Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Nguyễn Kế - một cơ sở kiên trung trước Cách mạng tháng Tám năm 1945

Ngày đăng: 14:16 | 15/08/2023 Lượt xem: 249

Nguyễn Kế sinh ra tại thôn Vân Trai, xã Tam Hiệp, là một nhà nho yêu nước và cũng là một thầy thuốc Bắc rất nổi tiếng và giàu lòng nhân ái. Vì vậy, Nhân dân trong vùng thường gọi Thầy Kế. Từ rất sớm ông đã tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước, hưởng ứng phong trào Duy Tân, Nguyễn Kế đã cùng với Lê Đạt (cả Đáng) tổ chức diễn thuyết, tuyên truyền, vận động cải cách đòi dân sinh dân chủ, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thực hành nếp sống mới, như cắt tóc ngắn, mặc âu phục, lập các hội tương tế, hội đồng dân, hội lương bằng giúp nhau sản xuất. Với sự năng nổ, tích cực và nhất là uy tín của mình, Nguyễn Kế đã vận động được đông đảo nhân dân Tam Hiệp hưởng ứng, qua đó tạo nên không khí mới trong đời sống xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân trong xã. Không chỉ tham gia phong trào Duy Tân, Nguyễn Kế còn rất tích cực tham gia vận động, ủng hộ phong trào Đông Du, phong trào chống sưu cao, thuế nặng.

Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo năm 1916, Nguyễn Kế đã vận động thanh niên trai tráng trong làng luyện tập võ nghệ, mua sắm vũ khí để cùng với nhân dân các xã lân cận như Diêm Trường, Xuân Quang, An Hòa đánh đồn Thương chánh Hiệp Hòa (nay thuộc xã Tam Quang). Kế hoạch cuộc khởi nghĩa bị lộ, thực dân Pháp thẳng tay đnà áp những người tham gia cuộc khởi nghĩa, trên địa bàn xã Tam Hiệp, Nguyễn Kế bị địch đã bắt giam tại nhà lao tỉnh.
Sau khi ra tù, Nguyễn Kế cùng với Võ Nghiệm (Võ Dương), người xã Tam Xuân – thân sinh của nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công và Nguyễn Chỉ, người Diêm Trường (nay là xã Tam Giang) lập ra Hội buôn bán lâm thổ sản nhằm che mắt địch và tuyên truyền tinh thần yêu nước, đồng thời tích cực tham gia phong trào đấu tranh yêu nước của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Qua các hoạt động này, các cụ nhanh chóng tiếp thu đường lối cách mạng vô sản.
Với những hoạt động tích cực của mình, tháng 7/1933, được sự phân công Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam, đồng chí Phan Truy, Bí thư Chi bộ An Hòa đã quyết định kết nạp Nguyễn Kế vào Đảng Cộng sản Việt Nam và sinh hoạt tại Chi bộ Diêm Trường, bí danh D (chi bộ đầu tiên của vùng đất Tam Giang), do đồng chí Nguyễn Chỉ làm Bí thư. Với sự kiện này, Nguyễn Kế trở thành đảng viên đầu tiên của xã Tam Hiệp. Để đẩy mạnh phát triển đảng viên, sau khi được kết nạp vào Đảng, Nguyễn Kế được chi bộ phân công liên lạc và kết nạp cụ Võ Dương vào Đảng.
Đến giữa năm 1935, phong trào cách mạng trên địa bàn Quảng Nam liên tục bị đánh phá, bể vỡ. Lúc bấy giờ, cụ Nguyễn Kế bị bắt và kết án 05 năm tù, giam tại nhà lao tỉnh Quảng Nam. Sau một thời gian giam cầm, ông được thả. Sau khi ra tù, Nguyền Kế tiếp tục tìm cách liên lạc hoạt động cách mạng. Khu vườn nhà của ông trở thành nơi liên lạc, đứng chân của cơ quan Tỉnh ủy, đồng thời là nơi đón tiếp nhiều đồng chí tù chính trị, cán bộ lãnh đạo của Phủ ủy, Tỉnh ủy, Xứ ủy về hoạt động, như: Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Phan Thị Nể, Đỗ Thế Chấp, Võ Ngọc Hải… Trong Hồi ký “Thời sôi động”, Đại tướng Chu Huy Mân đã viết: “Cụ Kế làm nghề thuốc bắc, còn vợ làm nông trên mấy sào ruộng gần nhà nên gia cảnh khá khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, khi cơ quan Tỉnh ủy về đứng chân, gia đình cụ đã hết lòng nuôi giấu, che chở, lo nơi ăn chốn ở cho cán bộ yên tâm hoạt động. Đặc biệt, khi đến mùa gặt, gia đình cho đắp một đống rơm rất to rồi làm một căn hầm bí mật trong đó để khi có động thì cán bộ chui vào để trú ẩn, khi an toàn mới gọi cán bộ vào nhà ăn cơm và vào giường ngủ”.
Sau một thời gian hoạt động, Tỉnh ủy đã thành lập Phủ uỷ Tam Kỳ, liên lạc được với cơ sở các phủ, huyện Tam Kỳ, Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình. Trên cơ sở đó, tháng 02/1945, Tỉnh ủy chọn đứng chân tại nhà cụ Nguyễn Kế để tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy. Tại Hội nghị này, Tỉnh ủy nhận định tổ chức Đảng ở nhiều phủ, huyện chưa được phục hồi, khâu cán bộ hoạt động đang thiếu nghiêm trọng. Nhiệm vụ cấp bách của Tỉnh ủy trong lúc này là phải lập lại tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh các huyện. Trong một thời gian ngắn phải đẩy phong trào toàn tỉnh lên theo kịp với phong trào chung của cả nước. Sau hội nghị, cơ sở cách mạng nhà ông Nguyễn Kế trở thành nơi liên lạc đón cán bộ thoát tù về hoạt động.
Đặc biệt, trong những năm lăn lộn bám cơ sở, xây dựng phong trào cách mạng, đồng chí Võ Chí Công luôn được nhân dân che chở, đùm bọc, những cơ sở cách mạng ở Tam Hiệp như nhà cụ Nguyễn Kế (ở Vân Trai), nhà ông Lê Đạt (cả Đáng ở Thọ Khương)… luôn ghi dấu chân của đồng chí. Sau này, trong Hồi ký của mình đồng chí Võ Chí Công viết: “… những địa danh rất quen thuộc và thân thương như Thọ Khương, Vân Trai, Phái Nhơn, Vĩnh Đại… tôi mãi mãi còn nhớ vào những năm 1939 - 1942 về nơi đây, tôi, đồng chí Nguyễn Sắc Kim và một số đồng chí tỉnh khác thường xuyên lui tới, ăn, ở, được đồng bào, đồng chí nuôi nấng bảo vệ an toàn nhất để chúng tôi đi các phủ, huyện trong tỉnh củng cố tổ chức Đảng và xây dựng phong trào cách mạng lúc bấy giờ. Mỗi khi về thăm quê hương Tam Hiệp, tôi rất xúc động trước tình cảm sâu đậm, sự gắn bó keo sơn, lòng kiên trung của đồng bào, đồng chí ở đây đối với Đảng và cách mạng trong thời kỳ khó khăn gian khổ nhất”.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Nguyễn Kế nhiều lần bị địch bắt giam, tra tấn, tù đày. Dù bị địch tra tấn rất dã man nhưng bọn chúng không khai thác được gì. Mỗi lần bị bắt, lại thêm rèn luyện bản lĩnh, ý chí để sau này được thả ông lại tích cực và quyết tâm ý chí hơn trong hoạt động cách mạng và trở thành một cơ sở kiên trung. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do tuổi cao sức yếu, Nguyễn Kế không trực tiếp tham gia kháng chiến mà động viên con cháu tham gia kháng chiến, còn mình làm cơ sở liên lạc, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ.

