373 người (chiếm 75,84%); mật độ dân số gần 143 người/km2. So với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước thì Quảng Nam đứng hàng thứ 7 về diện tích, thứ 19 về dân số, thứ 45 về mật độ dân số. Với gần 76% dân số sinh sống ở nông thôn, Quảng Nam có tỷ lệ dân số sinh sống ở nông thôn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước . 
Quảng Nam nằm chính giữa trục giao thông Bắc - Nam về đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường không, cách thủ đô Hà Nội 860 km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 865 km về phía Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng; phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum; có đường biên giới (142km) với tỉnh Sê Kông (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) ở phía Tây; phía Đông giáp Biển Đông với chiều dài bờ biển 125 km. Quảng Nam có đủ sự phong phú và đa dạng về địa hình: từ vùng núi cao hiểm trở đến vùng gò đồi, từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng biển rộng lớn. Đến nay các nhà khoa học đều cho rằng Quảng Nam có 3 loại địa hình tương đối rõ rệt: vùng đồi núi, vùng đồng bằng, vùng biển và hải đảo.
Quảng Nam là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, từ bao đời đã có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa và là nơi sản sinh ra nhiều trí thức lớn, chí sĩ yêu nước, lãnh tụ cách mạng, làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Với bề dày văn hóa và truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, Quảng Nam là vùng đất phên giậu, là bàn đạp để cha ông ta mở cõi về phương Nam. Người dân xứ Quảng từ thế hệ này đến thế hệ khác luôn cháy bỏng khát vọng tự do, độc lập, không cam chịu làm nô lệ.
Ngày 3-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngày 28-3-1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập, đây là một trong những Đảng bộ ra đời sớm nhất trong cả nước. Và chỉ 15 năm sau, một Đảng bộ non trẻ, nhưng với sự nhạy bén, sáng tạo, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền và trở thành một trong 4 tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cách mạng tháng 8 năm 1945. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Nam - Đà Nẵng “trung dung, kiên cường” là nơi đầu tiên làm nên trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ. Ngày 24-3-1975 Quảng Nam hoàn toàn giải phóng. 
Sự đóng góp và hy sinh của Quảng Nam trong cuộc kháng chiến chống xâm lược vô cùng to lớn: toàn tỉnh có 65.381 liệt sĩ, hơn 30.000 thương bệnh binh, gần 14.545 Mẹ Việt Nam anh hùng. Đặc biệt, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ - người có 11 người thân hy sinh, vinh dự được Đảng, Nhà nước lấy nguyên mẫu để xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ngay trên quê hương Quảng Nam. Nhiều đơn vị, chiến sĩ con em Quảng Nam được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 
Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam- Đà Nẵng đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh. Đi đầu trong việc thực hiện khai hoang, vỡ hóa, phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, xây dựng công trình đại thuỷ nông Phú Ninh... Đồng thời tiến hành những bước đi đầu tiên trong công nghiệp hoá, một số ngành công nghiệp chủ yếu đã hình thành và phát triển. Nhờ đó mà cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh, góp phần cùng cả nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo đà quan trọng cho sự phát triển trong những năm sau này.
Ngày 1 tháng 1 năm 1997, với sự kiện lịch sử chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã mở ra thời kỳ phát triển mới đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam.
II- THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC SAU 20 NĂM TÁI LẬP TỈNH (1997- 2017)
20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tạo ra bước chuyển cơ bản từ một tỉnh thuần nông sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từ một tỉnh khó khăn vươn lên trở thành địa phương phát triển khá ở khu vực miền trung. 
1-Nền kinh tế phát triển toàn diện với nhịp độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 
Kinh tế phát triển toàn diện với nhịp độ tăng trưởng nhanh, qui mô nền kinh tế tăng khá; đã có bước chuyển cơ bản, rõ nét về cơ cấu kinh tế, từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ. 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm (1997-2016) đạt gần 11%/năm; quy mô kinh tế (giá hiện hành) đạt gần 80.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 3,5 tỷ USD, gấp gần 27 lần năm 1996. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 53 triệu đồng/người/năm, tương đương với 2.400 USD, chính thức vượt mức bình quân cả nước (2.215 USD/người). 
