Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Công tác tuyên truyền góp phần bảo vệ hình ảnh của Đảng và Bác Hồ

Ngày đăng: 14:17 | 24/07/2023 Lượt xem: 215

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vô cùng gian khổ, ác liệt, bằng khả năng và thực tiễn công tác, lớp lớp cán bộ, đảng viên làm công tác tư tưởng của Đảng bộ Quảng Nam đã linh hoạt, sáng tạo trong việc tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng của Đảng,… từng bước đánh bại mọi âm mưu “thâm độc” của kẻ thù bảo vệ hình ảnh của Đảng của Bác Hồ, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.


Cán bộ làm công tác tuyên huấn giao lưu văn nghệ với đồng bào các dân tộc miền Tây Quảng Nam - Đà Nẵng 

1. Biến nhà tù đế quốc thành “trường học cách mạng”

Tại nhà lao Vĩnh Điện, ngày 06/01/1940, chính quyền Nam triều mở phiên tòa xét xử những người cộng sản. Đồng chí Trần Tống, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cùng các đồng chí bị địch đưa ra xét xử. Với tài hùng biện và vốn lý luận của mình, đồng chí đã biến phiên tòa thành nơi tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến, bảo vệ lý tưởng cách mạng của mình, tuyên truyền ảnh hưởng trước nhân dân tham dự phiên tòa, bác bỏ cả phiên tòa, bác bỏ bản án của kẻ địch, hô vang các khẩu hiệu: Đả đảo đế quốc Pháp, Việt Nam hoàn toàn độc lập, hát vang các bài ca cách mạng. Phiên toà đã gây chấn động mạnh trong dư luận, đánh một đòn đau vào bọn tay sai. Cuộc đấu tranh này đã gây tiếng vang lớn, nhân dân bàn luận là “Cộng sản lật ghế quan toà”.

Sau xét xử, địch chuyển tù nhân xuống nhà lao Hội An. Tại đây, anh em tù nhân lập ra Ban Liên lạc nhà lao, đồng thời xác định công tác quan trọng là tuyên truyền, giáo dục cho nhau về tinh thần cách mạng cũng như hiểu biết về Đảng, về phương pháp hoạt động cách mạng để sau khi ra tù có thể tiếp tục hoạt động. Một trong những công việc đầu tiên được Ban Liên lạc chú ý là tổ chức dịch quyển “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô” từ tiếng Pháp sang tiếng Việt để làm tài liệu giáo dục cho tù nhân học tập và đưa ra bên ngoài để cán bộ, đảng viên và cơ sở sử dụng.

Đồng chí Trần Tống là người đóng vai trò chủ yếu trong việc dịch sách.  Trải qua bao khó khăn, gian khổ, cuối cùng tập “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô” cũng được dịch xong. Có bản dịch trong tay cùng với vốn kiến thức đã tích lũy được, đồng chí Trần Tống biên soạn một số chuyên đề làm bài giảng huấn luyện. Đồng chí biên soạn được chuyên đề nào, Ban liên lạc và sau đó là Chi uỷ nhà lao tổ chức huấn luyện cho tù nhân và chuyển dần ra bên ngoài.

Các chuyên đề được biên soạn trong nhà lao Hội An gồm có: (1) Cách mạng tư sản dân quyền chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa; (2) Chủ nghĩa Cộng sản và xã hội tương lai; (3) Đảng cách mạng kiểu mới của giai cấp công nhân; (4) Những nguyên tắc xây dựng Đảng- Đảng cộng sản; (5) Nông dân và liên minh công nông; (6) Thời cơ để cách mạng nổ ra và thắng lợi; (7) Lý luận chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; (8) Vấn đề dân tộc trong cách mạng; (9) Điều lệ tóm tắt của Đảng Cộng sản Đông Dương; (10) Công tác chi bộ với nhan đề “Bước đường đi”.

