Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Trần Văn Quế - Ra tù lo khởi nghĩa

Ngày đăng: 15:10 | 29/08/2018 Lượt xem: 1338

Với sự kiện “nhảy tàu” về lập lại Tỉnh ủy lâm thời chuẩn bị lực lượng cho ngày tổng khởi nghĩa trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam, đồng chí Trần Văn Quế được đồng chí, đồng đội gọi với cái tên thân mật: “Chiến sĩ nhảy tàu”.

Sinh ra tại Thọ Khương, tổng Đức Hòa, phủ Tam Kỳ (nay là thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành), Trần Văn Quế sớm tham gia làm tự vệ, giao liên cho cơ sở cách mạng từ năm 14, 15 tuổi. Tháng 12-1939, Trần Văn Quế được kết nạp vào Đảng, đến tháng 6-1940 Trần Văn Quế bị bắt do tham gia phong trào “Chung tát biển Đông”. Địch giải về nhà lao phủ Tam Kỳ tra tấn dã man rồi đưa ra nhà lao Vĩnh Điện, Hội An. Tháng 01-1941, Trần Văn Quế bị đày lên nhà đày Buôn Mê Thuột với bản án “Án không khai báo, phải trừng trị nghiêm khắc”.
Với số tù 3020, Trần Văn Quế đã tham gia phong trào đấu tranh của anh em tù chính trị như chống đi làm ngày chủ nhật, chống cai ngục bớt khẩu phần ăn của anh em. Đặc biệt là phong trào đấu tranh phản đối tên quản ngục “khát máu” - Mốt-sin đã giết hại các đồng chí Nguyễn Thành Hãn, Đỗ Ngọc Mai, Văn Diệp và Nguyễn Liễu sau sự kiện vượt ngục Đắc Min đầu năm 1943. Phong trào đã thu được thắng lợi, buộc địch phải thay công sứ, giám binh và quản lao.
Những ngày ngục tù với bao trận đòn dã man và chế độ lao tù khắc nghiệt vẫn không thể khuất phục ý chí cách mạng của những người cộng sản. Ngược lại, nhà tù trở thành trường học chính trị. Ở đây, Trần Văn Quế được học các môn Lịch sử, Địa lý, chủ nghĩa Mác-Lênin và phương pháp tuyên truyền, diễn thuyết, vận động quần chúng..., do các đồng chí Trần Hữu Dực, Nguyễn Chí Thanh, Trần Tống trong chi bộ nhà đày giảng dạy.
Đầu năm 1944, khi sắp đến kỳ mãn hạn tù, Trần Văn Quế cùng các đồng chí anh em ở Quảng Nam họp bàn kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người sau khi trở về quê hương. Nhưng rồi, lại nhận được thông tin do cơ sở bí mật của ta ở nhà đày cung cấp rằng lần này chúng sẽ không thả các đồng chí theo thời gian quy định mà sẽ đày đi an trí ở Phú Bài - Thừa Thiên Huế. Đây cũng là lúc phong trào cách mạng trong nước đang ở thời điểm quyết định. Chi bộ nhà đày yêu cầu các đồng chí tranh thủ lúc di chuyển bằng mọi giá phải trốn ra ngoài bắt liên lạc với tổ chức đảng địa phương tiếp tục hoạt động. Từ hôm đó Trần Văn Quế cùng với Nguyễn Tiến Chế, Lê Tự Nhiên, Trần Khoa... được theo học một lớp đặc biệt: học cách nhảy tàu, cách mở còng. Đồng chí Trần Khoa và Lê Tự Nhiên được phân công sau khi trốn thoát sẽ vào hoạt động ở cánh Ninh Thuận, Bình Thuận; đồng chí Trần Văn Quế và Nguyễn Tiến Chế phân công về Quảng Nam.
 