Cơ cấu kinh tế năm 2016 chuyển dịch giữa các khu vực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ: tỷ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng, dịch vụ tăng từ 50% năm 1996 lên 67,68% (công nghiệp 35,82% + dịch vụ 27,53%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống còn 12,05%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 13.000 tỷ đồng, chiếm 20,27% cơ cấu kinh tế. Cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tương ứng với GRDP nhưng tốc độ chậm hơn: tỷ trọng lao động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 19,5% lên gần 52%; lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 80,5% năm 1996 xuống còn 48%. 
Khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp vào nền kinh tế ngày càng tăng. Các sản phẩm công nghiệp có thương hiệu, ưu thế như: Ô tô các loại, kính nổi, chip điện tử, tấm thu năng lượng, may mặc, giày da, vật liệu xây dựng; công nghiệp năng lượng (thuỷ điện);... Năm 1996: công nghiệp và xây dựng chiếm 18,5% GRDP, trong đó, công nghiệp chiếm 12,6%; năm 2016 công nghiệp và xây dựng chiếm 40,15% GRDP, trong đó, công nghiệp chiếm 35,82%. Tổng vốn đầu tư cho sản xuất công nghiệp trong 20 năm khoảng 60.000 tỷ đồng, riêng năm 2016 đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng gấp 35 lần năm 1997. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 2016 ước thực hiện gần 75.700 tỷ đồng, gấp gần 76 lần năm 1996. 
Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn giữ vai trò chủ đạo đối với ngành công nghiệp và nền kinh tế của tỉnh; cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành chiếm gần 83% toàn ngành công nghiệp và gần 30% GRDP; đặc biệt ngành sản xuất và lắp ráp đang chiếm lợi thế lớn và có hiệu ứng tích cực đến các ngành sản xuất kinh doanh còn lại. 
Khu vực dịch vụ đã có bước mở rộng, duy trì mức tăng trưởng khá và ổn định. Năm 2016 đạt 16.132 tỷ đồng chiếm 27,5% GRDP. Trong đó nổi bật một số lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành và có mức tăng trưởng khá, như: hoạt động bán buôn, bán lẻ chiếm 52%; hoạt động vận tải kho bãi chiếm hơn 6%; dịch vụ lưu trú ăn uống chiếm hơn 14%;… Tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá dịch vụ năm 2016 đạt mức 27.300 tỷ đồng (giá hiện hành) gấp gần 28 lần so với năm 1996. 
Hoạt động du lịch có bước phát triển nhanh. Hai di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn cùng với Cù Lao Chàm là trọng điểm du lịch vùng và cấp quốc gia, ngành du lịch tiếp tục duy trì ở mức khá, tổng lượt khách ước năm 2016 đạt 4.400 nghìn lượt, gấp hơn 46 lần so với năm 1997, doanh thu đạt gần 8.800 tỷ đồng, gấp trên 590 lần so với 1996.
Dịch vụ đào tạo, y tế phát triển khá; dịch vụ hàng hải, hàng không bước đầu phát triển; bưu chính viễn thông mở rộng khắp địa bàn, đáp ứng tốt nhu cầu tăng lên và đa tiện ích của xã hội và cộng đồng. Tài chính tín dụng, bảo hiểm mở rộng mạng lưới, tăng chất lượng dịch vụ.
Kinh tế nông nghiệp tăng trưởng ổn định, có bước phát triển toàn diện. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (giá so sánh 2010) giai đoạn 1997-2016 bình quân tăng 4%/năm; trong đó nông nghiệp tăng 3%/năm; lâm nghiệp 4,8%/năm; thuỷ sản tăng 6,8%/năm. Cơ cấu nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã có sự chuyển dịch tích cực, nâng cao hiệu quả: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 (giá so sánh 2010) sơ bộ đạt trên 12.300 tỷ đồng; tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 74,5% năm 1996 xuống còn 63,65% năm 2016 (7.838 tỷ đồng); lâm nghiệp giảm từ 11,8% năm 1996 xuống còn 7,65% năm 2016 (942 tỷ đồng) và thuỷ sản tăng từ 13,8% năm 1996 lên 28,70% năm 2016 (3.535 tỷ đồng). Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng đa dạng hoá ngành nghề và chuyển dần từ thuần nông sang mở rộng ngành nghề phi nông nghiệp.
Qui mô hoạt động xuất, nhập khẩu mở rộng khá nhanh cả về số doanh nghiệp, thị trường và giá trị. 
Năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 91 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa; trong đó có 32 doanh nghiệp FDI, 57 doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt trên 613 triệu USD, gấp gần 70 lần so với năm 1996, tăng 23,6%/năm. Trong đó các mặc hàng chiếm tỷ trọng lớn là: may mặc chiếm 35,46%, sản phẩm điện tử chiến 11,3%, sản phẩm từ thép chiếm 4,07%.... Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc đạt trên 217 triệu USD, chiếm 35,48%; Khu Kinh tế mở Chu Lai đạt 98,3 triệu USD, chiếm 16,0%; Khu công nghiệp Trường Xuân đạt 74 triệu USD chiếm, 12,07%; Khu công nghiệp Thuận Yên đạt 27 triệu USD, chiếm 4,4%... Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2016 đạt 1.686 triệu USD gấp hàng trăm lần so với 1996; chủ yếu từ Khu kinh tế mở Chu Lai 1.320 triệu USD, chiếm 78,3%. Trong đó mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất, như: linh kiện, phụ tùng ô tô, linh kiện điện tử, nguyên liệu may mặc, giày da, sắt thép, máy móc thiết bị 1.573,5 triệu USD, chiếm 93,33%. 
Tập trung huy động nguồn lực rất lớn của khu vực doanh nghiệp cho đầu tư phát triển. Tính đến đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh có trên 3.800 doanh nghiệp đang hoạt động (gấp gần 12 lần so với năm 1997) với khoảng 126.000 lao động đang làm việc (gấp gần 7 lần); tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh 20 năm đạt khoảng 50.200 tỷ đồng, chiếm 32% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tính đến cuối năm 2016 có 129 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1,98 tỷ USD, gấp trên 31 lần so với cuối 1997.
Tổng vốn đầu tư xã hội tăng nhanh đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Trong 20 năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt gần 160.000 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 21%. Năm 2016 thực hiện đạt gần 22.000 tỷ đồng gấp 46 lần so với năm 1996; trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện đạt trên 17.700 tỷ đồng gấp 85 lần năm 1996, tăng bình quân gần 25%/năm. 
Thu chi ngân sách tăng cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2016 đạt trên 20.000 tỷ đồng gấp 85 lần so với năm 1997, đã trở thành một trong 16 tỉnh, thành phố có điều tiết ngân sách về TW; trong đó, thu nội địa đạt hơn 13.700 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu đạt trên 6.000 tỷ đồng chiếm 31%. Tổng chi ngân sách địa phương từ 535 tỷ đồng năm 1997 tăng lên ước thực hiện khoảng 24.534 tỷ đồng năm 2016, gấp gần 46 lần; trong đó, chi đầu tư phát triển thực hiện năm 2016 đạt trên 7.843 tỷ đồng, gấp gần 49 lần so với năm 1997. 
Kết cấu hạ tầng đã có bước phát triển đáng kể, hạ tầng đô thị, nông thôn từng bước được cải thiện. Xây dựng 12 thuỷ điện mới (trong đó: 07 thuỷ điện bậc thang; 05 thủy điện vừa và nhỏ), hoàn thành và tăng thêm 998 megawatt (MW), điện phát ra 3.937 triệu kilowatt giờ (KWh) gấp gần 57 lần 1997; có 8 khu công nghiệp được xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động, hơn 55 cụm công nghiệp, 19 làng nghề... Phát triển hệ thống thuỷ lợi với gần 31 hồ chứa, đập dâng được xây dựng mới, tăng thêm trên 78.000 ha diện tích tưới tiêu. Hạ tầng thuỷ sản: 3 cảng cá, khu nuôi trồng thuỷ sản, khu neo đậu tàu thuyền, trại sản xuất giống tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh,…
Hệ thống giao thông phát triển toàn diện, các đường trục chính được phát triển và nâng cấp, tuyến đường Hồ Chí Minh (172 km); tuyến đường bộ Ven biển 129 và cầu Cửa Đại thông tuyến từ Cửa Đại - Núi Thành (42,8 km), hoàn thành mở rộng, nâng cấp đường QL1A; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chuẩn bị thông tuyến (đoạn qua Quảng Nam 91,5 km); đường Trường Sơn Đông đã hoàn thành nhiều đoạn. Đường trục ngang, ngoài QL14B, 14D, 14E còn phát triển thêm 3 tuyến là QL14G (ĐT604), QL40B (ĐT616 và Nam Quảng Nam), QL24C (Trà My - Trà Bồng), tổng chiều dài 205km…
Hệ thống đường tỉnh lộ được mở rộng, nâng cấp trên 73km; sửa chữa nâng cấp mặt đường trên 157km, đảm bảo giao thông thuận lợi trên tất cả các tuyến đường. Hệ thống đường huyện (ĐH) phát triển thêm 98 tuyến với tổng chiều dài 997km, nâng tổng số lên 227 tuyến/1.998km; tỷ lệ đường nhựa và bê tông xi măng nâng từ 49% lên 70,8% (1.414km). Đề án phát triển Giao thông nông thôn giai đoạn 2010-2015 được triển khai, hoàn thành với 1.552km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, đưa tỷ lệ đường giao thông nông thôn được bê tông hóa từ 49% lên 67,3% (4.318km), đến nay có trên 287 cầu các loại/15.355m; cảng Kỳ Hà (mở rộng đón tàu 20 ngàn tấn), cảng Tam Hiệp (hậu cần cảng - Logictic); nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà, nạo vét sông Trường Giang; cảng thương mại hàng không Chu Lai khôi phục đi vào hoạt động; ga đường sắt Tam Kỳ đầu tư thành ga chính.
