Xây dựng cơ sở cách mạng, củng cố lực lượng
Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ (9-1939), tại Quảng Nam thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, chúng tiến hành đóng cửa hiệu sách Việt Quảng, giải tán Sở Đạc điền Hội An, giải tán Hội ái hữu, chúng đưa mật thám lùng sục, khủng bố gắt gao, Đảng bộ tỉnh bị vỡ, nhiều cán bộ đảng viên bị bắt, bị tù đày. Tuy nhiên, cơ sở Đảng và cơ sở cách mạng ở nhiều phủ, huyện không bị vỡ. Phủ ủy Tam Kỳ còn đồng chí Võ Chí Công và Nguyễn Sắc Kim tiếp tục hoạt động và bắt nối, xây dựng phong trào. Nhờ sự năng nổ, sáng tạo trong việc xây dựng lực lượng và chỉ đạo phong trào cách mạng đến tháng 01-1940, đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Sắc Kim tổ chức hội nghị Phủ ủy Tam Kỳ quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11-1939). Tại Hội nghị đồng chí Võ Chí Công được bầu làm Bí thư Phủ ủy.
Sau Hội nghị, Phủ uỷ Tam Kỳ phân công các Phủ ủy viên tìm cách bắt liên lạc với các phủ, huyện trong tỉnh nhanh chóng thành lập lại Tỉnh uỷ. Đồng chí Võ Chí Công chịu trách nhiệm bắt liên lạc với các phủ, huyện phía Bắc và nhanh chóng liên lạc được với đồng chí Huỳnh Cự (Duy Xuyên), đồng chí Võ Huyến (Điện Bàn). Trên cơ sở đó, tháng 3-1940, Tỉnh uỷ lâm thời Quảng Nam được thành lập do đồng chí Võ Chí Công làm Bí thư Tỉnh ủy. Nhờ tích cực bắt mối xây dựng của Tỉnh uỷ, tổ chức Đảng ở các huyện phục hồi nhanh chóng, đến tháng 10-1940, Tam Kỳ, Điện Bàn, Duy Xuyên đã củng cố lại Phủ uỷ, đồng thời xây dựng được ở Tam Kỳ 9 chi bộ, Điện Bàn 1 chi bộ, Duy Xuyên 2 chi bộ, Quế Sơn 2 chi bộ, Hội An 2 chi bộ, tất cả có gần 70 đảng viên.
Trong giai đoạn này đồng chí Võ Chí Công đã trực tiếp xây dựng cơ sở và thành lập được các chi bộ Đảng ở Trà Kiệu Tây, Phú Nham Đông (Duy Xuyên), xây dựng phong trào cách mạng ở Quế Sơn, Thăng Bình. Đặc biệt, Từ cơ sở nhà đồng chí Nguyễn Phước Tuân, ở Trà Kiệu Tây, đồng chí Võ Chí Công đã bắt liên lạc được với đồng chí Hồ Tỵ - phái viên của Xứ ủy Trung Kỳ.
Sau khi trao đổi, đồng chí Hồ Tỵ và đồng chí Võ Chí Công thống nhất tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại Chùa Hang (xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành). Hội nghị Tỉnh uỷ phấn khởi tiếp thu đường lối chủ trương giải phóng dân tộc theo Hội nghị lần thứ sáu của Trung ương và nhất trí đề ra một số nhiệm vụ trước mắt cho Đảng bộ. Đồng thời Hội nghị bàn các biện pháp chuẩn bị điều kiện hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ khi nổ ra như rải truyền đơn ủng hộ, phá đường sá cản trở địch chuyển quân đến đàn áp cuộc khởi nghĩa. Tại Hội nghị đồng chí Hồ Tỵ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Võ Chí Công được bầu vào Tỉnh ủy, với bí danh Xuân, được phân công phụ trách xây dựng phong trào cách mạng ở Tam Kỳ và Tiên Phước.
Hội nghị Chùa Hang có ý nghĩa như một cuộc Đại hội của Đảng bộ tỉnh, đồng thời đánh dấu bước chuyển hướng nhận thức quan trọng về đường lối giải phóng dân tộc của Đảng bộ, chuẩn bị những điều kiện hướng tới khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.
Trong những năm 1941 - 1943, ở Quảng Nam, địch liên tiếp thực hiện các vụ khủng bố, đàn áp dã man phong trào cách mạng, triệt phá cơ quan đầu não của tỉnh, vây bắt các đồng chí Tỉnh uỷ viên; cơ quan Tỉnh ủy phải di chuyển nhiều nơi, từ Tam Kỳ ra Thăng Bình lên Quế Sơn rồi lấy vùng rừng núi giáp hai huyện Quế Sơn, Duy Xuyên làm căn cứ đóng cơ quan, in tài liệu, ra báo. Lúc này, đồng chí Võ Chí Công cùng đồng chí Nguyễn Sắc Kim lặn lội hết địa phương này đến địa phương khác để lãnh đạo ổn định tình hình tư tưởng, bàn kế hoạch chống khủng bố, giữ liên lạc từ tỉnh đến cơ sở.