  Việc tổ chức huấn luyện trong nhà lao thông qua Ban liên lạc, Chi bộ. Tù nhân phân công nhau truyền đạt nội dung các chuyên đề. Đồng chí Trần Tống chịu trách nhiệm giảng về vấn đề lý luận cơ bản, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ giảng về vấn đề vận động quần chúng. Ban Liên lạc chủ trương tổ chức huấn luyện trước cho những tù nhân có mức án một, hai năm, để số này khi ra tù có cơ sở vận dụng trong hoạt động thực tiễn cách mạng. Những đồng chí được chọn học trước nằm trong số có trình độ văn hóa, có trí nhớ tốt cũng như nòng cốt ở các bót, như: Trương Nhi, Ngô Huy Diễn, Trương Kim Ấn.... Các giảng viên học thuộc lòng các tài liệu, bài giảng, rồi phân công phụ trách từng nhóm hai, ba người. Tù nhân đưa nhau xuống gầm sàn ngủ, chỗ lỗ thông hơi, xem như để thở không khí, mà sự thật là dự huấn luyện, nghe giảng bài, thảo luận; hoặc đến các giờ ra sân thở không khí, cứ hai, ba người vừa bá vai, vừa đi và nghe huấn luyện. Tài liệu được chuyền luân phiên để đọc, sau đó mỗi người nêu thắc mắc, trao đổi, thảo luận, giải đáp ở tổ, nhóm. Cứ thế công việc này duy trì mãi về sau, có tác dụng đào tạo cán bộ để sau khi mãn hạn tù áp dụng vào công tác.

  Theo đồng chí Trương Chí Cương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy kể: “Cuối năm 1940, tôi ra tù, nhờ đã được học tập Điều lệ Đảng trong tù, tôi tự động thành lập một chi bộ Đảng và sau khi kiểm tra, đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) đã công nhận chi bộ này”. Còn đồng chí Trần Minh Hoàng viết: “Chính nhờ trường học trong nhà tù đã nâng cao trình độ lý luận cách mạng cho tôi, sau khi ra tù tôi hoạt động cách mạng hăng say. Ngày khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở địa phương, tôi được Ủy ban khởi nghĩa xã cử đứng lên diễn thuyết. Tôi nói một mạch, rất hùng hồn, thu hút được người nghe...”.


2. Đấu tranh bảo vệ hình ảnh của Đảng và Bác Hồ

Đầu năm 1955, sau khi đặt được bộ máy chính quyền ở đồng bằng, địch xúc tiến mạnh việc đưa quân lên đánh phá phong trào cách mạng các huyện miền núi, tiến hành thiết lập bộ máy chính quyền, đẩy mạnh việc xuyên tạc chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng ta. Ngoài việc đấu tranh bảo vệ Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam còn đấu tranh chống lại các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch bằng nhiều hình thức nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ uy tín của Bác Hồ.

Tại Bến Giằng (nay là huyện Nam Giang) địch bắt đồng bào treo ảnh Ngô Đình Diệm giữa nhà. Đồng bào nhận treo ảnh Diệm vì không nhận treo ảnh là công khai chống lại và địch vin vào cớ này để đàn áp. Địch bảo đem treo ở nơi trang trọng nhất giữa nhà thì đồng bào đem treo trên giàn bếp. Chúng có hỏi thì đồng bào trả lời: “Người dân chúng tôi cái gì quý nhất đều phải treo trên giàn bếp”. Do treo trên giàn bếp, chỉ buổi sáng đến buổi chiều ảnh Diệm bị khói bếp đóng đầy, lem luốc.