Mạng lưới bưu chính viễn thông phủ khắp địa bàn tỉnh; đến nay về hạ tầng kỹ thuật có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh và huyện có mạng nội bộ LAN kết nối internet. Toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát hơn 20 điểm đại lý cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát; 214 bưu cục, bưu điện văn hoá xã; 76% số xã có đường thư chuyển phát hàng ngày; hơn 1.300 trạm thu phát sóng di động, đã phủ sóng di động 98% số xã, đường truyền cáp quang 96% số xã...
Cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển khá. Đến nay đã có gần 100% xã có điện lưới (1997 là 65,9%); số xã có đường ô tô đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã 98% (1997 là 85,3%); gần 98% số xã có trường tiểu học; 89% số xã có trường trung học cơ sở (1997: 70 %); 100% số xã có trạm y tế (1997: 94,3%); số xã có hệ thống loa truyền thanh đạt 92% (1998 là 58%). Về xây dựng nông thôn mới, bình quân chung tiêu chí đạt chuẩn của 204 xã gần 12 tiêu chí/xã, tăng 9,34 tiêu chí/xã so với năm 2010. Thị xã Điện Bàn và huyện Phú Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015; đến cuối năm 2016 có 62 xã đạt chuẩn, đạt 30,4% (mục tiêu 30 % số xã đạt chuẩn), đạt mục tiêu đề ra.
Xây dựng các đô thị có bước phát triển khởi sắc. Chuỗi các đô thị của tỉnh: Tam Kỳ, Hội An từ thị xã được đầu tư nâng cấp lên thành phố, là đô thị loại 3 và năm 2016 thành phố Tam kỳ lên đô thị loại 2; Điện Bàn từ huyện lên thị xã năm 2015; các thị trấn, thị tứ, khu đô thị mới được qui hoạch đầu tư mở rộng, hạ tầng phát triển khá. Tỷ lệ đô thị hoá đã được cải thiện, dân số khu vực thành thị năm 1997 chiếm gần 14% tăng lên hơn 24 % với gần 360.000 người vào năm 2016. 
2- Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư được tăng lên. 
Hoạt động khoa học-công nghệ đạt được những kết quả đáng kể. Tiềm lực khoa học -công nghệ được tăng cường. Sự nghiệp văn hóa được quan tâm đúng mức. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển rộng khắp. Thiết chế văn hoá được đầu tư: trung tâm văn hoá cấp tỉnh, huyện; sân vận động mới; thư viện tỉnh, nhà bảo tàng tỉnh và một số bảo tàng, quảng trường cấp huyện, nhà sinh hoạt cộng đồng... Công tác thông tin, truyền thông, báo chí được đẩy mạnh. Cơ sở hạ tầng được đầu tư: tháp ăng ten truyền hình, hệ thống truyền thanh-truyền hình cấp huyện, truyền thanh cơ sở… 
Qui mô giáo dục được mở rộng, cơ sở vật chất được ưu tiên đầu tư, nâng chuẩn, cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông. Năm học 2016-2017 toàn tỉnh có 802 trường học, gấp hơn 1,5 lần (tăng 281 trường) và trên 20.000 giáo viên, gấp hơn 1,6 lần (tăng trên 7.956 giáo viên) so với năm 1996; với 11.861 lớp và 320.617 học sinh. Chất lượng giáo dục có cải thiện: tỷ lệ tốt nghiệp các cấp học tăng qua các năm. Đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ (1997); phổ cập tiểu học đúng độ tuổi (2011); phổ cập trung học cơ sở (2013) và phổ cập giáo dục mầm non dưới 5 tuổi 2015.
