Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Đại hội Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng bên dòng A Vương

Ngày đăng: 14:02 | 24/04/2019 Lượt xem: 662

Nhằm kịp thời đưa phong trào cách mạng trong toàn tỉnh phát triển theo tỉnh thần Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 01-1960 tại thôn Adhur, bên dòng sông A Vương, huyện Bến Hiên (nay thuộc xã A Rooi, huyện Đông Giang). Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ IV. Đây là Đại hội đầu tiên của Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trước các chiến dịch “Tố cộng”, ‘Diệt cộng” liên tiếp của Mỹ - Diệm, nhân dân miền Nam cũng như nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng không còn con đường nào khác là phải đứng lên đánh đổ bọn Mỹ - Diệm. Vì vậy, từ ngày 12 đến ngày 22-01-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại thủ đô Hà Nội ra Nghị quyết 15, Nghị quyết khẳng định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng, thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân...”. 
Có thể nói sự ra đời của Nghị quyết 15 có ý nghĩa hết sức to lớn đối với cách mạng miền Nam, là yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Nhằm đưa cuộc kháng chiến phát triển lên một bước theo tinh thần Nghị quyết 15, Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng quyết định chuyển cơ quan từ khu vực Bô-lô-sơn (Bến Hiên) lên thôn Adhur (A Duân), bên dòng sông A Vương, cũng thuộc huyện Bến Hiên. Tại đây, Tỉnh ủy quyết định tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ IV. 

 

Việc được Tỉnh uỷ chọn làm nơi đóng cơ quan và tổ chức Đại hội quan trọng đầu tiên của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cho thấy vị trí quan trọng và phong trào cách mạng vững chắc của vùng căn cứ miền núi huyện Bến Hiên. Những ngày diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh, Adhur sôi động hẳn lên. Đây là lần đầu tiên sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ, Bến Hiên được tiếp đón cùng một lúc nhiều đồng chí lãnh đạo đại diện Liên Khu uỷ, Tỉnh ủy, các cán bộ chủ chốt của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Đại hội và các đại biểu về tham dự; các điều kiện cần thiết phục vụ Đại hội, công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương và rất chu đáo. Theo già làng Hôih Zơơn - nguyên du kích xã Arooi, huyện Đông Giang, là người trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài của đại hội: “Khu vực Đại hội có 08 ngôi nhà được làm bằng tranh, tre, nứa… có nhà có nhà ăn, nhà chăn nuôi… các ngôi nhà được làm dưới tán cây, được ngụy trang cẩn thận nhằm tránh máy bay địch phát hiện. Vòng ngoài khu vực Đại hội được cảnh giới và bảo vệ nghiêm ngặt, do 8 du kích xã phụ trách, được trang bị 01 cây súng Trường và 02 cây súng Cacbin. Công tác sản xuất được đẩy mạnh nhằm đảm bảo lương thực cho các đại biểu về tham dự đại hội; bên cạnh đó, bộ phận phục vụ đã vận động đồng bào trong xã và các khu vực lân cận đóng góp lương thực như gạo, khoai, sắn, bắp… và các loại thực phẩm như dê, heo, gà… phục vụ cho Đại hội”.
Tham dự Đại hội có 50 đại biểu chính thức và 20 đại biểu dự thính. Đại hội tiến hành trong 15 ngày, nội dung chủ yếu là nghiên cứu Nghị quyết 15, kiểm điểm, đánh giá các mặt công tác của Đảng bộ tỉnh từ sau khi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đề ra phương hướng nhiệm vụ theo chủ trương mới của Đảng và học Lịch sử Đảng Lao độngViệt Nam. Đại hội đã chủ trương: phải tạo mọi điều kiện để công hạ uy thế địch, khôi phục, phát huy uy thế quần chúng, mở rộng và phát triển lực lượng cách mạng ở đồng bằng; ra sức xây dựng miền núi vững mạnh về mọi mặt làm căn cứ địa cho phong trào cách mạng trong tỉnh. Nhiệm vụ ở đồng bằng, vừa tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, vừa móc nối xây dựng lại cơ sở Đảng, rút thanh niên xây dựng lực lượng vũ trang. Phương châm hoạt động là đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Đối với miền núi trong tỉnh, Đại hội đã quyết định “sáp nhập Trà My, Phước Sơn để thành lập huyện Trà Sơn; sáp nhập Bến Hiên, Bến Giằng, Hải Nam và huyện Tây Hòa Vang thành huyện Thống Nhất”.
Về công tác xây dựng Đảng, Đại hội nhận thấy việc khôi phục tổ chức Đảng còn chậm. Hiện nay, số lượng cơ sở có rất ít và không đều. Nhiều vùng rộng lớn chưa có cơ sở. Phần lớn đảng viên và cơ sở quần chúng là những đối tượng “tình nghi can cứu” nên bị địch theo dõi rất khó hoạt động. Trước tình hình đó, Đại hội xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian tới, phải kiên trì, thận trọng trong việc phát triển cơ sở, cũng như phát triển đảng viên mới, ra sức kiện toàn lại bộ máy Đảng từ tỉnh đến cơ sở để đủ sức lãnh đạo phong trào.
Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 19 đồng chí, đồng chí Trương Chí Cương được Liên khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội có ý nghĩa trọng đại đối với sự phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh, đánh dấu bước phát triển mới về phương thức hoạt động: kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và nổi dậy giành quyền làm chủ của quần chúng nhân dân. Thành công của Đại hội đã củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của đồng bào trong tỉnh.
Sau Đại hội, Tỉnh ủy thành lập các Ban Quân sự, Kinh tế, Tuyên huấn, Binh vận. Ban Cán sự cánh Bắc, cánh Trung và miền Tây được giải thể, Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo các huyện. Ban Chấp hành Đảng bộ các huyện Tam Kỳ, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang được thành lập lại. Từ đó, lực lượng cách mạng trong tỉnh phát triển lên một bước mới, đội công tác các xã, liên xã được thành lập, trong đó có cán bộ vũ trang làm nòng cốt để tuyên truyền đường lối của Đảng, phát động tinh thần đấu tranh của nhân dân và xây dựng cơ sở. Trên địa bàn toàn tỉnh đã dấy lên nhiều hoạt động đấu tranh chính trị và quân sự có ý nghĩa chính trị sâu sắc, đánh dấu bước phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết 15. 

Tác giả: Lê Năng Đông

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?