Chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ (9-1939), ở Việt Nam thực dân Pháp liên tục thực hiện chính sách khủng bố gắt gao. Tại Quảng Nam, chúng liên tiếp đánh phá, khủng bố phong trào cách mạng, Đảng bộ tỉnh nhiều lần bị bể vỡ (trong đó có 3 lần bể vớ lớn vào cuối năm 1939, đầu năm 1942 và cuối năm 1943). Mỗi lần bể vỡ là một lần phong trào cách mạng chịu tổn thất nặng nề, song cũng thêm một lần thử thách rèn luyện đối với đảng viên, cơ sở cách mạng. Mặc dù bị địch tra tấn rất dã man, nhiều cán bộ, đảng viên và cơ sở cách mạng vẫn không hề khai báo, mà còn tìm cách đánh lạc hướng địch, tiếp tục hoạt động xây dựng phong trào. Vì vậy, phong trào cách mạng nhanh chóng được khôi phục, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập lại.
Sau sự kiện bể vỡ cuối năm 1943, đồng chí Võ Toàn, Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong Tỉnh ủy bị bắt. Tháng 02-1944, các đồng chí Trần Văn Quế, Nguyễn Tiến Chế trên đường đi đày Buôn Ma Thuột bị đày ra Phú Bài (Huế) nhảy tàu về Tam Kỳ hoạt động. Tháng 4-1944, sau khi bắt liên lạc được với đồng chí Nguyễn Văn Tấn (Tấn Ưng), Bí thư Thị ủy Hội An, các đồng chí tổ chức Hội nghị thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời gồm các đồng chí Trần Văn Quế, Nguyễn Tiến Chế, Nguyễn Văn Tấn, do đồng chí Trần Văn Quế làm Bí thư Tỉnh ủy. Hội nghị xác định nhiệm vụ cấp bách của Tỉnh uỷ lúc này là nhanh chóng móc nối liên hệ với các phủ, huyện xây dựng lại hệ thống tổ chức Đảng và các đoàn thể, tiếp tục ra báo Cờ Độc lập và in một số tài liệu mật để tuyên truyền. Sự kiện thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời là một bước chuẩn bị quan trọng về tổ chức, lực lượng cho khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.
Sau một thời gian hoạt động, Tỉnh ủy đã thành lập Phủ uỷ Tam Kỳ, liên lạc được với cơ sở các phủ, huyện Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình. Trên cơ sở đó, tháng 02-1945, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tại nhà cụ Nguyễn Kế, làng Vân Trai (nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành). Hội nghị nhận định tổ chức Đảng ở nhiều phủ, huyện chưa được phục hồi, khâu cán bộ hoạt động đang thiếu nghiêm trọng. Nhiệm vụ cấp bách của Tỉnh uỷ trong lúc này là phải lập lại tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh các huyện. Trong một thời gian ngắn phải đẩy phong trào toàn tỉnh lên theo kịp với phong trào chung của cả nước.
Thực hiện chủ trương hội nghị Tỉnh ủy, phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh đang dần phục hồi và phát triển nhanh chóng, thì đêm 9-3-1945, quân Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Trước tình hình diễn biến mau lẹ, có nhiều thuận lợi, tháng 4-1945, cơ quan Tỉnh uỷ từ Tam Kỳ chuyển ra Bà Rén, Quế Sơn. Tại đây cuối tháng 4-1945, Tỉnh uỷ nhận được một số tài liệu của Trung ương gửi vào. Quan trọng nhất là bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra ngày 12-3-1945. Trong bản Chỉ thị này Trung ương chủ trương thay đổi khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật, Pháp” trước đây bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật” và dự kiến các khả năng có thể làm cho cuộc khởi nghĩa của ta nổ ra giành thắng lợi. Đây là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, giúp cho các địa phương có một nhận thức để chủ động trong mọi tình huống thời cơ có thể xảy ra.

Bia Di tích nơi Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị bàn kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa năm 1945
|
Nắm vững quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Quảng Nam đã chuẩn bị mọi điều kiện cho Tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến, Đảng bộ tỉnh đã thực hiện chu đáo các khâu tuyên truyền giác ngộ quần chúng, tập hợp lực lượng và tổ chức rộng khắp từ nông thôn đến thành thị để tạo ra sức mạnh tổng hợp. Tiếp đó, tháng 5-1945, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tại bến đò Ông Đốc (nay thuộc thôn Vân Ly, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn), Tỉnh ủy quyết định kiện toàn Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh, công khai tuyên truyền hiệu triệu quần chúng. Tháng 6-1945, Tỉnh ủy họp mở rộng tại Thọ Khương (nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành), chủ trương đẩy mạnh sử dụng hình thức mít tinh tuyên truyền để phát động quần chúng; nhanh chóng phát triển đội tự vệ vũ trang cơ sở, xây dựng Đội du kích Vũ Hùng thành lực lượng vũ trang nòng cốt của tỉnh.