Hệ thống các trường đào tạo được mở rộng, đa dạng hoá ngành nghề và số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh. Toàn tỉnh hiện có 12 trường, tăng thêm 8 trường so với năm 1996, với khoảng 18.000 sinh viên, học sinh, gấp 10 lần so với năm 1996; gồm: 03 trường đại học, 06 trường cao đẳng, 03 trường trung học chuyên nghiệp; hằng năm có gần 8.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Công tác dạy nghề được mở rộng về quy mô và có tiến bộ về chất lượng, hiện nay có 18 trung tâm dạy nghề và hơn 50 cơ sở dạy nghề tư nhân, hàng năm đào tạo được hàng chục nghìn công nhân kỹ thuật. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm; năm 2016 đạt trên 45%, trong đó: tỷ lệ lao động (có bằng, chứng chỉ) đạt khoảng 18% (năm 1999 là gần 7%).
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dân số, kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em đạt kết quả tích cực. Mạng lưới y tế được quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nhất là cấp huyện, cơ sở; đầu tư trang thiết bị được tăng cường, từng bước đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Hiện đã có 289 cơ sở y tế, tăng thêm 76 cơ sở so với năm 1996; trong đó có 244 trạm y tế xã (32% đạt chuẩn quốc gia), tăng thêm 45 trạm so với năm 1996. Có 14 bệnh viện tỉnh, 19 bệnh viện huyện, 12 phòng khám khu vực. Cả tỉnh có 5.340 giường bệnh, tăng 2.985 giường; đạt bình quân hơn 29 giường bệnh trên một vạn dân, không kể trạm y tế xã. Toàn ngành y tế có khoảng 4.900 cán bộ và y, bác sĩ, tăng 2.486 người so với năm 1996; đạt 7,4 bác sĩ trên một vạn dân; đội ngũ y tế cơ sở được củng cố, y tế thôn bản được tăng cường. Sự ra đời Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã góp phần đáng kể công tác điều trị bệnh cho nhân dân. Công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh được thực hiện tích cực; các bệnh xã hội có xu hướng giảm. Công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc trẻ em được quan tâm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi còn 13,8%. Chính sách về bảo hiểm y tế toàn dân được chú trọng; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn tỉnh năm 2016 đạt 92%. Tuổi thọ bình quân đạt 74 tuổi.
Chương trình mục tiêu giảm nghèo được tập trung thực hiện. Năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn khoảng 11% (cả nước gần 10%). Công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo người có công được quan tâm. Toàn tỉnh đến nay có gần 204 nghìn người thuộc diện chính sách, 14.545 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng và truy tặng; trong đó, có 961 mẹ còn sống và đã được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ về y tế, chi phí học tập, sinh hoạt cho trẻ em, học sinh, sinh viên nghèo, dân tộc thiểu số. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, thu nhập của người dân được cải thiện, bình quân thu nhập (theo giá hiện hành) đạt khoảng 2,33 triệu đồng/người/tháng; trong đó: khu vực thành thị gần 3 triệu đồng gấp 1,4 lần so với khu vực nông thôn (2,2 triệu đồng); tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98,%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 93% … 
3- Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc; công tác đối ngoại được tăng cường. 
Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân được các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo thường xuyên và được tăng cường vững chắc. Các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, nhất là tiềm lực chính trị - tinh thần, “thế trận lòng dân” được chú trọng xây dựng. Lực lượng vũ trang địa phương được xây dựng vững mạnh toàn diện, sẵn sàng đối phó thắng lợi với các tình huống xảy ra; chủ động trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Giao quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu, bảo đảm chất lượng. 
Chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, điều tra, xử lý kịp thời và nghiêm minh các loại tội phạm, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh và đổi mới, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu và đạt kết quả thiết thực. Việc gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh và giữa quốc phòng-an ninh với phát triển kinh tế-xã hội được coi trọng.
Công tác đối ngoại phát triển phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Mối quan hệ đặc biệt với tỉnh Sê Kông (Lào) được giữ vững và ngày càng sâu sắc. Đồng thời, quan hệ hợp tác với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan được mở rộng nhằm mục tiêu hình thành hành lang kinh tế Đông-Tây qua cửa khẩu Nam Giang-Đắk Tà Oọc. Tăng cường và thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều địa phương nước ngoài. Công tác đối ngoại nhân dân được tăng cường. Công tác thông tin đối ngoại, giao lưu văn hóa với nước ngoài được chú trọng.
4- Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng được tăng cường, chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên. 
Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên được nâng lên. Tập trung xây dựng Đảng bộ và các tổ chức đảng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với hệ thống chính trị. Thực hiện cải cách hành chính trong công tác Đảng, nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, gắn với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả tích cực; tiếp tục quán triệt sâu rộng và nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 
Bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố kiện toàn, hiệu quả quản lý, điều hành ngày càng được nâng cao. Cải cách hành chính đạt được một số kết quả tích cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung chỉ đạo. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật. Công tác cải cách tư pháp đạt được kết quả tích cực. 
Dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được phát huy. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội không ngừng được củng cố về tổ chức, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động.
5- Vị thế tỉnh Quảng Nam so với khu vực và cả nước được nâng lên 
Tăng trưởng kinh tế Quảng Nam năm 2016 tiếp tục duy trì ở mức trên 2 con số và cao nhất so với cả nước, ước tính GRDP tăng 14,83%, cả nước tăng 6,2%. Quy mô kinh tế đứng trong tốp 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (chiếm hơn 1,7% quy mô kinh tế cả nước). GRDP bình quân đầu người vượt trên bình quân cả nước hơn 8% (2.400/2.215 USD). Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 20.000 tỷ đồng, nằm trong tốp 10/63, là 1 trong 16 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách trung ương. Giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 
So sánh vị thứ phát triển kinh tế-xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước, Quảng Nam đã gần tiệm cận đến mức khá, đã có một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế trên mức bình quân cả nước; tuy nhiên, chỉ mới tiệm cận trên mức trung bình, còn một vài chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt dưới mức bình quân chung như cơ cấu giá trị và lao động nông lâm thủy sản trong nền kinh tế còn cao; thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ nghèo còn cao hơn mức bình quân... 
III- PHÁT HUY DÂN CHỦ, TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG, BẢN SẮC VĂN HÓA, HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG, PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH TỈNH KHÁ CỦA CẢ NƯỚC VÀO NĂM 2020 
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, xác định, trong những năm đến, “Tạo bước chuyển mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy dân chủ, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa; huy động mọi nguồn lực và tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; phấn đấu đến năm 2020, Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước”. 
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân từ 10 - 10,5%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt từ 75 – 80 triệu đồng (tương đương 3.400 – 3.600 USD). Tỷ trọng các ngành trong GRDP: nông nghiệp khoảng 10%, công nghiệp - xây dựng khoảng 46%, dịch vụ khoảng 44%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 16%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân trên 15%/năm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm trên 30% GRDP.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm khoảng 2 - 2,5%. Đến năm 2020, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 10%. Tỷ lệ học sinh nhập học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 100%, trung học cơ sở đạt 95%, trung học phổ thông đạt 75%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% và qua đào tạo nghề đạt 55%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp dưới 40%. Giải quyết việc làm mới tăng thêm 5 năm đạt 75.000 lao động. Phấn đấu đạt 9 bác sĩ và 31,5 giường bệnh/vạn dân. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi. Có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 32%.
Tỷ lệ che phủ rừng đạt 52%. Tất cả các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Xử lý 90% chất thải rắn (kể cả thông thường và nguy hại), 95% chất thải y tế đạt tiêu chuẩn môi trường. 100% dân số đô thị và 95% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.
Để thực hiện các mục tiêu đó, trong những năm đến Quảng Nam tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đột phá gắn với cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp. Khai thác hiệu quả thế mạnh của tỉnh về phát triển du lịch. (2) Tập trung phát triển kinh tế - xã hội miền núi và tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. (3) Xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tăng cường đầu tư xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống. Thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ giáo dục miền núi. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. (4) Tiếp tục xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. (5) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính. Kiên trì, quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp. (6) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tập hợp và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các phong trào hành động cách mạng; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, pháp luật. (7) Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng làm cho Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. 
*
Phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa và kế thừa những thành tựu đạt được trong 20 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam tự tin bước vào giai đoạn mới, đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn và thách thức, tiếp tục phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng lợi thế để xây dựng Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020. 
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY QUẢNG NAM 

Tác giả: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam)

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?