“Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi bàn về chiến dịch Điện Biên Phủ
(Ảnh: Tư liệu) |
Ngày 1.1.1954 trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đại tướng: "Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh" . Với tất cả tài năng, kinh nghiệm và sự nhạy bén của một vị Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biến tư tưởng của Bác thành hiện thực. Thế mới thấy từ tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ đến quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang “cái tâm, cái tầm” của người chỉ đạo và người thực hiện sự chỉ đạo đó.
Tư tưởng quân sự là bộ phận quan trọng trong tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó được hình thành và phát triển trong quá trình giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng, xuất phát từ đặc điểm nổi bật của cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Trên nền tảng của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh và sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, trong phạm vi trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, tư tưởng “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định thắng lợi của trận Điện Biên Phủ năm 1954.
Kế thừa truyền thống tư tưởng quân sự của ông cha ta từ trong lịch sử: “Ngụ binh ư nông” (Nhà Lý), “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền” (nhà Trần), “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, “Làm một được hai” (Lê Lợi - Nguyễn Trãi), “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ và mãnh liệt” (Nguyễn Huệ)... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam lên một đỉnh cao mới, đó là nghệ thuật tạo lực, tạo thế, tranh thời, dụng mưu, luôn đánh địch trên thế mạnh, đánh chắc, thắng chắc: Lạc nước hai xe đành bỏ phí/Gặp thời một tốt cũng thành công.
Trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã nói "Đánh địch bằng mưu, thắng địch bằng thế", nhỏ đánh lớn, phải "dĩ nhu cử cương", "hai hòn đá cùng chọi nhau thì hai hòn đều vỡ. Phải một cái cứng, một cái mềm thì khi chọi nhau, một cái mới còn" và Bác đã từng nói về đánh chắc thắng: "Biết sức ta, biết sức địch thì trăm trận đều thắng. Biết sức ta mà không biết sức địch thì một thắng một bại. Quân đội thắng lợi vì họ chắc thắng rồi mới ra đánh. Quân đội thất bại thì ra đánh rồi mới cầu thắng".
Muốn chắc thắng, còn phải quan tâm đào tạo, sử dụng cán bộ, vì: "Tướng là người giúp nước, tướng giỏi (đủ cả: trí, tín, nhân, dũng, nghiêm, trung) thì nước mạnh. Tướng xoàng thì nước hèn. Cho nên do 5 điều sau này mà có thể biết sự thắng lợi: 1. Tướng biết có thể đánh và không đánh; 2. Tướng biết cách dùng chủ lực và các bộ phận của bộ đội; 3. Trên dưới một lòng; 4. Ta luôn luôn chuẩn bị để chờ dịp địch không chuẩn bị; 5. Tướng giỏi mà chính phủ cho tướng đủ quyền".
Rất sớm, Bác đã thấy vị trí quan trọng của hướng chiến lược Tây Đông Dương trải dài từ Tây Bắc Việt Nam qua Thượng, Trung, Hạ Lào. Năm 1947, Bác đã chỉ thị cho các đội vũ trang tuyên truyền phải kiên trì chiến đấu và gây cơ sở trong đồng bào các dân tộc Tây Bắc, phải "Đem được lá cờ đỏ sao vàng cắm trên đất Điện Biên Phủ". Nhãn quan chiến lược ấy thể hiện trong bức thư gởi các chiến sĩ bộ đội Tây Bắc đề ngày 1.2.1947 của Bộ Tổng chỉ huy: "Bảo vệ được lãnh thổ và nhân dân miền Tây tức là gián tiếp bảo vệ được hậu phương của chúng ta, góp một phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng... Nếu trong cuộc kháng Nhật, chúng ta đã thành công với khu Giải phóng Việt Bắc, thì trong cuộc kháng Pháp, chúng ta phải thành công với công cuộc Tây tiến". Và cũng từ năm 1948, khi đi thị sát vùng Tây Bắc, vị Tổng Chỉ huy cũng đã có mấy vần thơ:
"Sông Đà, sông Mã uốn dòng,
Ghềnh rêu thác bạc ghi công anh hào,
Trời Tây sương lạnh núi cao,
Con Vàn cất cánh: Ngôi sao dẫn đường”.
Mùa thu năm 1952, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng chủ trương chuyển hướng chiến lược lên vùng rừng núi Tây Bắc. Trong hội nghị phổ biến chiến dịch Thu Đông năm ấy, Bác căn dặn cán bộ: "Trung ương Đảng và Tổng quân ủy đã cân nhắc kỹ chỗ dể và chỗ khó của chiến trường mới đến và quyết tâm chiến dịch này phải đánh cho thắng lợi".