Đ.c Trần Văn Quế - Chiến sĩ nhảy tàu
Để nắm được tình hình cơ sở cách mạng còn lại ở quê nhà, đồng chí Trần Văn Quế liên lạc với đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Sắc Kim và Lê Bá, những người bị bắt hồi cuối năm 1943 đang bị giam tại một khám riêng tại nhà đày. Trong hồi ký của mình, đồng chí Trần Văn Quế viết: “Mỗi ngày 2 lần đưa cơm vào khám, chúng tôi tìm đủ mọi cớ để tiếp cận với các đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Sắc Kim, Lê Bá nhưng rất khó vì lính canh rất nghiêm ngặt. Lợi dụng lúc bọn chúng thiếu cảnh giác, tôi hỏi vào: Chúng tôi sắp được về, tình hình ở nhà ra sao, liên lạc với ai bây giờ? Anh Kim nói: Về cố gây dựng lại phong trào, liên lạc với Nguyễn Thị Lan - Bốn Phiên (bí danh là Hằng) ở Tịch Tây nhé. Nhắn ở nhà yên tâm. Anh Võ Chí Công dặn dò: Bọn mình đã ra được số báo Cờ Độc Lập số 10 rồi, các cậu về phải ra bằng được số 11. Phía bắc thì liên lạc với anh Bảy Phe (Nguyễn Tấn Ưng) làm thợ mộc ở Kim Bồng”.
Cuối tháng 02-1944, các đồng chí Trần Văn Quế, Nguyễn Giám, Lê Tự Nhiên, Trần Khoa bị bọn chúng giải về an trí Phú Bài. Đến Đức Phổ (Quảng Ngãi), thừa lúc chúng mở dây trói cho mọi người ăn cơm, đúng lúc này do tàu lên dốc nên chạy chậm lại, theo kế hoạch đã chuẩn bị đồng chí Trần Văn Quế hô to khẩu lệnh “Lênin”, mọi người cùng nhảy tàu trốn thoát an toàn.
Theo sự giới thiệu trước đó của đồng chí Võ Chí Công và Nguyễn Sắc Kim, đồng chí Trần Văn Quế, Nguyễn Tiến Chế về nhanh chóng bắt nối, xây dựng được một số chi bộ ở Tam Kỳ. Sau đó ra phía bắc bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Tấn Ưng - Bí thư Thành ủy Hội An. Tháng 4-1944, một hội nghị được tổ chức tại chùa Kim Bồng (Hội An) đã quyết định thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam do Trần Văn Quế làm Bí thư. Tỉnh ủy đặt cơ quan tại Diêm Trường (nay là xã Tam Giang, huyện Núi Thành) và làng Kim Bồng. Hội nghị xác định nhiệm vụ cấp bách của Tỉnh ủy lúc này là nhanh chóng móc nối với các phủ, huyện để xây dựng lại hệ thống tổ chức đảng và các đoàn thể; tiếp tục ra tờ báo “Cờ Độc Lập” số 9 và in một số tài liệu mật để tuyên truyền.
Sau Hội nghị thành lập lại Tỉnh ủy, các đồng chí Trần Văn Quế, Nguyễn Sắc Kim ra Duy Xuyên, lên vùng Trà Kiệu rồi về lại Quế Sơn để bắt nối liên lạc, xây dựng cơ sở cách mạng. Sự kiện này, trong hồi ký của mình đồng chí Trần Văn Quế viết: “chúng tôi đội lốt đóng vai hai cha con đi ăn giỗ, anh Chế bệ vệ trong bộ quần áo dài đen, tôi thì mặc bộ đồ bà ba cộc xách tráp quả và chai rượu đi xuống Dưỡng Mông vào nhà bác Cửu Sang (Nguyễn Sang)… Sau một thời gian tìm hiểu chúng tôi bắt được mối ông Cửu Sang bàn bạc và giao nhiệm vụ cho ông và chú em của ông (chú Phong) xây dựng cơ sở vùng Bà Rén”. Trên cơ sở đó, cuối tháng 4-1945, Cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam chuyển từ Tam Kỳ ra Bà Rén, huyện Quế Sơn và đóng tại nhà ông Nguyễn Sang. Tại đây, Tỉnh ủy Quảng Nam đã nhận được một số tài liệu của Trung ương đưa vào, Quan trọng nhất là bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra ngày 12-3-1945. 
Trong những ngày tháng 8-1945 bộ máy thống trị tay sai của Nhật từ phủ, huyện, đến cơ sở đã bị tê liệt, quần chúng được tập hợp dưới ngọn cờ hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa. Trước tình hình đó, ngày 12 đến ngày 14-8-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam họp bàn và quyết định phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban bạo động giành chính quyền tỉnh Quảng Nam, gồm 17 đồng chí, bộ phận thường trực Ủy ban Bạo động giành chính quyền gồm 5 đồng chí do đồng chí Trần Văn Quế, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. 
Trong những ngày tháng Tám lịch sử, đồng chí Trần Văn Quế đã cùng với các thành viên Ủy ban bạo động giành chính quyền của tỉnh tỏa xuống các địa phương lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Nhờ nắm vững chủ trương “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nên chỉ trong thời gian ngắn từ 18-8 đến 26-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã hoàn toàn thắng lợi.

Tác giả: Lê Năng Đông

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?