Trong khi đó, những ngày đầu tháng 8-1945 bộ máy thống trị tay sai của Nhật từ phủ, huyện, đến cơ sở đã bị tê liệt, quần chúng được tập hợp dưới ngọn cờ hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa. Trước tình hình đó, trong hai ngày 12 và 13-8-1945, Tỉnh ủy họp tại nhà ông Ung Tòng ở Khương Mỹ, (nay thuộc thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2, Núi Thành) để bàn kế hoạch chớp thời cơ khởi nghĩa. Chiều 13-8-1945, cuộc họp đang diễn ra thì, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ từ Đà Nẵng vào báo tin với hội nghị: Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng minh, ngay lập tức cuộc họp Tỉnh ủy được chuyển xuống nhà ông Nguyễn Chiến (cùng thôn Khương Mỹ), chuyển trọng tâm sang bàn chủ trương khởi nghĩa và quyết định: Phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền. Cùng với đội quân khởi nghĩa được tổ chức và rèn luyện, hệ thống lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã được thiết lập từ xã, tổng lên phủ, huyện, tỉnh và hầu khắp địa bàn, sẵn sàng quyết tâm lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa.
Sau cuộc họp, các thành viên trong Ủy ban Bạo động tỉnh phụ trách địa phương nào về lãnh đạo khởi nghĩa tại địa phương đó, chỉ điều chỉnh tăng cường một số đồng chí cho những nơi quan trọng. Hội nghị nhanh chóng kết thúc vào chiều ngày 14-8-1945, các đồng chí dự hội nghị toả về địa phương triển khai cấp tốc kế hoạch. Ngay tối ngày 14-8-1945, cơ quan Thường trực của Tỉnh uỷ và Thường trực Ban bạo động tỉnh ở Bà Rén (Quế Sơn) chuyển ra Bích Trâm (Điện Bàn) để chỉ đạo khơỉ nghĩa. Hàng loạt các chỉ thị hoả tốc của Thường trực Ủy ban bạo động gửi đi các phủ, huyện hướng dẫn và đôn đốc chuẩn bị hành động. Theo kế hoạch dự kiến của tỉnh, sẽ tiến hành giành chính quyền phủ, huyện trước, sau đó tập trung lực lượng giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hội An.
Trong khi đó, từ đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa Trung ương đã ra mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc (Quảng Nam chưa nhận được) làm cho chủ trương khởi nghĩa của Tỉnh uỷ Quảng Nam kịp thời và phù hợp với mệnh lệnh khởi nghĩa của Trung ương.
Đêm ngày 17 sáng ngày 18-8-1945 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An đã nhanh chóng giành thắng lợi trọn vẹn. Tin tỉnh lỵ Hội An giành chính quyền thắng lợi khích lệ mạnh mẽ lực lượng khởi nghĩa các phủ, huyện tiến lên. Từ ngày 18-8 các địa phương Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn, Đại Lộc đã giành được chính quyền về tay nhân dân. Ngày 22-8-1945, ta giành chính quyền tại Hòa Vang, ngày 26-8, khởi nghĩa giành chính quyền tại Đà Nẵng. Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ ngày 18-8 đến 26-9-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam và Đà Nẵng đã hoàn toàn thắng lợi.
Có thế thấy rằng khi “thời cơ” đến, tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, Đảng bộ tỉnh “chớp lấy” thời cơ phát động quần chúng nổi dậy. Đồng thời theo sát thực tiễn, nắm bắt tình hình, linh hoạt chỉ đạo thay đổi phương án từ khởi nghĩa ở các phủ, huyện trước sang khởi nghĩa cùng một lần với tỉnh lỵ, tạo điều kiện hỗ trợ các phủ, huyện trong toàn tỉnh nhanh chóng giành chính quyền. Nhờ có lực lượng cách mạng vững chắc và đều khắp, việc chuẩn bị chu đáo, lãnh đạo khởi nghĩa linh hoạt cơ động, vượt lên mọi trở ngại, đoàn kết nội bộ Đảng, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh… đã giúp cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam nhanh chóng thu được thắng lợi trọn vẹn. Trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập I (1920-1954) ghi: “Ngày 18-8-1845, nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành được chính quyền ở tỉnh lỵ và nhanh chóng hoàn thành Cách mạng tháng Tám trong toàn tỉnh nhanh, gọn, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc” (1).
Hiện nay đất nước ta nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng đang trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh những thuận lợi, còn có nhiều khó khăn, thách thức. Việc chuẩn bị mọi điều kiện, nắm bắt, vận dụng và chớp thời cơ bài học trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.
-----------------------------------------------------
(1): Dẫn lại: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930-1975), Nxb CTQG Hà Nội, 2006, tr.202.