Một chiến sĩ cách mạng quả cảm
Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ có bí danh Hoa, Ngọc và Hồng Chinh, sinh ngày 10-8-1914, tại làng Mỹ Hoà, tổng Mỹ Hoà, nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học tại trường tiểu học Mỹ Hoà, Huỳnh Ngọc Huệ thi vào trường Kỹ nghệ Thực hành Huế. Nhờ học giỏi, lại có khả năng truyền thụ tốt nên sau khi mãn học, Huỳnh Ngọc Huệ được giữ lại trường làm giáo viên. Lúc học cũng như khi đi dạy, Huỳnh Ngọc Huệ đã từng bước tiếp thu tư tưởng vô sản. Cuối năm 1937, cùng với Tố Hữu, Đào Duy Zếnh, Huỳnh Ngọc Huệ được cử làm đại diện cho Đoàn Thanh niên Dân chủ trong nhà trường và Hội hướng đạo; làm Thư ký Hội ái hữu trường Kỹ nghệ Thực hành Huế. Là người luôn nhiệt huyết, năng nỗ đối với phong trào nên hễ có cơ hội là tuyên truyền cách mạng.
Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình đồng chí nhiều lần bị địch bắt. Đầu năm 1940, bị địch bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế), rồi bị địch đày lên Đắk Lây (Kon Tum). Tại Đắk Lây, vào tháng 3-1942, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ và đồng chí Tố Hữu tổ chức vượt ngục. Từ Đắk Lây vượt rừng về đến Đại Lộc là một con đường gian nan, nguy hiểm. Đói mệt cũng phải đi, vượt rừng nhiều ngày, lương thực không có, hai đồng chí phải ăn lá rừng sống qua ngày. Khi về đến làng Rô (huyện Nam Giang), được đồng bào dân tộc thiểu số che chở, nuôi nấng và hướng dẫn đường về Đại Lộc, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ ra Đà Nẵng để móc nối cơ sở tiếp tục hoạt động cách mạng. Tại Đà Nẵng một thời gian ngắn, đồng chí lại bị địch bắt. Lần này chúng chuyển đồng chí lên trại Đắk Tô (Kom Tum). Ở Đắk Tô đến năm 1944, đồng chí lại cùng các đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân và Hà Thế Hạnh tổ chức vượt ngục. Về đến Đại Lộc được một thời gian đồng chí lại rơi vào tay địch. Lần này, chúng đưa đồng chí ra giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó chuyển về giam ở nhà lao Đà Nẵng (nhà lao Con Gà).
Bị bắt rồi vượt ngục, vượt ngục rồi bị bắt, ở đâu bọn thực dân và tay sai cũng dành cho người cộng sản này sự đối xử “đặc biệt”. Đó là những đòn tra tấn vô cùng dã man, những bữa đói cơm, lạt muối... Nhưng trong hoàn cảnh nào, tấm lòng người chiến sĩ cộng sản chẳng những không bị lu mờ mà còn được tôi luyện, sáng ngời. Để trả lời câu hỏi của bọn cai ngục và mật thám vì sao hoạt động chống Pháp, đồng chí khẳng khái trả lời: “Tôi làm cách mạng là để chống kẻ bóc lột, không có mục đích nào khác, dù các ông có bắn cũng thế thôi. Tôi tin rằng nếu tôi chết, thì sẽ có những người bị bóc lột khác đứng lên đấu tranh chống kẻ bóc lột, chứ chúng tôi không chống người Pháp nói chung”. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí ra tù về tích cực tham gia vận động cách mạng, đồng chí được cử làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại Đà Nẵng.
Lãnh tụ công đoàn xuất sắc
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được cử làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, phụ trách công vận. Đến tháng 10-1945, được giao nhiệm vụ mới: Thư ký Hội Công nhân cứu quốc Trung Bộ, Chủ nhiệm kiêm Thư ký toà soạn báo Tay thợ. Đầu năm 1946, sau khi trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá I, đồng chí là một trong những người tham gia sáng lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; tổ chức Đại hội thành lập Liên đoàn Lao động Trung Bộ và xuất bản tờ báo Tay thợ; được cử vào Ban Chấp hành Liện hiệp công đoàn thế giới.