Cũng như Bến Giằng, tại Trà My, địch dùng tranh, ảnh tuyên truyền nói xấu Đảng và Bác Hồ. Để vạch mặt âm mưu của địch, ta thường xuyên lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống lại các hình thức tuyên truyền này của chúng. Ta đã chuẩn bị cho quần chúng nhiều lý lẽ đơn giản theo cách lập luận, suy nghĩ của đồng bào. Tháng 6/1956, địch tổ chức cuộc mít tinh ở xã Tiên Hương cũng với mục đích tuyên truyền nói xấu cách mạng, nói xấu Đảng và Bác Hồ. Địch đem ra hai cái ảnh, một ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một ảnh Ngô Đình Diệm và hỏi đồng bào ai xứng đáng lãnh đạo dân?. Chỉ vào ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà con trả lời: Ông này gầy là vì thương dân, ngày đêm lo nghĩ cho dân, ông xứng đáng lãnh đạo nhân dân. Nói xong, chỉ vào ảnh Ngô Đình Diệm, đồng bào nói: Còn ông này ăn chi mà mập quá, nhất định là không biết lo chi cho dân, không xứng đáng lãnh đạo dân.

Những lập luận đơn giản, nhưng đầy tính thuyết phục của đồng bào đã làm kẻ địch đuối lý, qua đó góp phầm làm thất bại âm mưu đen tối của kẻ thù trong việc mua chuộc, dụ dỗ, xuyên tạc, chủ trương đường lối của Đảng và Bác Hồ. Đó là sự sáng tạo, linh hoạt trong công tác tuyên truyền góp phần bảo vệ hình ảnh của Đảng và Bác Hồ.

3. Tờ báo song ngữ đầu tiên ra đời ở miền Tây xứ Quảng

 Để chủ trương của Đảng đến nhiều hơn với quần chúng, Ban cán sự miền Tây Quảng Nam tổ chức phiên âm tiếng Cơ Tu cho nhân dân học tập. Năm 1959, trên cơ sở thành công của việc phiên âm tiếng Cơ Tu, Ban Cán sự miền Tây ra tờ “Gung Dưr” (Đứng lên), in cả chữ phổ thông và chữ Cơ Tu. Tờ “Gung Dưr” do đồng chí Quách Xân trực tiếp phụ trách. Tháng 5/1959, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tờ tin “Gung Dưr” ra số đầu tiên. Thời gian đầu ra hai tháng một kỳ, tiến đến mỗi tháng một kỳ, rồi một tháng 2 kỳ với số lượng khoảng 200 tờ. Đây là bản tin, tờ báo in đầu tiên ở miền núi Quảng Nam, đặc biệt tờ tin lúc đầu viết bằng tiếng phổ thông, sau đó Ban biên tập phiên ra tiếng Cơtu. Nội dung tập trung vào việc phổ biến chủ trương đường lối của Trung ương Đảng, Liên khu ủy 5, của Tỉnh ủy và Ban Cán sự miền Tây; vận động đoàn kết, tăng gia sản xuất, phòng và chữa bệnh, học chữ, hạn chế các tập tục lạc hậu; biểu dương các địa phương, cá nhân điển hình xuất sắc.

Từ thành công của việc phiên âm tiếng Cơ Tu và ra tờ “Gung Dưr”, Ban Cán sự miền Tây tiếp tục cho phiên âm chữ Ca Dong và cuối năm 1960 phát hành bản tin thứ hai mang tên “Pru Dương” in bằng tiếng Ca Dong. Báo “Pru Dương” ra đời có hình thức như tờ “Gung Dưr” nhằm phản ánh tình hình phong trào kháng chiến ở 2 huyện miền núi Phước Sơn, Trà My.

Việc phiên âm thành công chữ Cơ Tu và chữ Ca Dong, nhất là sự ra đời của hai tờ tin đầu tiên là tờ “Gung Dưr” và tờ “Pru Dương” đã góp phần làm cho công tác tư tưởng ở vùng đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam có nhiều thuận lợi, phong trào văn hóa - văn nghệ phát triển mạnh, tạo nên diện mạo đời sống văn hóa mới trong các bản làng, phong trào cách mạng ở miền núi không những được giữ vững mà còn phát triển mạnh và là chỗ dựa, căn cứ địa vững chắc tạo điều kiện thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, từng bước đưa phong trào cách mạng đến thắng lợi cuối cùng.

Theo: Lịch sử ngành Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (1930-2010).


Tác giả: Lê Năng Đông

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?