Vào giữa năm 1942, địch khủng bố ác liệt, bị truy nã gắt gao và mất liên lạc với trên, các đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Sắc Kim phải di chuyển vào các tỉnh Nam Trung bộ. Tháng 8-1942, các đồng chí trở về Quảng Nam liên lạc với Thành ủy Hội An bàn việc khôi phục phong trào toàn tỉnh, thành lập Liên Tỉnh ủy - Thành uỷ Quảng Nam, Hội An và Đà Nẵng gồm 5 đồng chí, đồng chí Võ Chí Công được cử làm Bí thư. Tháng 4-1943, sau vụ phát hành vé số cứu quốc ở Duy Xuyên bị lộ, địch đánh phá ác liệt phong trào cách mạng, diện bắt bớ lan rộng ra toàn tỉnh. Chúng tập trung đánh phá cơ quan Tỉnh ủy đóng ở Hội An, Duy Xuyên, bắt được một số đồng chí Tỉnh ủy viên, truy nã gắt gao các đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Sắc Kim. Tuy vậy, đồng chí Võ Chí Công cùng với đồng chí Nguyễn Sắc Kim vẫn bám trụ hoạt động, củng cố cơ sở ở Tam Kỳ, tiếp tục ra báo “Cờ Độc Lập”.
Cuối năm 1943, đồng chí Võ Chí Công bị địch bắt và bị kết án chung thân, sau giảm xuống 25 năm và đưa đi đày ở nhà đày Buôn Ma Thuột. Trong nhà đày Buôn Ma Thuột, đồng chí luôn giữ vững ý chí cách mạng. Khi nghe tin, đồng chí Trần Văn Quế trên đường bị địch giải về An trí Phú Bài (Huế) sẽ nhảy tàu về lại địa phương hoạt động. Đồng chí đã bí mật gặp và dặn dò đồng chí Trần Văn Quế rằng:“Bọn mình đã ra được số báo Cờ độc lập số 10 rồi, các cậu về phải ra bằng được số 11. Phía Bắc thì liên lạc với anh Bảy Phe (Nguyễn Tấn Ưng) làm thợ mộc ở Kim Bồng (Hội An)…!”. Nhờ đó, sau khi ra tù đồng chí Trần Văn Quế đã nhanh chóng bắt nối được với cơ sở và lập lại Tỉnh ủy Quảng Nam vào tháng 02-1944.
Tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), đồng chí Võ Chí Công ra tù. Với bầu nhiệt huyết cách mạng, đồng chí bắt tay ngay vào việc xây dựng phong trào, chuẩn bị khởi nghĩa. Tại Hội nghị Tỉnh ủy vào các ngày 12 đến 14-8-1945, đồng chí được cử vào Ban Thường trực Ủy ban bạo động giành chính quyền tỉnh. Phụ trách chỉ đạo khởi nghĩa tại Hội An.
Ngày 17-8-1945, cùng với đồng chí Phan Thị Nễ, đồng chí Võ Chí Công đến kiểm tra tình hình chuẩn bị khởi nghĩa tại Hội An. Sau khi nắm tình hình, đồng chí và Ủy ban khởi nghĩa thị xã Hội An đã nhận định, các thời cơ khởi nghĩa đã đến. Nhận thấy được tầm quan trọng của việc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hội An sẽ góp phần hỗ trợ cho các phủ, huyện trong tỉnh giành chính quyền nên đồng chí Võ Chí Công đã thống nhất với đề xuất của Ủy ban khởi nghĩa thị xã Hội An, xin tỉnh cho phép khởi nghĩa giành chính quyền ngay trong đêm 17-8.
Trong khi chờ sự chỉ đạo của tỉnh, đồng chí Võ Chí Công cùng với Ủy ban khởi nghĩa Hội An khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng khởi nghĩa như: huy động lực lượng, may cờ, dán biểu ngữ, bố trí các đơn vị tự vệ canh gác tại các địa điểm tập kết quân khởi nghĩa.
Trong đêm 17-8-1945, nhận được sự đồng ý của Tỉnh ủy, đồng chí Võ Chí Công đã chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại Hội An. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An đêm 17 sáng ngày 18-8 đã giành thắng lợi một cách nhanh chóng, trọn vẹn. Sau khi giành chính quyền tại Hội An thắng lợi, đồng chí Võ Chí Công đã về hỗ trợ các địa phương của tỉnh như Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước… khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 2-9-1945, tại thị xã Hội An, Tỉnh ủy và Ủy ban Việt Minh tỉnh Quảng Nam tổ chức mít tinh mừng thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa và tổ chức ra mắt Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam. Đồng chí Võ Chí Công được cử làm Ủy trưởng Tư pháp.