Cuối năm 1946, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí được giao thêm nhiệm vụ trực tiếp chuẩn bị chiến trường Quảng Nam- Đà Nẵng, đồng thời làm Chính uỷ mặt trận này. Một trong những đóng góp quan trọng của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là xây dựng các công binh xưởng ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Ngay sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, trên cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đồng chí đã chỉ đạo đồng chí Nguyễn Văn Dung và một số cán bộ kỹ thuật nghiên cứu chế tạo thử nghiệm súng tiểu liên Xit-ten (Sten) kiểu Pháp tại xưởng cơ khí công chánh Đà Nẵng. Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã trực tiếp đến chứng kiến buổi bắn thử. Đồng chí còn chỉ đạo thành lập xưởng sản xuất vũ khí tại nhà máy ươm tơ Giao Thủy, huyện Đại Lộc. Đây là cơ sở sản xuất vũ khí đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Từ những kết quả trên, đặc biệt việc thử nghiệm thành công trên, Tỉnh ủy Quảng Nam và Chi đội giải phóng quân (về sau là Trung đoàn 93) đã thành lập công binh xưởng Phan Đăng Lưu, sau đó là công binh xưởng Cao Thắng. Tháng 4-1946, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ trực tiếp chỉ đạo việc thành lập xưởng vũ khí dân quân Nho Bán, sản xuất lựu đạn cung cấp cho công an, tự vệ, dân quân... Từ đó, đồng chí còn có những chỉ đạo sâu sát hơn nữa về phát triển các binh công xưởng nhằm đáp ứng cho bộ đội, dân quân du kích ta đánh giặc. Kết quả, các công xưởng của ta trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng, đã chế tạo được súng tiểu liên, mìn, lựu đạn và các loại vũ khí thô sơ tự tạo. Các công binh xưởng này là cơ sở để ta tiến lên xây dựng 4 xưởng sản xuất vũ khí: QB.140, QB.150, QB. 160 và xưởng vũ khí Hạ Lào vào năm 1948.
Là một người cách mạng rất sâu sắc, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể quần chúng, nhất là tổ chức công đoàn trong các công binh xưởng. Đồng chí luôn ân cần chăm sóc anh em cấp dưới, nhất là số công nhân trực tiếp sản xuất vũ khí trong các công binh xưởng, số bộ đội, cán bộ ở tuyến trước, cán bộ là phụ nữ... Khi nghe tin công nhân xưởng Cao Thắng tuyệt thực, đồng chí đã khóc và phân tích cho lãnh đạo xưởng này về những nguyên nhân dẫn đến sự kiện trên. Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Lao động (năm 1949), đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đã ca ngợi công nhân sản xuất chế tạo vũ khí của Liên khu 5: “Họ trút phần mỹ thuật vào vũ khí, họ say sưa với sản phẩm chế tạo”.
Ngày 27-4-1949, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ từ trần do bị nhiễm trùng uốn ván, đồng chí ra đi để lại bao niềm thương tiếc trong lòng đồng bào cán bộ, chiến sĩ, công nhân Liên khu 5. Nhiều phong trào theo gương đồng chí được phát động, nhiều công xưởng, trường học, tổ chức cơ sở Đảng mang tên đồng chí. Nhận được tin Huỳnh Ngọc Huệ từ trần, Hội nghị Trung ương tổ chức vào tháng 5-1949 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức nghi thức mặc niệm. Trước tin ông mất, Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới Louis Saillant viết trong đoạn Thư chia buồn: “Sự ra đi của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, một chiến sĩ quả cảm và tận tụy của giai cấp lao động Việt Nam, là một thiệt thòi lớn cho phong trào lao động Việt Nam…”.
Để tưởng nhớ công lao, những đóng góp to lớn của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ với sự nghiệp cách mạng nói chung, giai cấp công nhân nói riêng. UBND tỉnh đã ban hành giải thưởng Huỳnh Ngọc Huệ. Giải thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh đoàn viên công đoàn có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Theo đó, giải thưởng sẽ được xét theo định kỳ 5 năm một lần vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28.7.
Vừa qua UBND tỉnh thống nhất tổ chức trao giải thưởng lần thứ I nhân kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28.7.2019. Đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất (1949-2019) và 105 năm Ngày sinh của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ (1914-2019).