Tháng Giêng năm 1953, Bác lại định ra mười chính sách quân sự, chỉ đạo cuộc kháng chiến trong giai đoạn phản công và tiến công chiến lược, Bác chỉ rõ: "Phương hướng chiến lược của ta là: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng định và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do".
Trên chiến trường chính Bắc Bộ, bộ đội chủ lực phải thực hiện: "Đánh ăn chắc, mở rộng vùng tự do". Trên các chiến trường sau lưng địch, phải mở rộng du kích chiến để tiêu diệt và tiêu hao những bộ phận nhỏ của địch, để chống địch càn quét, bảo vệ tính mạng, tài sản cho dân, để khuấy rối, phá hoại, kiềm chế địch, tuyên truyền và giáo dục quần chúng. Ngoài việc tăng cường bộ đội chủ lực và xây dựng bộ đội địa phương, cần phải "xây dựng những tổ chức dân quân du kích không thoát ly khỏi sản xuất". Về mặt chỉ đạo quân sự, phải phối hợp mặt trận trước mặt địch với mặt trận sau lưng địch một cách linh hoạt, phải "nhận rõ tính chất trường kỳ của cuộc kháng chiến". Phải có kế hoạch xây dựng và bổ sung bộ đội chủ lực, tăng cường trang bị "nhất là xây dựng pháo binh".
Trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo ấy, bộ đội ta trên khắp chiến trường cả nước đã triển khai chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Bộ đội chủ lực bổ sung quân số, vũ khí, huấn luyện đánh tập đoàn cứ điểm. Pháo binh được trang bị thêm nhiều súng nặng. Bộ đội địa phương và dân quân du kích phát triển mạnh. Các đợt chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự tiến hành hết sức khẩn trương, nhằm đối tượng chủ yếu là cán bộ cao cấp và trung cấp. Công tác tham mưu, hậu cần vươn lên đáp ứng yêu cầu đánh lớn. Tất cả đã sẵn sàng để thực hiện quyết định của Bác Hồ trong cuộc họp Bộ Chính trị ở Tỉn Keo (Định Hóa, Tuyên Quang) đầu tháng 10.1953, mà trong hồi tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi bàn về chiến dịch Điện Biên Phủ: "Bác ngồi họp, thái độ bình thảng, điếu thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay. Đôi mắt Bác chợt lộ vẽ chăm chú. Bàn tay Bác đặt trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại. Bác nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng. "Như một lời tiên tri, năm hướng của năm ngón tay Bác Hồ trùng hợp với 5 đòn chiến lược của quân ta. Còn hướng tiến công chiến lược chủ yếu vẫn là quyết tâm nhất quán mà Bác đã khẳng định khi kết thúc cuộc họp: "Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa".
Ngày 1.1.1954 trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận (ngày 5.1.1954) chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đại tướng:
"Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh" và căn dặn: “Tổng Tư lệnh ra trận. Tướng quân tại ngoại, giao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với Cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”.
Du khách đến thăm quan hầm Đờ Cát tại Điện Biên Phủ. |
|
Từ tư tưởng chỉ đạo đó mà sau 11 ngày đêm suy tính, nhất là đêm 25.1.1954 - một đêm thức trắng (giờ nổ sung đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã định là 24 giờ ngày 26.1.1954, sau 2 lần trì hoản), với tất cả tài năng, kinh nghiệm và sự nhạy bén của một vị Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận thấy phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” mà Đảng ủy mặt trận và đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đã thống nhất là “quá mạo hiểm” và đã quyết định thay đổi sang phương án “Đánh chắc, tiến chắc” và từ quyết định lịch sử này đã trực tiếp làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7.5.1954 “lừng lẫy năm châu/Chấn động địa cầu”. Quyết định mà sau này, trong hồi ký của mình Đại tướng coi đây là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy”. Thế mới thấy từ tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ đến quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang “cái tâm, cái tầm” của người chỉ đạo và người thực hiện sự chỉ đạo đó.
Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên phủ, ôn lại chuyện xưa thấy âm vang Điện Biên vọng mãi đến ngày nay; thấy sáng lên ba tiếng Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ gắn liền với nhau thành một sự thật vĩ đại, chói lọi một niềm tin to lớn và tươi sáng. Nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh nói riêng trong hoàn cảnh mới, phù hợp với điều kiện, lịch sử mới, nhất định Đảng ta, Nhân dân ta sẽ thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
-----------
Bài viết tham khảo các tài liệu: “Tri thức quốc.phòng toàn dân- NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2003, trang 186”; “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, NXB Quân đội Nhân dân – Hà Nội 2001”; "50 năm chiến đấu-50 năm chiến thắng"- NXB Thông tấn xã Việt Nam ,1980; Tạp chí Xưa & nay số 210/IV-2004 và số 63 tháng 5/1999.