 
Đại tướng Chu Huy Mân thăm cơ sở Cách mạng Cụ Nguyễn Kế sau ngày giải phóng

Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Nam, Đại tướng Chu Huy Mân đã đến thăm cơ sở cách mạng ở xã Tam Hiệp, thăm cụ Nguyễn Kế, Đại tướng không quên công ơn của cụ và gia đình đã hết lòng nuôi giấu, che chở mình vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, Đại tướng xúc động nói: “Tôi sống và hoạt động trên quê hương thứ hai này, thời gian chưa nhiều nhưng nghĩa tình sâu sắc… Ông bà cụ Kế với đống rơm làm hầm che chở cho những người hoạt động cách mạng… nghĩa khí trung kiên đã nuôi nấng, che chở những người đảng viên cộng sản trên con đường hoạt động cách mạng gian nan” (theo Đại tướng Chu Huy Mân, sđd).
Nhằm tưởng nhớ, tri ân những đóng góp của cụ Nguyễn Kế, người đảng viên và là một cơ sở cách mạng kiên trung. Năm 2005, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 4269/QĐ-UB ngày 21/11/2005 công nhận Cơ sở cách mạng nhà ông Nguyễn Kế là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện nay, Di tích đã được chính quyền các cấp đầu tư khôi phục lại, gồm Khu vườn và nhà ở. Nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã nhà.

Theo: Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Tam Hiệp (1930-1975); Hồi ký “Thời sôi động” của Đại tướng Chu Huy Mân

Tác giả: Lê Năng Đông

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?