Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Đồng chí Võ Chí Công, nhà lãnh đạo dám làm, dám chịu trách nhiệm

Ngày đăng: 10:32 | 03/08/2023 Lượt xem: 450

“… Trên lĩnh vực này tôi phụ trách, nếu khoán mới không đem lại kết quả thì tôi xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”- phát biểu của đồng chí Võ Chí Công tại hội nghị thảo luận về dự thảo Chỉ thị 100-CT/TW diễn ra tại thành phố Hải Phòng tháng 01/1981 đã thể hiện bản lĩnh, ý chí của người chiến sĩ cách mạng luôn hết lòng hết sức “phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn (bí danh Xuân, Năm Công), sinh ngày 07/8/1912 trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ (nay là xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đồng chí Võ Toàn sớm tham gia các phong trào cách mạng. Tháng 5/1935, đồng chí trở thành người đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương và trực tiếp làm Bí thư Chi bộ ghép Khương Mỹ - Danh Sơn (bí danh là chi bộ Mỹ Sơn) – chi bộ đầu tiên của vùng đất Tam Xuân. Từ đây, đồng chí đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, với tài năng, đức độ và uy tín của mình đồng chí Võ Chí Công được điều ra công tác ở Trung ương. Năm 1978, đồng chí làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam. Phụ trách ngành nông nghiệp - lĩnh vực mới mẻ, phức tạp và hết sức nặng nề, đồng chí ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi làm thế nào tháo gỡ khó khăn cho hàng triệu nông dân trong các hợp tác xã.
Đi sâu nghiên cứu thực tế cụ thể để tìm ra nguyên nhân, khác với những lần kiểm tra trước đó là thăm hỏi hình thức, cấp dưới trả lời chung chung, không cụ thể, lần này đồng chí “làm theo phương pháp đánh giặc: xuống sát chiến trường, để hiểu địch, hiểu ta để chỉ đạo, tác chiến”. Trên đường về Hải Phòng công tác, ngang qua cánh đồng thấy bà con đang gặt lúa, đồng chí bảo lái xe dừng lại rồi đi tới đám ruộng đang gặt được mùa hơn hẳn những đám xung quanh. Đồng chí hỏi nguyên nhân, bà con trả lời: “Thưa bác đây là ruộng 5%, nhà nước giao hẳn cho chúng cháu, chúng cháu làm hết mình, chăm bón kỹ, được hơn bác ơi”.

 
Đồng chí Võ Chí Công thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Phước (huyện Đại Lộc) năm 1983

Từ thực tế đó, đồng chí đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm dự thảo Chỉ thị 100-CT/TW. Từ ngày 3 đến ngày 07/01/1981, Ban Bí thư tổ chức hội nghị tại Hải Phòng để thảo luận dự thảo Chỉ thị 100-CT/TW. Hội nghị đã thảo luận sôi nổi và có phần gay gắt, nhất là vấn đề khoán sản phẩm tác động như thế nào đến sự tồn tại của hợp tác xã và chủ nghĩa xã hội. Sau khi nghe ý kiến thảo luận, đồng chí Võ Chí Công thẳng thắn nêu rõ quan điểm là “phải lấy thực tiễn làm thước đo chân lý. Lãnh đạo phải bám sát cơ sở, phải gần dân, nghe dân… Dân đói, cuối cùng phải tự tìm cách làm ăn no cơm, ấm áo, ta lại cấm, bắt quay về với khoán việc nên đành chịu”. Đồng chí nhấn mạnh: “Trên lĩnh vực này tôi phụ trách, nếu khoán mới không đem lại kết quả thì tôi xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”. Điều này thể hiện quyết tâm đổi mới, tinh thần dám làm dám chịu của cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo với nguyện vọng tha thiết và đáp ứng nhu cầu của người nông dân là muốn được “cởi trói”, được “xé rào” để được quyền tự chủ trong sản xuất, qua đó, chứng minh việc “khoán chui” là phù hợp với quy luật khách quan.
Ngày 13/01/1981, Chỉ thị 100-CT/TW về “cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp”. Chỉ thị 100-CT/TW ra đời là bước đột phá về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp. Đón nhận Chỉ thị 100-CT/TW, các địa phương, các cấp, các ngành và nhân dân nhiệt liệt tán thành, phong trào khoán mới đi vào thực tiễn. Đến thời điểm bấy giờ, chưa có một chủ trương nào của Đảng trên mặt trận nông nghiệp lại được nhân dân tiếp nhận mau chóng và phấn khởi như vậy. Cả nước nổi lên một phong trào khoán mới với khí thế lao động sản xuất chưa từng có, đem lại kết quả thiết thực, mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp. Vì vậy, lúc bấy giờ ở miền Bắc xuất hiện mấy câu thơ ca ngợi những người con Xứ Quảng, theo thể bút tre: Hoan hô chị Nguyễn Thị Bình/Được ngồi bên cạnh anh Chinh, anh Đồng/Hoan hô anh Võ Chí Công/Anh cho khoán hộ ruộng đồng tốt tươi”...
Phát huy kết quả đó, Bộ Chính trị giao đồng chí Võ Chí Công làm Trưởng Tiểu ban nghiên cứu vấn đề khoán trong nông nghiệp, làm cơ sở cho sự ra đời Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 05/4/1988 về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”, mở ra bước ngoặt trong sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban sữa đổi Hiến pháp năm 1980, đồng chí cùng với hội đồng Nhà nước tập hợp rộng rãi ý kiến của Nhân dân, kiên trì đấu tranh với quan điểm sai trái, kiên định những nội dung cơ bản về dân chủ, pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp sữa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới đất nước được thông qua, có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Chí Công.
Ngày 08/9/2011, đồng chí Võ Chí Công từ trần trong niềm tiếc thương vô hạn của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và bạn bè quốc tế. Gần 100 năm tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, đồng chí Võ Chí Công đã phấn đấu trọn đời mình và có những cống hiến hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Trong diễn văn kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (7/8/1912-7/8/2022), do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức vào tối ngày 6/8/2022, đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam đã nhấn mạnh: “Đảm nhận nhiều trọng trách ở nhiều lĩnh vực khác nhau, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Võ Chí Công cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, không ngừng học hỏi, tự rèn luyện, luôn sâu sát thực tiễn cuộc sống, gắn bó mật thiết nhân dân, lấy sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Trong cuộc sống hàng ngày, đồng chí luôn giữ nếp sống khiêm tốn, giản dị, nghĩa tình, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Đồng chí xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Năm 2023, kỷ niệm 111 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công (7/8/1912-7/8/2023) là dịp để cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Quảng Nam thấm sâu, ghi nhớ cuộc đời, sự nghiệp, công lao và phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Võ Chí Công. Tiếp tục học tập tinh thần cách mạng và tấm gương đạo đức mẫu mực của đồng chí, đoàn kết, ra sức thi đua thực hiện hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xứng đáng với truyền thống quê hương “trung dũng, kiên cường”.
 
Theo cuốn: Đồng chí Võ Chí Công – người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc, Nxb CTQG, xuất bản năm 2012.

Tác giả: Lê Năng Đông

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?